Doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời: Trầy trật vì thủ tục

12/12/2014 11:11 AM | Kinh doanh

Nhiều DN làm dịch vụ quảng cáo ngoài trời phản ánh tình trạng khó khăn do phải mất quá nhiều thời gian cho các thủ tục hành chính cũng như những quy định chồng chéo trong quá trình hoạt động.

Với quy mô khoảng 1,5 tỷ USD, thị trường quảng cáo Việt Nam (VN) được xem là mảnh đất màu mỡ không chỉ với DN trong nước mà cả các DN nước ngoài, vậy nên Luật Quảng cáo chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 nhằm thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính trong quản lý nhà nước về họat động quảng cáo; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trong khuôn khổ của pháp luật được nhiều DN kỳ vọng về một  tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, thực tế không như kỳ vọng, nhất là đối với quảng cáo ngoài trời.

Nhiều bất cập

Giám đốc một DN quảng cáo (đề nghị không nêu tên) cho biết: Theo Luật Quảng cáo, DN quảng cáo tấm lớn ngoài trời không phải tốn phí, mất thời gian đi làm giấy phép đăng ký mà chỉ cần làm đơn xin tiếp nhận quảng cáo.

Tuy nhiên, thực tế tình hình còn tệ hơn trước. Cụ thể, muốn làm một biển quảng cáo ngoài trời, DN phải qua rất nhiều thủ tục từ chụp hình mặt bằng, vẽ sơ đồ phối cảnh rồi thuê thiết kế để gửi lên Sở Xây dựng. Khi đó, Sở Xây dựng sẽ duyệt kết cấu của dự án và trình lên UBND TP. UBND TP đồng ý thì chuyển hồ sơ về Sở Xây dựng. Sở Xây dựng sẽ chuyển qua Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch. Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch sẽ duyệt nội dung và cấp phép. “Quy trình nghe thì đơn giản nhưng để làm được điều này, DN rất vất vả. Thủ tục càng phức tạp thì càng kéo theo nhiều loại phí không tên” - vị này bức xúc.

Bổ sung cho câu chuyện này, ông Nguyễn Thanh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Đà Nẵng cho biết, bên cạnh những khó khăn về thủ tục hành chính thì quy chuẩn của Bộ Xây dựng về vấn đề quảng cáo cũng đang gây ra nhiều khó khăn cho DN. Cụ thể, theo QCVN 17: 2013/BXD quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời thì trong khuôn viên đô thị, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe, bãi đỗ xe, các công trình quảng cáo có diện tích tối đa là 40 m2 là quá cứng nhắc. “Tôi lấy ví dụ, trên một bức tường có diện tích 100 m2, thì khi đặt một biển quảng cáo 40 m2 theo quy chuẩn này vừa gây lãng phí, vừa mất mỹ quan nên tôi kiến nghị nên thay đổi quy chuẩn này theo hướng tùy theo vị trí mà cho phép DN đặt biển quảng cáo có kích thước phù hợp”.

Nên thông thoáng hơn

Theo ông Hùng - Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Đà Nẵng,  các cơ quan quản lý nên mạnh dạn dỡ bỏ chuyện cấp phép đối với quảng cáo bằng pano ngoài trời và để DN tự chịu trách nhiệm trước quy định của pháp luật. Và không nên giới hạn diện tích quảng cáo mà nên để DN linh hoạt theo điều kiện cho phép.

Ngoài ra, theo ông Hùng, để dựng một bảng quảng cáo tốn ít nhất là 500 triệu đồng trong khi hiện nay Giấy phép quảng cáo chỉ được Sở văn hóa – Thể thao và Du lịch cấp phép cho hoạt động trong một năm. Điều này khiến nhiều DN rơi vào khó khăn do đã ký hợp đồng dịch vụ quảng cáo với khách hàng nhưng không gia hạn được giấy phép quảng cáo. “Do đó, để DN yên tâm làm ăn, tôi nghĩ nên nâng thời hạn cấp phép lên từ 3 – 5 năm” - ông Hùng đề xuất.

>> Google Contributor: Hồi kết cho quảng cáo trên web?

Theo Nguyễn Phước

Cùng chuyên mục
XEM