Đế chế thời trang LVMH "bành trướng" thị trường mới nổi

13/06/2012 09:11 AM |

“Đế chế thời trang LVMH” giúp ngành công nghiệp xa xỉ của Pháp hồi sinh và trở lại “ngôi vua” sau nhiều thập kỷ phai nhạt.

Âm mưu Hermès

LVMH hiện nay là nhóm nhãn hàng xa xỉ lớn nhất thế giới. Trong 25 năm qua, LVMH đã chuyển đổi từ một nhà sản xuất quần áo nhỏ thành một tập đoàn kiểm soát hơn 60 thương hiệu sang trọng, từ mỹ phẩm Dior, Givenchy và Guerlain, đồ da Louis Vuitton, đồng hồ Tag Heuer đến champagne Moet Chandon...

Ngân hàng Credit Suisse dự đoán, doanh số bán của LVMH sẽ đạt 33 tỷ USD trong năm nay. Lợi nhuận trong năm 2011 là 3,5 tỷ USD và vốn hóa thị trường là 62 tỷ USD. 

LVMH đang bành trướng thị trường toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi. Sau nhiều năm, thương hiệu này đã chinh phục được tầng lớp trung lưu mới của châu Á.

Doanh số bán hàng ở châu Á (ngoại trừ Nhật Bản) chiếm 27% của tổng doanh thu năm 2011, tăng từ 17% năm 2010. Thị trường Nhật Bản tạo ra 15% doanh số bán hàng của LVMH trong một thập kỷ qua. Một con số đủ thấy quyền lực của LVMH tại thị trường này: 85% phụ nữ Nhật sở hữu ít nhất một sản phẩm Louis Vuitton. 

Mua lại các nhãn hiệu khác là cách thức mà LVMH sử dụng để thực hiện tham vọng phủ kín ngành công nghiệp xa xỉ trên thế giới. Năm ngoái, LVMH mua thương hiệu kim hoàn Ý Bulgari với giá 4,3 tỷ euro.

LVMH cũng đang lặng lẽ bỏ ra hơn 2 tỷ USD tích lũy cổ phiếu trong công ty thời trang có lịch sử 173 năm Hermès và đến nay cổ phần của LVMH trong Hermès là 22,3% so với tỷ lệ sở hữu của hơn 200 thành viên gia tộc Hermès.

Hermès nổi tiếng với 3 mặt hàng chính là túi xách da, khăn quàng cổ và nước hoa, được giới thượng lưu châu Âu rất ưa chuộng. Có những chiếc túi của Hermès lên tới 2 triệu USD. Vì thế, LVMH không khỏi thèm khát sự hợp nhất với nhãn hiệu quý tộc này.

Doanh thu năm 2010 của Hermès ước đạt trên 2 tỷ euro, trong khi của LVMH khoảng 20 tỷ euro. Hermès hiện có 304 cửa hàng trên khắp thế giới, trong khi LVMH sở hữu tới 2.468 cửa hàng.

Một nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn Boston nhận thấy, một thương hiệu bán lẻ tiết kiệm khoảng 30% chi phí thương mại (quảng cáo, thuê, trợ lý cửa hàng...) mỗi lần nó tăng gấp đôi kích thước. Nhưng điều này không phải là lý do tại sao LVMH liên tục mua các thương hiệu khác. 

Thay vào đó, ông chủ của LVMH là tỷ phú Bernard Arnault được thúc đẩy bởi niềm tin rằng LVMH có thể biến bất kỳ thương hiệu sang trọng nào trở nên đắt giá hơn.

Ví dụ, khi mua Christian Dior vào năm 1984, ông Arnault đã dành hơn một thập kỷ mua lại 350 giấy phép và làm hồi sinh thương hiệu này với tên tuổi của nhà thiết kế John Galliano.

Một trong những thế mạnh của Arnault là tạo ra các thương hiệu lớn nhất thế giới bằng cách thuê những tài năng thiết kế như Galliano cho nhãn hiệu Dior, Alexander McQueen cho Givenchy hay Marc Jacobs ở Louis Vuitton và gần đây là Phoebe Philo để làm hồi sinh thương hiệu Celine.

Kế thừa đế chế

Suy thoái kinh tế năm 2001 là động lực khiến LVMH mở rộng kinh doanh cho các nhãn hiệu của mình, đặc biệt là nhãn hiệu Louis Vuitton. Ở các thị trường mới, Vuitton đã nhanh chóng tạo dấu ấn bằng cách bán các túi xách mang logo LV.

Trong quý đầu năm nay, doanh số bán hàng của thời trang LVMH và nhóm đồ da (Louis Vuitton có thêm các nhãn hiệu nhỏ hơn như Fendi) đã tăng 18% ở Mỹ, 12% ở châu Âu và 10% ở châu Á. Sản phẩm Louis Vuitton chiếm 37% doanh số bán hàng và hầu hết lợi nhuận của nhóm.

Mặc dù cổ phiếu LVMH giảm tại châu Á, nhưng các cổ đông không quá lo lắng về tương lai của hãng. Công ty Tư vấn McKinsey ước tính, riêng Trung Quốc sẽ chiếm một phần năm thị trường xa xỉ toàn cầu vào năm 2015.

Người mua hàng Trung Quốc vẫn trung thành với túi xách Vuitton. Và thậm chí nếu thị trường Trung Quốc chậm lại, luôn luôn có hai thị trường đầy tiềm năng là Ấn Độ và Indonesia thay thế.

Ông chủ của LVMH là Bernard Arnault đã trở thành tỷ phú hàng đầu với khối tài sản kếch xù lên tới 25,5 tỷ USD, xếp thứ 13 trong danh sách 400 tỷ phú giàu nhất thế giới và là một trong những công dân Pháp hiếm hoi có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên toàn cầu.

Thế nhưng, vị chủ tịch này đã 63 tuổi và đang tính đường nghỉ ngơi. Vì thế, công ty đang có dấu hiệu của sự già nua - điều tối kỵ trong ngành thời trang.

Tuy nhiên, cô con gái Delphine điều hành hãng Christian Dior, người con trai Antoine thì làm việc cho hãng giày Berluti. Hai người này của Bernard Arnault có thể sớm điều hành LVMH và vì thế LVMH vẫn sẽ duy trì ngai “đế chế” của làng thời trang thế giới trong thời gian dài nữa

Theo Hà Cúc

Doanh nhân Sài Gòn

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM