Đại gia Việt bán máy bay riêng không phải nộp thuế

28/02/2012 16:55 PM |

Theo Bộ Tài chính, trường hợp cá nhân sở hữu máy bay nhưng không sử dụng để kinh doanh thì khi bán lại, sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân.


Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Công ty Vinacopter (doanh nghiệp chuyên mua bán các loại máy bay trực thăng tại châu Á và Việt Nam), xung quanh việc tính thuế đối với giao dịch các loại máy bay đã qua sử dụng. Sự việc này nảy sinh sau khi Vinacopter tiến hành mua lại chiếc trực thăng 6 chỗ đã qua sử dụng của một đại gia Việt vào cuối năm 2011.

Theo Vụ Chính sách thuế, do cá nhân bán lại máy bay không sử dụng chiếc trực thăng của mình vào mục đích kinh doanh trực tiếp nên sẽ không phải chịu thuế thu nhập cá nhân (số tiền thu về không thuộc 10 loại thu nhập chịu thuế). Trong trường hợp chủ sở hữu này là một doanh nghiệp thì khoản tiền thu về cũng không phải chịu thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu thụ đặc biệt.

Riêng trường hợp của Vinacopter, do là doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm là máy bay nên khi mua lại chiếc trực thăng, rồi chuyển nhượng hoặc cho một tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam thuê thì phải kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Cá nhân mua lại máy báy của Vinacopter cũng sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt (theo hình thức xuất - nhập khẩu tại chỗ). Ngược lại, nếu máy bay được đưa khỏi Việt Nam, doanh nghiệp sẽ không phải kê khai, nộp thuế (giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp).

Số doanh nghiệp, cá nhân sở hữu máy bay riêng tại Việt Nam hiện mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Do vậy, việc sang nhượng, mua lại gần như chưa có tiền lệ. Cuối năm 2011, việc Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - Trần Đình Long “đổi” chiếc máy bay 6 chỗ (mua năm 2010) sang chiếc 12 chỗ cùng chủng loại có thể coi là trường hợp đầu tiên.

Theo Kỳ Duyên 
VnExpress

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM