Dầu ăn - Thị trường kém mỡ màng

08/09/2014 16:29 PM | Kinh doanh

Dù được hưởng lợi từ bối cảnh nhu cầu tiêu dùng ngày một tăng cao, nhưng ở góc độ kinh doanh, dầu ăn chẳng phải là ngành “đẻ trứng vàng”.

Khảo sát về thói quen sử dụng dầu ăn trong nấu nướng, thực hiện cuối tháng 7/2014 của Công ty Nghiên cứu thị trường Epinion trên tổng số mẫu 1.311 người (tại TP. HCM là 535 người, Hà Nội 240 người, các tỉnh thành khác 536 người) có kết quả rất thú vị. Có tới 95% trong tổng số những người trả lời có nấu ăn trong 3 tháng qua cho biết, họ có dùng dầu ăn trong quá trình nấu nướng hoặc chế biến thức ăn. Điều này khẳng định dầu ăn là một nguyên liệu không thể thiếu trong bếp ăn gia đình.

Ngoài thèm, trong chán

Cách đây ít lâu, đã có không ít lời đồn về Masan, tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng nhăm nhe mua một công ty dầu ăn. Và mới đây, thông tin Công ty Kinh Đô mua 24% cổ phần Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) được xác thực. Điều này chứng tỏ ngành hàng này vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư.

Dầu ăn là loại thực phẩm mà người tiêu dùng rất khó để phân biệt được sự khác nhau trong mùi vị, độ béo. Hơn nữa, công nghệ sản xuất dầu ăn thực chất là công nghệ pha trộn. Hiện nay cả nước có trên 30 doanh nghiệp tham gia sản xuất hàng chục loại dầu ăn thực vật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nội chỉ sản xuất được các loại dầu nành, dầu phộng, mè… (chiếm 30% nhu cầu thị trường). Còn lại dầu cọ, chiếm 60% nhu cầu thị trường, thì phải nhập khẩu. 

Đây là điều kiện tốt để Kinh Đô vào cuộc, nhưng nếu trực tiếp sản xuất thì không phải ý hay. Dầu ăn là ngành hàng thuộc lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng, vốn đang có tốc độ tăng trưởng cao ở Việt Nam. Ước tính của Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor, qui mô thị trường của ngành dầu thực vật đến năm 2013 đạt hơn 20.700 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 7,4% về sản lượng và 12% về giá trị. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm này của người Việt Nam được dự báo còn tăng cao hơn. Mức tăng trưởng chi tiêu trong giai đoạn 2011-2020 của người dân có thể đạt 8%, cao nhất khu vực châu Á. Rõ ràng, tiềm năng thị trường còn khá cao là yếu tố thu hút nhiều doanh nghiệp nhảy vào lĩnh vực kinh doanh này.

Bởi các doanh nghiệp sản xuất trong ngành đang khá chật vật với bài toán lợi nhuận. Hãy nhìn về Tường An, công ty dầu ăn duy nhất niêm yết trên sàn chứng khoán. Năm 2013, Tường An cho biết vượt 32% kế hoạch lợi nhuận ròng. Nhưng thực chất, so với năm 2012 thì chỉ tiêu này chỉ tăng 3,2%. Vấn đề là ngành dầu ăn đang vướng phải những khó khăn không dễ tháo gỡ. Đó là phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu đến 90% nên doanh nghiệp khó kiểm soát chi phí, dẫn đến tỉ suất lợi nhuận gộp thấp. Chỉ tiêu này ở Tường An năm 2013 đạt chưa đến 10%, ở Nakydaco là dưới 6%, so với con số bình quân 23,4% của ngành sản xuất thực phẩm nói chung.

Không chỉ vậy, báo cáo thường niên năm 2013 của Tường An còn ghi nhận các khó khăn từ thị trường. Theo Tường An, giá các sản phẩm dầu ăn trên thị trường luôn có xu hướng giảm mạnh, khoảng 15% năm 2013. Cạnh tranh từ nguồn hàng nhập khẩu giá rẻ cũng khiến họ phải lo lắng. Bởi vậy, công ty mới đặt mục tiêu doanh thu năm 2014 giảm gần 5% và lợi nhuận ròng giảm 24% so với năm 2013. Khó khăn như vậy nhưng vì sao các doanh nghiệp bên ngoài vẫn thèm muốn?

Theo ông Nguyễn Thành Chung, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Á- Âu, sức hấp dẫn đầu tư chỉ nằm ở các doanh nghiệp lớn, bởi họ nắm phần lớn thị phần dầu ăn nội. Chính vì vậy mà Kinh Đô chỉ mua cổ phần của Vocarimex, đơn vị nắm cổ phần đáng kể ở hầu hết các công ty dầu ăn lớn.

Nội thất thế

Dù dầu ăn có vẻ hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư, nhưng đối với các doanh nghiệp sản xuất, ngành này đang đối mặt với nhiều thách thức không dễ chịu. Cái khó lớn nhất là phần lớn thị trường đang rơi vào tay doanh nghiệp ngoại. Hồi cuối năm 2012, Vocarimex và các công ty liên quan đã nộp đơn xin áp thuế tự vệ với dầu thực vật nhập khẩu lên Bộ Công Thương. Hành động này cho thấy, sự lấn át của hàng nhập khẩu đã đến mức nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, lượng tiêu thụ dầu thực vật tinh luyện của thị trường trong nước tăng liên tục trong vòng 4 năm (2009-2012), với mức tăng trung bình khoảng 75% mỗi năm. Điều này khiến sản lượng bán ra của doanh nghiệp nội giảm đáng kể. Nếu như ở năm 2011, hàng nhập khẩu và nội địa cân bằng ở tỉ lệ 50-50 thì đến năm 2012, tình hình đảo ngược hoàn toàn. Theo Bộ Công Thương, hàng nhập khẩu đã tăng thị phần lên 73%, còn doanh nghiệp nội teo tóp còn 27%. Hồi đầu năm 2014, Vocarimex chua chát cho biết, hàng ngoại đã chiếm được 86% thị phần. Vocarimex chỉ còn giữ 4% và các doanh nghiệp lớn khác chiếm 10%.

Các doanh nghiệp ở qui mô vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi doanh thu năm 2013 đều giảm mạnh. Doanh thu của dầu ăn Happy Koki (Công ty Thực phẩm Long An) giảm 20%, dầu ăn Ông Địa (Công ty Trường Phát) giảm 70% so với năm 2012. Thậm chí, Công ty Vina Acecook cũng ngưng sản xuất dầu ăn Đệ Nhất vào cuối năm 2013.

Việc áp thuế suất thuế nhập khẩu dầu ăn về 0% từ đầu năm 2012 theo cam kết WTO là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp nội lao đao. Những nước có lợi nhiều nhất là Malaysia, Indonesia, Singapore. Do lợi thế có vùng nguyên liệu (cây cọ) rộng lớn, giá bán của dầu ngoại ngang bằng sản phẩm trong nước, nhưng giá gốc nhập vào rất thấp so với hàng của doanh nghiệp nội.

Để chống đỡ, Bộ Công Thương đã áp thuế tự vệ 5% trong thời gian tháng 5/2013 – 5/2014. Hàng rào tự vệ tạm thời sẽ yếu dần và giảm còn 2% vào tháng 5/2017. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dầu ăn nội cũng hiểu đây chỉ là biện pháp tình thế. Bởi vậy, họ đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giành lại thị trường.

Khó lật ngược thế cờ

Trước tình cảnh thua ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp nội đang ra sức củng cố nội lực.

Chẳng hạn, Tường An cho biết, năm 2014 này sẽ tiếp tục triển khai tiếp các hạng mục đầu tư tại nhà máy dầu Vinh. Đồng thời, cố gắng khai thác hiệu quả công suất ở các nhà máy hiện có, đặc biệt là nhà máy dầu Phú Mỹ để tăng thị phần nội địa. Còn Vocarimex thì chi khá nhiều tiền cho đầu tư mới. Vocarimex dự chi đến 600 tỷ đồng để bổ sung thêm thiết bị, máy móc cho các nhà máy hiện có như nhà máy dầu thực vật Vocarimex, dầu Hiệp Phước… nhằm khai thác tối đa công suất. Bên cạnh đó, Vocarimex cũng xây dựng nhà máy tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất 495.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng. Mục tiêu đến cuối năm 2014, Vocarimex sẽ đạt công suất 1,1 triệu tấn/năm.

