Dệt may Việt Nam có tận dụng được TPP để trở thành nhà máy của Thế giới?

24/11/2014 14:01 PM | Kinh doanh

Với sự hỗ trợ của Hiệp định TPP, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn trên thế giới đang coi các quốc gia Đông Nam Á như một địa điểm lý tưởng.

Smart Shirts, doanh nghiệp sản xuất của Hồng Kông vừa cho đi vào hoạt động một nhà máy quy mô 3.000 công nhân tại Nam Định cho biết: “Lựa chọn đặt nhà máy tại Việt Nam là một quyết định chính xác”. Smart Shirts là một trong những nhà sản xuất cung cấp áo cho nhiều nhãn hiệu nổi tiếng tại Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Với lượng cầu từ Mỹ tăng mạnh vài tháng qua, sản lượng của nhà máy đã tăng 30%, đạt 24.000 chiếc mỗi ngày.

Có thể coi Nam Định là "thủ đô dệt may" của cả nước khi có rất nhiều các dự án may mặc được triển khai ở đây. Kế bên Smart Shirts, Itochu, một doanh nghiệp có tiếng Nhật Bản cũng xây dựng một nhà máy dệt và sợi vào tháng 7 vừa qua. Ngoài Itochu, công ty Kyungbang của Hàn Quốc và Tập đoàn dệt Texhong (Trung Quốc) cũng đang chuẩn bị xây dựng một nhà máy lớn tại Việt Nam.

Động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp dệt may tìm đến Việt Nam chính là Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một khi Hiệp định có hiệu lực, mức thuế suất 20% mà quần áo bị đánh khi đi vào thị trường Mỹ sẽ được gỡ bỏ. Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu may mặc lớn nhất thế giới, do đó đây là cơ hội không thể bỏ qua với các doanh nghiệp dệt.

Yếu tố quan trọng để được hưởng mức ưu đãi đặc biệt này đó là các nhà sản xuất phải sử dụng vải và sợi ở Việt Nam.

Theo nhận định một quản lý kinh doanh tại Itochu, giá thuê nhân công của Việt Nam cao hơn so với các nước láng giềng, nhưng có lợi thế về cạnh tranh xuất khẩu cao hơn”

Với việc Việt Nam sẽ sớm ký hiệp định thương mại tự do với liên minh châu Âu, nhu cầu thị trường này cũng đang tăng. So với Bangladesh, thị trường xuất khẩu dệt may lớn thứ hai châu Á chủ yếu sản xuất áo sơ mi và những loại quần áo bình dân, thì Việt Nam đang tập trung vào những loại quần áo cao cấp hơn. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam dự báo đạt 20 tỉ USD trong năm nay, bằng gần 80% so với Bangladesh.

Một điểm nóng khác đó là thị trường Myanmar. Theo một quan chức trong chính phủ Myanmar, có khoảng 30 – 40 doanh nghiệp đang chờ sự đồng ý của chính phủ. Các nhà đầu tư lớn như Hàn Quốc hay Hồng Kông cũng đang rất quan tâm tới thị trường này.

Xuất khẩu dệt may của Myanmar đã tăng 30%, đạt gần 900 triệu USD trong năm 2013, mức cao nhất trong vòng 12 năm qua. Sang năm 2014, Myanamar hứa hẹn sẽ tiếp tục vượt qua kỷ lục này. Dù cơ sở hạ tầng chưa được tốt, nhưng Myanmar có lợi thế chi phí lao động rất thấp, chỉ bằng 1/6 Trung Quốc và bằng một nửa so với Việt Nam.

Khoảng 40% các lô hàng dệt may được xuất sang Nhật Bản. Thị trường tại Mỹ hay Anh cũng tỏ ra rất tiềm năng. Một số hãng thời trang lớn của phương Tây như GAP của Mỹ hay Mark & Spencer của Anh đã sử dụng các sản phẩm gia công từ Myanmar.

Mặc dù vậy, không phải quốc gia nào ở Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ TPP.

Campuchia, vài năm trước cũng đã có đợt “sóng” xây dựng các nhà máy dệt may. Tuy nhiên, với việc công nhân đòi tăng lương, chính phủ đã tăng lương tối thiếu từ 61 USD lên 80 USD/tháng vào sẽ gấp đôi vào năm 2018. Theo chủ tịch  Hiệp hội dệt may Campuchia, việc phải trả công quá cao khiến các doanh nghiệp ở Campuchia không còn mặn mà với quốc gia này và đang có ý định rời khỏi đây. Các doanh nghiệp đánh giá, hiệu quả sản xuất chưa tương xứng với chi phí lương họ phải bỏ ra, vì thế Campuchia chưa thể gọi là quốc gia có mức chi phí thấp.

Mặc dù vậy, cũng không thể báo trước điều gì. Tiền lương, các Hiệp định thương mại, cơ sở hạ tầng và nhiều yếu tố cạnh tranh khác đang có tốc độ thay đổi rất nhanh. Theo các chuyên gia, sẽ rất khó để biết được quốc gia nào có lợi thế cạnh tranh hơn trong vòng 5 năm nữa.

>> Nam Định ngừng tiếp nhận các dự án dệt may vào khu công nghiệp

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM