Dịch vụ chuyển phát: Thế rượt đuổi của doanh nghiệp nội
Nếu như các hãng quốc tế thông qua các liên doanh thâm nhập thị trường đã thiết lập được hạ tầng căn bản, thì các doanh nghiệp trong nước mới thật sự đầu tư mạnh chừng năm năm trở lại đây với đa số doanh nghiệp có bề dày chỉ chừng trên dưới mười năm.
Ông Lương Ngọc Hải, tổng giám đốc tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (VTP), thừa nhận, sau 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát, đến năm 2012 mới có thể gọi là tương đối thành công, doanh thu VTP đạt 883 tỉ đồng, vượt kế hoạch 110%, nhờ áp dụng công nghệ và các giải pháp tiết kiệm chi phí. Mục tiêu cho năm 2013 là vượt được doanh thu 1.000 tỉ đồng với dịch vụ chính chuyển phát chiếm 65 – 70%.
Nước rút cho hạ tầng
Các hãng nước ngoài với tiềm lực tài chính, công nghệ và mạng lưới toàn cầu đang nắm những phân khúc có giá trị cao khi kết nối vào Việt Nam. DHL, UPS, FedEx, TNT… đầu tư hạ tầng hiện đại tại địa phương để kết nối đến mạng lưới hơn 200 thị trường toàn cầu. Các dịch vụ thậm chí được thiết kế theo giải pháp chuyên biệt và nhu cầu cụ thể, có thể giao những lô hàng khẩn cấp, theo nhóm hàng hoá đặc biệt, hàng giá trị cao hay hàng nặng theo bất cứ yêu cầu nào. Trong khi đó, đa số công ty chuyển phát Việt Nam ra đời khoảng mười năm nay, chưa đủ lớn về quy mô kinh doanh lẫn mạng lưới, và hoạt động chủ yếu ở các thành phố lớn.
Để tìm thị phần riêng, các doanh nghiệp trong nước cần phương thức cạnh tranh linh hoạt và đi vào những phân khúc lợi thế và phù hợp. Ông Hải cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp chuyển phát chủ yếu khai thác ở các khu vực trung tâm, để đạt được mục tiêu, VTP sẽ tập trung phát triển hạ tầng, tận dụng mạng lưới 15.000 cộng tác viên của viễn thông Viettel để phủ đến tuyến xã. Chú trọng vào các dịch vụ gia tăng kho vận, logistics và thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ, trang bị thiết bị hiện đại cho bưu tá để chủ động kiểm soát chất lượng dịch vụ.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) vốn sở hữu mạng lưới vận chuyển, điểm phục vụ trải rộng đến tuyến xã nhưng sau năm năm tách ra khỏi tập đoàn VNPT mới đạt được những bước cấu trúc căn bản. Doanh thu tăng hàng năm, đạt 3.340 tỉ đồng năm 2012 nhưng VNPost dự kiến cuối năm 2013 mới cân bằng được thu – chi. Từ cung ứng dịch vụ truyền thống như bưu phẩm, bưu kiện, phát hành báo…, VNPost đã mở rộng sang các dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, chi trả bảo hiểm xã hội và phân phối sản phẩm bảo hiểm… Mục tiêu đến năm 2015 đạt tổng doanh số từ 12.000 tỉ đồng và tăng gấp 4 – 5 lần vào năm 2020.
Hiện các doanh nghiệp khác đang sử dụng dịch vụ VNPost hoặc hợp tác trong chuỗi dịch vụ về vận chuyển, lưu kho, phân phối và hoạt động tài chính. Một chuyên viên của VNPost cho biết, VNPost nhắm khai thác ưu thế mạng lưới vận chuyển, điểm phục vụ và đội ngũ bưu tá đến cấp xã bên cạnh việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào quy trình cung ứng và quản lý. “Xu hướng thương mại điện tử phát triển mạnh tại Việt Nam những năm gần đây cũng mở ra nhiều cơ hội tham gia vào một trong những chuỗi phân phối”, chuyên viên này cho biết.
Dựa vào “người khổng lồ”
Các công ty logistics ở Việt Nam hiện có ba nhóm chính. Các công ty nước ngoài/liên doanh vào Việt Nam theo chân khách hàng là các công ty đa quốc gia và họ tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thuê lại các công đoạn xuất nhập khẩu, vận chuyển qua các công ty trong nước. Các doanh nghiệp/tập đoàn kinh tế vốn 100% nhà nước thường là các doanh nghiệp vận tải hoặc thuộc lĩnh vực ngoại thương, trước đây chiếm lĩnh gần như toàn bộ các dịch vụ giao nhận, vận tải trong nước, có phân khúc khách hàng đa dạng và thế mạnh theo mảng riêng lẻ. Trong khi nhóm công ty tư nhân thường tham gia cung ứng từng dịch vụ cụ thể nào đó trong chuỗi.
Với một thị trường dịch vụ hậu cần mở cửa non trẻ như Việt Nam, chắc chắn các công ty trong nước nếu muốn vươn ra thị trường toàn cầu, cần thời gian “tựa vào người khổng lồ”. Theo ông Hải, để tiếp cận với công nghệ mới cũng như kinh nghiệm của các hãng quốc tế, VTP tìm kiếm các đối tác chiến lược tin cậy để có bước đi nhanh nhất để tham gia thị trường với mục tiêu là doanh nghiệp hàng đầu về chuyển phát tại Việt Nam.
VTP đang mở rộng mạng lưới đến những nơi tập đoàn Viettel đang phát triển dịch vụ viễn thông. Hiện đã đầu tư vào thị trường Campuchia, các thủ tục nhập xuất qua cửa khẩu và phát trực tiếp cho người nhận tại đây mà không cần qua hãng thứ ba. “Những thị trường khác VTP sẽ định hướng trên cơ sở kết hợp với các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát địa phương cũng như các hãng chuyển phát quốc tế để phục vụ khách hàng”, ông Hải cho biết.
Chuyên viên VNPost cũng cho rằng chọn phân khúc thị trường và phương thức cạnh tranh là quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cần xác định lợi thế về hệ thống phân phối, điều kiện hạ tầng, sự am hiểu phong tục tập quán để có sản phẩm và phương thức cạnh tranh phù hợp. “Việc hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài theo hình thức thuê ngoài trọn gói (outsourcing) sẽ giúp tiếp cận và tham gia vào lĩnh vực này hiệu quả hơn”, chuyên viên này nói.
Theo Tuyết Ân
Theo Sài Gòn Tiếp thị
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!