Dù đẩy mạnh đầu tư cho nhà máy và khai thác thị trường, nhưng hiệu quả mang lại chưa chắc đã khả quan. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nội vẫn bị động đến 90% nguyên liệu sản xuất, phải nhập khẩu. Khi giá nhập khẩu nguyên liệu biến động theo hướng tăng, doanh nghiệp nội càng không dễ hạ giá bán để tăng thị phần.

Bởi vậy, việc giành lại thị phần chi phối từ tay doanh nghiệp ngoại không hề dễ dàng, nếu không nói là không thể. Giám đốc điều hành một quỹ đầu tư tại Hà Nội phân tích: doanh nghiệp sản xuất dầu ăn nội tạo ra giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là pha trộn. Trong khi đó, nguyên liệu chính là dầu cọ thì trong nước không phát triển được vùng nguyên liệu. Bởi vậy, doanh nghiệp nội chỉ có thể hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung của ngành. “Có thể đây cũng là lý do mà Nhà nước không còn quyết tâm nắm cổ phần chi phối tại Vocarimex”, vị này nói. Trong kế hoạch cổ phần hóa,

Nhà nước chỉ còn nắm 36% tại tổng công ty này.Mặt khác, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh cuộc chiến giành thị phần, không có gì bảo đảm chuyện “cắn” vào thị phần của nhau sẽ không lặp lại. Trước năm 2008, thị phần của Cái Lân và Tường An tương đương nhau, khoảng hơn 30%. Nhưng đến năm 2009, Cái Lân đã vươn lên dẫn đầu với 44% thị phần, Tường An bị “gặm” mất gần 10% thị phần đành đứng thứ 2. Nhưng tính trong giai đoạn này, thị phần của Vocarimex – đơn vị sở hữu cổ phần cả Cái Lân và Tường An, đã giảm từ 95% xuống còn 90%.

Với các doanh nghiệp nhỏ, khó khăn càng lớn bởi tiềm lực yếu. Bà Nguyễn Thị Minh Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Continental Việt Nam, đơn vị chủ quản thương hiệu dầu ăn Đầu bếp và Gia Việt cho biết: “Chúng tôi đang tìm cách len lỏi để đối phó với khó khăn”, bà trả lời gấp gáp giữa một buổi họp bàn chiến lược ứng phó với thách thức hiện tại. Rõ ràng, trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hiện nay, giành lại thị phần là cuộc chơi của các ông lớn. Các doanh nghiệp nhỏ khó theo kịp bởi họ không thể chạy đua cạnh tranh về giá. “Cạnh tranh được hay không vẫn chưa thể nói trước được”, bà Thanh nói thêm.

Bởi vậy, vị giám đốc này cho rằng, sáp nhập với các ông lớn có thể giúp doanh nghiệp nhỏ tồn tại và hưởng lợi từ sự tăng trưởng chung của thị trường. Về chiến lược này, bà Thanh từ chối tiết lộ thông tin cụ thể.

Với Kinh Đô, ông lớn trong ngành thực phẩm tiêu dùng mới gia nhập thị trường dầu ăn, lại có những tuyên bố vững chắc. Kinh Đô cho biết, sẽ đạt mục tiêu top 3 thị phần sau 3 năm nữa. Tuy nhiên, có vẻ như đơn vị này nhắm đến mục tiêu phân phối nhiều hơn. Bởi lẽ họ chưa có kinh nghiệm sản xuất dầu ăn, cũng như mới nắm 24% cổ phần Vocarimex, nên chưa có tiếng nói ảnh hưởng quan trọng tại đây và trong ngành.

>> Kinh doanh trực tuyến: Bỏ Facebook, chọn Instagram

Theo Giản Phúc – Hoàng Anh

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM