Đừng “lăn tăn” Uber lãi nhiều
Mấy ngày qua, có nhiều luồng thông tin khác nhau xoay quanh việc taxi Uber hoạt động tại TP HCM đạt lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng mỗi ngày. Nhiều người băn khoăn, việc kiểm soát thu thuế đối với mô hình taxi mới này liệu có được kiểm soát không?
Dưới góc độ cạnh tranh, Nhà nước không những không ngăn cản việc đầu tư ít, thu lãi nhiều, mà còn khuyến khích tất cả mọi DN đầu tư vào sản phẩm mới, công nghệ cao, mang lại hiệu quả lớn. Đây là quan điểm của LS Trương Thanh Đức – Chủ tịch Cty Luật Basico, trọng tài viên VIAC.
Theo tính toán của Sở Giao thông vận tải TP HCM, hiện đang có khoảng 4.000 taxi Uber hoạt động tại TP HCM. Với số lượng taxi Uber hoạt động như vậy, hàng ngày có thể chuyển khoảng 1 tỷ đồng lợi nhuận về Công ty quản lý tại Hà lan. Lý giải về mức lợi nhuận mà taxi Uber có thể đạt được như vậy, ông Lê Hoàng Minh – Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, số tiền trên được trích từ 20% doanh thu của taxi Uber.
Trước sức ép cạnh tranh của taxi Uber, ông Tạ Long Hỷ – Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cho rằng, taxi Uber đang hoạt động trái pháp luật tại VN và cạnh tranh bất hợp pháp với các DN taxi. Trong thời gian qua, Thanh tra Sở GTVT đã lập biên bản xử phạt khoảng 200 taxi Uber không có giấy phép kinh doanh và không có bảng hiệu, bộ đàm, phù hiệu taxi.
Về phía taxi Uber, ông Đặng Việt Dũng – Giám đốc điều hành Uber Việt Nam thì khá khôn khéo trước phản ứng của các cơ quan cũng như hiệp hội. Ông Dũng chỉ cho biết, ông nghi ngờ độ chính xác trong thông tin chuyển 1 tỷ đồng lợi nhuận về Hà Lan. Cùng với đó người đại diện Uber Việt Nam nói, điều mà chúng tôi có thể xác nhận là Uber luôn tuân thủ với mọi quy định về thuế mà Chính phủ địa phương áp dụng, và chi trả tất cả các loại thuế liên quan tại mọi thị trường mà chúng tôi đang hoạt động. Chúng tôi luôn hợp tác với các cơ quan Nhà nước để thực hiện mục tiêu chung là đem lại phương thức di chuyển đáng tin cậy cho người dân.
Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng, Uber là mô hình kinh doanh mới dựa vào phát triển các tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại. Nhìn về mặt lợi ích chung, Uber giúp tiết kiệm được chi phí cho xã hội nhờ tận dụng tốt các nguồn lực dư thừa trong xã hội. Do đó, nếu ai phản đối Uber tức là đi ngược lại xu thế phát triển chung.
Cùng quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hoạt động của Uber là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới, không trùng khít với bất kỳ loại hình vận tải hành khách nào đang được pháp luật quy định. Uber sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Tuy nhiên cũng không thể nói rằng đó là hoạt động trái pháp luật.
Uber là DN dùng công nghệ làm dịch vụ kết nối vận tải theo hợp đồng. Hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ Về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tài bằng xe ô tô: “Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.”
Thực tế, qua hơn 1 năm hoạt động, người sử dụng dịch vụ của Uber thừa nhận đây mà loại dịch vụ an toàn, tiện lợi, tiết giảm chi phí. Đối với DN thì có khả năng kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh…
Nếu xét về mặt công nghệ, các hãng taxi khác cũng có thể dùng công nghệ kết nối để gia tăng tiện ích cho hoạt động của mình. Còn ở góc độ công nghệ xuyên biên giới, thì đây cũng là một dạng cung cấp giải pháp công nghệ như Google hay Yahoo… Chỉ khác ở chỗ các dịch vụ đó có thu phí hay không. Nếu thu phí thì phải đóng thuế và việc kiểm soát thu thuế cũng không mấy khó khăn.
LS Trương Thanh Đức bày tỏ quan điểm, Luật Cạnh tranh cũng như quy luật kinh tế thị trường khuyến khích việc cạnh tranh đúng pháp luật. Qua cạnh tranh tất yếu có người thắng, kẻ thua, miễn sao người tiêu dùng, nhà đầu tư và cả nền kinh tế được lợi.