Doanh nghiệp Việt đã làm gì để 'xưng bá' ở nước ngoài?

05/02/2014 21:11 PM | Kinh doanh

Năm 2013, Việt Nam lần đầu có đại diện trong danh sách tỷ phú thế giới. Đây có thể có là một niềm tự hào, một động lực phấn đấu đối với đông đảo các doanh nhân nhân Việt. Nhưng nhìn ra xung quanh cũng có thể thấy là các doanh nghiệp chúng ta còn quá nhỏ so với các nước trong khu vực.

Chỉ riêng khu vực Đông Nam Á đã có tới gần 70 tỷ phú; cả 5 nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines đều có ít nhất là 10 đại diện trong danh sách. Trên các bảng xếp hạng doanh nghiệp lớn của thế giới vẫn vắng bóng doanh nghiệp Việt.

Chúng ta thua kém bè bạn một phần là do nền kinh tế mới phát triển chưa lâu, quy mô của các doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế.

Ngoài ra, một trong những lý do khiến doanh nghiệp của Việt Nam còn bé là do việc đầu tư ra nước ngoài vẫn còn rất chậm chạp. Những doanh nghiệp có những hoạt động đáng kể ở nước ngoài có thể đếm trên đầu ngón tay như Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Tập đoàn Cao su…

Trong khi đó, những ông lớn Đông Nam Á họ đã làm rất tốt điều này và đưa doanh nghiệp của họ lên tầm cỡ thế giới. CP Group của tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á Dhanin Chearavanont là doanh nghiệp lớn nhất thế giới về sản xuất thức ăn chăn nuôi hay tỷ phú giàu nhất Malaysia Robert Kuok nắm trong tay Wilmar, hãng kinh doanh dầu cọ lớn nhất thế giới…

Trong quá trình vươn lên thành doanh nghiệp toàn cầu, các doanh nghiệp Đông Nam Á trước hết là bành trướng trong khu vực để tạo vị thế vững chắc, sau đó mới dần tiến ra các thị trường xa hơn. Điều đó lý giải cho việc vài năm qua đã có hàng loạt thương vụ M&A lớn giữa các doanh nghiệp trong khu vực như tập đoàn ThaiBev của Thái Lan thâu tóm hãng đồ uống lớn nhất Singapore Fraser&Neave.

Ngay tại Việt Nam, hàng loạt thương vụ M&A lớn trong vài năm vừa qua cũng đến từ các doanh nghiệp trong khu vực như Semen Indonesia mua lại Xi măng Thăng Long, SCG của Thái Lan mua lại Prime Group, Chandler Corp mua lại Y khoa Hoàn Mỹ và đầu tư lớn vào Masan Group hay Ayala của Philippines chi hàng trăm triệu USD vào lĩnh vực hạ tầng.

Viettel và HAGL đều bắt đầu ra nước ngoài bằng việc đầu tư vào những nước
láng giềng như Lào và Campuchia. Ảnh: Mạng Unitel của Viettel tại Lào

Doanh nghiệp Việt đã làm gì?

Rõ ràng, muốn trở thành một doanh nghiệp lớn thì không thể chỉ quanh quẩn ở thị trường trong nước. Hai trường hợp đầu tư ra nước ngoài từ sớm với giá trị lớn và có thể nói là thành công nhất đến lúc này có lẽ là Viettel và Hoàng Anh Gia Lai. Cả hai đều bắt đầu bằng việc đầu tư sang 2 nước láng giềng gần gũi là Lào và Campuchia.

HAGL đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực nông nghiệp với các cây trồng như mía đường, cao su và dầu cọ. Năm ngoái, HAGL đã có vụ mía đường đầu tiên rất thành công trên đất Lào, đạt được mức tỷ suất lợi nhuận khiến các doanh nghiệp trong nước phải “thèm thuồng”. Những năm tới khi phần lớn diện tích cao su được đưa vào thu hoạch, mỗi năm bầu Đức và HAGL có thể thu về hàng triệu USD.

Sau giai đoạn đầu tư tại Lào và Campuchia, HAGL bắt vào triển khai dự án bất động sản có tổng giá trị đầu tư lên đến 440 triệu USD tại Myanmar. Bầu Đức đã âm thầm mua đất tại đây từ khi quốc gia này chưa được chú ý nhiều. Khởi công từ tháng 6/2013, giai đoạn 1 của dự án dự kiến đưa vào vận hành từ cuối năm nay.

Hiện nay, phần lớn các tài sản và hoạt động kinh doanh của HAGL đều ở nước ngoài. Theo lộ trình tái cấu trúc, tại Việt Nam, HAGL chỉ giữ lại một số dự án bất động sản cùng các diện tích trồng cao su tại Tây Nguyên.

Theo công bố từ Viettel, tổng doanh thu từ các đơn vị đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn này đã cán mức 1 tỷ USD trong năm vừa qua, tăng trưởng hơn 30% so với năm 2012 và đạt lợi nhuận 150 triệu USD. Hiện Viettel đã đầu tư vào các mạng viễn thông tại Lào, Campuchia, Đông Timor, Haiti, Mozambique và Cameroon.

Mới đây, Viettel đã bổ sung hơn 6.200 tỷ đồng vốn điều lệ cho Viettel Global - công ty phụ trách các hoạt động đầu tư ra nước ngoài – để đơn vị này tiếp tục đầu tư vào các thị trường mới. Quốc gia mới nhất mà Viettel dự định đầu tư là Burundi, một quốc gia Đông Phi nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới.

Đối với một số lĩnh vực mà quy mô thị trường trong nước quá nhỏ hoặc đã bão hòa thì việc tìm nguồn thu mới ở nước ngoài là khả dĩ nhất. Chủ tịch FPT Trương Gia Bình từng nhận định “Thị trường công nghệ thông tin Việt Nam quá nhỏ bé. Một trong những định hướng chính của tập đoàn trong thời gian tới là đạt 1 tỷ USD doanh thu tại thị trường ngoại”.

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt hiện chủ yếu thực hiện qua việc đầu tư trực tiếp. Số thương vụ mua lại khá ít, với 2 thương vụ tiêu biểu là Vinamilk mua lại 70% cổ phần của Driftwood – một công ty sữa của Mỹ và Ô tô Trường Hải mua lại công ty ô tô chuyên dụng Soosung của Hàn Quốc.

Mục tiêu của Vinamilk đến năm 2017 là đạt 3 tỷ USD doanh số, gấp đôi so với hiện tại. Mua lại Driftwood, doanh thu của Vinamilk sẽ tăng thêm cả trăm triệu USD khi hợp nhất kết quả kinh doanh, tuy nhiên, công ty này lại chưa có lợi nhuận. Ngoài ra, Vinamilk cũng mới nhận được giấy phép thành lập một công ty sản xuất sữa tại thị trường Campuchia.

Kiến Khang

duchai

Cùng chuyên mục
XEM