DaiABank, chuyện 'cưỡi lưng hổ' và cái kết với HDBank

14/01/2014 16:56 PM | Kinh doanh

DaiABank không thể lùi trước ngã ba đường, nhóm nhà đầu tư ACB thoái vốn là cú hích và cơ hội đến gần hơn với HDBank...

Nội dung nổi bật:

- Gần chục năm về trước, Việt Nam đón làn sóng chuyển đổi một loạt ngân hàng nông thôn lên đô thị.  Sau chuyển đổi, có những trường hợp nhanh chóng mở rộng hoạt động, hội nhập sâu, rộng với thị trường lớn và mới. Những cho đến những năm 2012 - 2013, thậm chí sẽ vẫn là thực tế những năm tới, nhiều ngân hàng nông thôn sau khi chuyển lên đô thị vẫn chủ yếu co cụm ở những hoạt động truyền thống và địa bàn truyền thống.  

- Năm 2012, DaiABank cũng ở tình huống "cưỡi trên lưng hổ". Họ là một trong số ít ngân hàng nhỏ vẫn làm ăn tốt, có lãi đều và kiểm soát được tình hình. Nhưng triển vọng phía trước nhiều khó khăn, nhất là khi hoạt động đã mở rộng khá nhanh.

- Nhìn lại năm 2013, sự kiện sáp nhập hai ngân hàng HDBank và DaiABank có thể là điểm khởi đầu cho một xu hướng: sáp nhập, hợp nhất tự nguyện trong hệ thống, nhất là với những ngân hàng tầm trung.



Tháng 9/2013, kế hoạch sáp nhập DaiABank vào HDBank khép lại. Bên lề một cuộc gặp, lãnh đạo một ngân hàng lớn gật gù: “Ông HDBank này cũng ghê đấy!”…

Không đợi đến khi có sự kiện trên, cái tên HDBank mới được thị trường chú ý. Năm 2012, nó đã xuất hiện trong nhiều đồn đoán, gắn với kế hoạch tiền hôn nhân của một ngân hàng khác.

Nhưng, lãnh đạo cao cấp của HDBank khẳng định với VnEconomy, ngay từ đầu họ đã ngắm đến DaiABank - một ngân hàng lành mạnh. Cũng chính vì lành mạnh, có cái thế của lành mạnh, không nằm trong diện phải tái cơ cấu bắt buộc, nên việc sáp nhập diễn ra khá dài hơi, có những lúc đấu tranh cẳng thẳng.

Mọi việc đã xong. Dĩ nhiên HDBank xem đó là thành công. DaiABank cũng có được giải pháp cho mình…

Vòng quay “đô thị hóa”

Nhìn lại năm 2013, sự kiện sáp nhập hai ngân hàng trên là dấu ấn nổi bật. Nó có thể là điểm khởi đầu cho một xu hướng: sáp nhập, hợp nhất tự nguyện trong hệ thống, nhất là với những ngân hàng tầm trung.

Gần chục năm về trước, Việt Nam đón làn sóng chuyển đổi một loạt ngân hàng nông thôn lên đô thị. Có chủ trương và chính sách. Có những thành công cho đến nay. Nhưng cũng có nhiều vấn đề nảy sinh, những khó khăn đeo bám.

Đi cùng với loạt chuyển đổi là sự nở rộ của hoạt động đầu tư ngoài ngành, nhất là ở khối các doanh nghiệp nhà nước; rễ chùm của sở hữu chéo giữa các nhà băng cũng bám sâu từ đây. Đầu tư ngoài ngành, sở hữu chéo không phải luôn xấu. Nguồn lực tài chính và kinh nghiệm, các mối quan hệ của nhà đầu tư lớn và mới đã góp phần thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi và hòa nhập nhanh hơn với thị trường.

Một lãnh đạo cao cấp ngạch thanh tra từng chia sẻ góc nhìn với VnEconomy rằng, quá trình “đô thị hóa” 13 ngân hàng thương mại trước đây là chủ trương đúng, chỉ có điều cách thực hiện không hợp lý. Một loạt ông lớn ngoài ngành lao vào ngạch ngân hàng, sử dụng vốn vay thiếu bền vững để đầu tư, để rồi những sản phẩm của họ và chính họ về sau thiếu sức đề kháng khi thị trường đi vào vùng thời tiết xấu.

Những năm 2006 - 2007, thời hoàng kim của thị trường tài chính và hoạt động ngân hàng, thực tế chuyển đổi là lạc quan; một số trường hợp đã chớp cơ hội tăng nhanh vốn điều lệ và mở rộng quy mô hoạt động. Nhưng từ 2008 đến nay, đâu đó trong số 13 ngân hàng chuyển đổi là tiếng thở dài: “Chúng tôi bị đô thị hóa”. Bởi lẽ, những con thuyền nhỏ vừa buộc phải ra biển lớn, gặp ngay sóng gió khủng hoảng và cạnh tranh khắc nghiệt, không phải tất cả đều lành lặn và vững tay chèo.

Nhiều thành viên trong nhóm trên nhận thêm một cú bồi nữa, các ông lớn quốc doanh từng ồ ạt rót vốn nay buộc phải thoái vốn ngoài ngành. Và không ít trường hợp phải đón khó khăn khi sở hữu chéo trong hệ thống co lại. DaiABank đối diện với cả hai khó khăn đó. 

Rời lưng con hổ dữ

Có lẽ hầu hết người làm ngân hàng đã từng nghe câu nói đùa mà thật ở trên: “Chúng tôi bị đô thị hóa”. 

Cho đến những năm 2012 - 2013, thậm chí sẽ vẫn là thực tế những năm tới, nhiều ngân hàng nông thôn sau khi chuyển lên đô thị vẫn chủ yếu co cụm ở những hoạt động truyền thống và địa bàn truyền thống. Họ tự lượng sức mình, tự thấy an toàn hơn với lựa chọn của mình.

Dễ thấy, tại DaiABank, PG Bank, Kienlong Bank…, tương ứng các địa bàn Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang vẫn là trọng yếu, có tỷ trọng chi phối trong kết quả hoạt động toàn hệ thống, thậm chí phải căng sức để đỡ những điểm rơi ở các địa bàn mới. 

Lãnh đạo Kienlong Bank trước đây từng nhiều lần chia sẻ với VnEconomy, họ sống tốt, sống khỏe với 13 tỉnh thành miền Tây, không mạo hiểm để ồ ạt “đô thị hóa” vì có nhiều rủi ro, nhất là ở hướng ra Bắc. Hay với DaiABank, Đồng Nai vẫn là địa bàn góp tới trên 50% lợi nhuận toàn hệ thống, thậm chí là chỗ dựa cho cả khu vực Hà Nội và Tp.HCM… 

Nhưng, sau chuyển đổi, có những trường hợp nhanh chóng mở rộng hoạt động, hội nhập sâu, rộng với thị trường lớn và mới. Như trên, con thuyền nhỏ còn thiếu dạn dày và sức mạnh trong biển lớn, trước sóng lớn, họ ở tình thế “cưỡi lưng hổ”.  Thị trường lớn, có nhiều ông lớn, thị phần đã có chủ. Một sự chen chân yếu ớt là khó thành, buộc phải cạnh tranh quá mức dễ dẫn đến rủi ro. Thực tế từ 2008 đến nay, nhiều chi nhánh, đơn vị của một số ngân hàng chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị, quy mô còn nhỏ tại Hà Nội và Tp.HCM vẫn luôn phải bù lỗ. 

“Đã đầu tư, mở rộng rồi sa lầy. Những năm gần đây, cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong khi nguồn lực của mình gần như không thể tăng cường, vốn không thể nâng lên khi không thể phát hành cổ phiếu ngay cả ở mệnh giá. Để có khách hàng, có thị phần ở những thị trường mới, nhất là với áp lực chỉ tiêu, có khi phải chấp nhận rủi ro. Thật khó để nắm được khách hàng lớn và tốt ở những nơi quá nhiều “thổ công, thổ địa” rồi. Có thể nói, chúng tôi ở tình thế cưỡi lưng hổ, khó xuống được, mà con hổ đó càng dữ hơn những năm gần đây”, lãnh đạo một ngân hàng nhỏ nhìn lại sau khi thực hiện tái cơ cấu.

Khó xuống được. Trò chuyện với VnEconomy, có người trong cuộc cho hay, họ muốn xuống, muốn trở về ngày xưa, chỉ gắn với hoạt động và thị trường truyền thống, hợp với sức mình. Đúng hơn, họ đứng trước ngã ba đường: sáp nhập, hợp nhất với một ngân hàng vững mạnh khác để cùng mạnh hơn, hoặc mạo hiểm “cưỡi hổ” đi tiếp; và tất nhiên là không thể lùi lại, trở về ngày xưa được nữa. 

Năm 2012, DaiABank cũng ở tình huống đó. Họ là một trong số ít ngân hàng nhỏ vẫn làm ăn tốt, có lãi đều và kiểm soát được tình hình. Nhưng triển vọng phía trước nhiều khó khăn, nhất là khi hoạt động đã mở rộng khá nhanh. Thêm nữa, trước một thị trường phát triển nhanh, ngày càng chuyên nghiệp và… phức tạp hơn, đòi hỏi các cổ đông có ảnh hưởng phải thực sự năng động, bắt nhịp tốt hơn. 

Cổ đông lớn của DaiABank là Công ty Tín Nghĩa, UBND tỉnh Đồng Nai cũng nắm quyền sở hữu lớn (tổng sở hữu cả hai lên tới 35%). Hai đầu mối này rõ ràng không phải “dân” tài chính, ngân hàng. Khó khăn hơn, cổ đông lớn và nhóm nhà đầu tư có sức nặng kinh nghiệm, chuyên môn liên quan đến Ngân hàng Á Châu (ACB) lại thoái vốn. DaiABank càng thêm khó khi đang “cưỡi hổ”. 

Khá sớm, trước ngã ba đường, ngân hàng này đã tính đến phương án tái cơ cấu. Và như trên, ngay từ đầu HDBank đã ngắm đến DaiABank. 

Trả lời VnEconomy, lãnh đạo HDBank nhìn nhận: “Trong quá trình lựa chọn các đối tác phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của mình, chúng tôi đã nhắm đến DaiABank ngay từ đầu. Việc ACB thoái vốn khỏi DaiABank là một trong những cơ hội thuận lợi cho chúng tôi”.

Sau hơn một năm, kế hoạch sáp nhập hai ngân hàng trên thành công. HDBank có quy mô mới, vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ đồng, nhân sự khoảng 4.000 người, cùng mạng lưới trải rộng trên cả nước.

“Sau sáp nhập, chúng tôi kỳ vọng có thế và lực mới để phát triển mạnh mẽ hơn”, vị lãnh đạo trên cho biết.

Còn với DaiABank, họ cũng đã lựa chọn. Lựa chọn này có thể là khó khăn, áp lực và cả vấn đề tâm lý ở những người từng gắn bới với định chế đã 20 năm có mặt trên thị trường. Nhưng, họ đã có giải pháp cho mình. Đó có thể cũng sẽ là giải pháp tiếp tục xuất hiện trong hệ thống ngân hàng năm 2014…


Theo Minh Đức

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM