“DN Việt nên “lách” vào ngách, tránh đối đầu trực tiếp với DN ngoại”

17/12/2012 11:14 AM | Kinh doanh

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, hiện tại là thời điểm các DN Việt Nam nên chọn lối đi an toàn chứ không nên liều lĩnh mở rộng kinh doanh. Trước sự tấn công của các DN ngoại, DN Việt Nam dù lớn đến đâu nếu so với các DN nước ngoài chỉ là người tí hon đấu với người khổng lồ. Vì vậy nên chọn cho mình một hướng đi thích hợp, tránh thế đối đầu trực tiếp.

Ông đánh giá thế nào về tình hình hiện tại của các DN Việt Nam?

Tôi nghĩ hiện nay DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn này đến từ yếu tố khách quan cũng như bên trong nội tại mỗi DN, có thể kể đến một số vấn đề như hệ thống tín dụng không đáp ứng được nhu cầu phát triển của DN, quan hệ hợp tác của DN cũng gặp khó khăn do vấn đề nợ xấu, người tiêu dùng cũng đang có xu hướng giảm chi tiêu rất mạnh mẽ, khiến nhiều ngành nghề không phát triển được.

Theo ông, năm 2013 tình hình các DN liệu có khả quan hơn?

Tình hình sẽ khó khả quan hơn. Tỉ lệ DN phá sản và hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục tăng lên vào năm sau. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ có sự đổi ngôi, cạnh tranh nhiều hơn giữa các tập đoàn Việt Nam và nước ngoài khi các đối thủ bên ngoài sẽ lần lượt kéo vào nước ta. Hơn lúc nào hết, DN Việt Nam phải tìm ra những thứ chúng ta không bằng họ để thay đổi, tái cấu trúc, tìm ra được lối đi.

Ngoài ra chúng ta cần củng cố niềm tin. Điều này đòi hỏi sự khẳng định rất nhiều từ cơ quan quản lý Nhà nước, để DN có thể tin rằng Nhà nước sẽ giúp họ giải quyết các khó khăn.

Theo ông, các DN Việt Nam nên làm gì để đối phó với khủng hoảng?

Theo tôi, các DN Việt Nam nên chọn lối đi an toàn thay vì liều lĩnh mở rộng quy mô, ít nhất là trong năm 2013.

Ngoài ra, có 2 vấn đề chúng ta nên nhận thấy rõ. Thứ nhất, các nước giàu họ phát triển giáo dục. Theo tôi, đầu tư đào tạo cho chính chúng ta là đầu tư rẻ và bền vững nhất, tập trung đầu tư vào giáo dục sẽ giúp chúng ta có đủ kiến thức đối phó với khủng hoảng.

Thứ hai, chúng ta nên có sự linh hoạt. Gần đây nhiều chúng ta nhắc đến việc DN ngoại thâu tóm nội. Theo tôi, chúng ta nên coi  doanh nghiệp sinh ra như một sản phẩm, có thể bán nó đi, mua cái khác. 

Nhiều người coi việc thành lập DN như một kỷ niệm, thậm chí đặt tên con, tên cháu cho DN mình mở ra. Chúng ta không nên quá đặt nặng giá trị tinh thần mà nên coi DN như một sản phẩm nhiều hơn. Nếu DN mạnh, chúng ta có thể bán nó đi để kiếm lời.

Người ta thường nói thách thức đi kèm với cơ hội, vậy theo ông DN VN có cơ hội gì?

Thời thế bây giờ đã thay đổi, thời điểm tôi bắt đầu công việc kinh doanh, vốn chỉ 3.000-4.000 USD đã là lớn lắm. Nhưng hiện tại muốn làm to với vài trăm nghìn USD thì rất khó. Chẳng hạn muốn mở chuỗi cửa hàng tiện lợi, DN phải chịu lỗ trong 5 năm đầu. Không nhiều DN Việt Nam có thể chịu được khoản lỗ này.

Chúng ta không có nhiều vốn thì chỉ có thể làm giàu bằng kiến thức. Tài sản không chỉ là tiền. Mà còn kiến thức,đạo đức, sức khỏe. Hiện tại, tôi thấy nhiều người giỏi dù không có vốn họ vẫn giàu bằng cách đi làm thuê cho DN.

Chẳng hạn DN có giá trị 100 tỉ, họ tìm đến và cam kết trong 5 năm sẽ nâng giá trị DN lên 500 tỉ, với điều kiện họ phải được 40%. Và họ nói được thì làm được. Chính vì thế dù họ không nắm giữ nhiều cổ phần trong công ty nhưng vẫn giàu.

Các DN Việt Nam phải làm gì để đối đầu được với các DN nước ngoài xâm nhập vào thị trường?

Tốt nhất là nên tránh đối đầu trực tiếp với họ.  

Các DN Việt Nam nhỏ, vốn ít nên chọn phát triển theo thị trường ngách, tập trung vào những mảng mà các DN ngoại không quan tâm nhiều, còn đối đầu trực tiếp với họ thì mình không cạnh tranh được.

Bản thân tập đoàn Phú Thái có doanh thu mỗi năm khoảng 10.000 tỉ đồng, có thể coi là DN hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ trong nước nhưng cũng chọn phương pháp tránh đối đầu với Metro, Big C. Hiện tại, tập đoàn Phú Thái đang tập trung phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24h, cửa hàng quần áo, những mảng mà các tập đoàn bán lẻ ngoại không chú trọng phát triển.

Ngoài ra, chúng ta nên học tập theo các mô hình đi trước. Những mô hình kinh doanh đã thành công ở một số nước lân cận chúng ta như Indonesia, Thái Lan. Với thị trường sơ khai như ở Việt Nam, chúng ta không cần phải nghĩ ra mới hoàn toàn mà chỉ cần học tập, cải tiến sao cho phù hợp với Việt Nam là đã đủ để thành công rồi.

 Trang Lam

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM