Cuộc đối đầu "truyền kiếp" giữa Boeing và Airbus

07/04/2013 10:11 AM | Kinh doanh

Hãng hàng không giá rẻ Lion Air có một quyết định “khó hiểu” khi đưa vào khai thác cùng lúc hai loại máy bay đối thủ là Airbus và Boeing.

Thế giới vừa chứng kiến hai sự kiện lớn chưa từng có trong ngành hàng không. Đó là hai bản hợp đồng “lịch sử” từ hãng hàng không giá rẻ Lion Air (Indonesia) đặt mua máy bay của Tập đoàn Airbus và Ryanair (Ireland) đặt mua máy bay của Tập đoàn Boeing.

Hai sự kiện này đã khiến giới chuyên môn kinh tế nhận định thị trường hàng không thế giới đang bùng nổ và đưa ra những đánh giá khác nhau về cuộc chạy đua và vị thế giằng co giữa Airbus và Boeing.

Một sự chọn lựa bất thường

Ngày 18-3 tại điện Élysée, hãng hàng không giá rẻ Lion Air đã ký đơn đặt hàng mua 234 máy bay Airbus dòng A320 với tổng trị giá lên đến 18,4 tỉ euro. Bản hợp đồng này sẽ là cơ hội cho nước Pháp tạo ra thêm 5.000 việc làm trong vòng 10 năm.

Dư luận đặt câu hỏi về “bí mật” trong chiến lược tiếp thị của Airbus khi thu hút được một khách hàng mới là Lion Air. Tuy nhiên, câu hỏi về bản thân Lion Air mới thực sự gây chú ý nhiều hơn, bởi đây là một hãng hàng không tư nhân non trẻ nhưng lại tạo ra được một nguồn tài chính dồi dào.

Được thành lập vào năm 1999, Lion Air chủ yếu khai thác các đường bay nội địa và một số tuyến quốc ngoại đi Singapore, Malaysia, Việt Nam và Saudi Arabia, trở thành hãng hàng không tư nhân số 1 tại Indonesia. Sắp tới, Lion Air có kế hoạch lấn sân AirAsia, một hãng lớn trong khu vực, khi mở một chi nhánh ngay trên lãnh địa Malaysia của AirAsia.

Giá cả thực sự trong các thương vụ mua bán máy bay là chuyện tối mật. Hai anh em nhà Kirana, thành viên đứng đầu hãng Lion Air, chưa bao giờ công khai doanh thu và lợi nhuận của mình. Người ngoài không thể xác minh chính xác về những vụ thương lượng hạ giá có thể có giữa bên bán và bên mua. 

Hãng chế tạo máy bay ngoài việc giảm giá bán cũng đồng thời cung cấp các dịch vụ đi kèm, thường là có tính tiền nhưng dù sao thì những hãng hàng không đặt hàng cũng sẽ giảm được giá mua một cách đáng kể. Các dịch vụ đi kèm này có thể là bảo trì, huấn luyện bay và đào tạo đội ngũ nhân viên cho hãng hàng không.

Lion Air vốn là bạn hàng “truyền thống” của Boeing, giờ đây hãng đặt mua thêm máy bay Airbus, nâng tổng giá trị hợp đồng lên đến 35 tỉ USD với gần 500 máy bay của cả hai tập đoàn. Việc Lion Air chọn khai thác song song hai loại máy bay Airbus và Boeing được cho là một quyết định khó hiểu đối với một hãng hàng không giá rẻ.

Nếu như người anh cả của hàng không giá rẻ là Southwest sử dụng 100% máy bay Boeing thì hãng easyJet của Anh lại chỉ chọn Airbus. Tương tự, chúng ta có thể thấy Boeing cung cấp máy bay cho hãng Ryanair, Airbus trở thành đối tác của hãng AirAsia. Vì sao? Bởi khi đó, quá trình bảo trì, đào tạo phi công và các kỹ thuật viên của một hãng hàng không sẽ đồng nhất và thuận lợi về mọi mặt. Trong khi đó, một hãng hàng không “hỗn hợp” Boeing - Airbus hẳn sẽ đánh mất đi lợi thế đó. Chính vì thế, hãng hàng không SpiceJet của Ấn Độ đã đắn đo rất lâu khi quyết định chuyển từ Boeing sang Airbus.

“Nhị đầu chế” Airbus - Boeing

Chuyên gia Jérôme Rein, thuộc Văn phòng tư vấn về chiến lược “Roland Berger Strategy Consultants” có trụ sở tại Đức, cho biết: Kinh doanh vận chuyển hàng không thường xuyên có những hợp đồng đặt hàng số lượng lớn và những đơn hàng này ít khi bị hủy.

Theo dự đoán của giới chuyên môn, việc chuyên chở hành khách bằng đường hàng không chắc chắn sẽ tăng trưởng trong vài năm tới đây. Chẳng hạn, thị trường Trung Đông và các hãng hàng không vùng Vịnh như Emirates đang trở thành khách hàng rất hấp dẫn đối với các hãng chế tạo máy bay.

Airbus được dự đoán trong khoảng thời gian 2012-2031 sẽ có mức tăng trưởng 6% từ các quốc gia mới nổi và 4% đối với Hoa Kỳ, Tây Âu và Nhật Bản. Châu Á cũng không nằm ngoài dự đoán đầy tiềm năng này. Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng chính là các hãng hàng không giá rẻ.

Phải chăng Boeing đang đứng sau trong cuộc đua? Theo nhận định của báoL’Expansion, cuộc chạy đua giữa Airbus và Boeing luôn so kè nhau, không bên nào chiếm ưu thế tuyệt đối. Tại một thời điểm cụ thể, Boeing vượt lên dẫn đầu với dòng sản phẩm B787 trong khi Airbus đang bận xử lý các khó khăn từ sự cố của A380 nhưng sau đó Airbus đã tung ra dòng sản phẩm cạnh tranh của mình là A350 XWB. Sau đó cuộc cạnh tranh thực sự “nóng” lên với dòng sản phẩm mới A320 Neo của Airbus, Boeing tung ra dòng Max.

Chuyên gia Jérôme Rein đưa ra một nhận định rất đáng lưu ý: Airbus và Boeing tuy là đối thủ cạnh tranh của nhau nhưng đều cùng hướng đến một mục tiêu kiềm chế các đối thủ khác, đặc biệt là kiềm chế bước chân của Trung Quốc đang muốn tiến vào thị trường béo bở của hàng không thương mại.

Thật ra, Boeing và Airbus đều vượt trội hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh châu Á. Mục tiêu trên hết của cả hai tập đoàn này không chỉ nhằm làm chậm lại bước đi của các đối thủ khác chực chờ nhảy vào lãnh vực này, mà còn hướng đến việc duy trì vị thế lưỡng độc quyền (duopoly), hay còn gọi là “nhị đầu chế”, tiếp tục “xuôi chèo mát mái” từ bấy lâu nay.

Hàng không giá rẻ tại châu Á giành mua máy bay

Tính từ tháng 1-2012, Airbus đã bán được 974 máy bay, trong đó 530 bán cho các hãng hàng không giá rẻ. Boeing bán được 1.203 chiếc, trong đó các hãng hàng không giá rẻ chiếm gần 50% thị phần.

Vị trí địa lý của các hãng hàng không giá rẻ trở thành lợi thế giúp họ đẩy nhanh được tốc độ khai thác các đường bay mới, như tại Indonesia “máy bay là phương tiện đi lại duy nhất nối liền 17.000 hòn đảo của quốc gia này” - theo phân tích từ Airbus. Cũng theo bản phân tích, “trong 20 năm qua, việc chuyên chở hành khách tăng đều 5% mỗi năm và do đó sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 15 năm, dù đó là ngay giữa giai đoạn khủng hoảng. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực phát triển năng động nhất với 4.300 chiếc đang được khai thác bay”.

Lotfi Belhassine, ông chủ hãng Air Liberté, một hãng hàng không ra đời năm 1987 và là hãng hàng không giá rẻ đầu tiên, nhận xét về trường hợp Trung Quốc: “Khi tôi thành lập hãng Air Liberté, Trung Quốc chỉ mới có khoảng 150 máy bay. Hiện nay, họ có lẽ đang khai thác hơn 3.000 chiếc”. Và đà tăng trưởng này chỉ mới bắt đầu.

Tiềm năng khai thác hàng không giá rẻ tại châu Á còn được hỗ trợ bởi viễn cảnh “mở cửa bầu trời” vào năm 2014. “Các hãng khai thác hàng không giá rẻ như Lion Air của Indonesia (ảnh), AirAsia của Malaysia hay Indigo của Ấn Độ đều đang chuẩn bị để trở thành các doanh nghiệp mạnh trong cả khu vực chứ không dừng lại ở trong nước” - ông Mourad Majoul, Giám đốc của hãng cho thuê máy bay Avico, nhấn mạnh.

Trước cơ hội ngày càng đến gần, các hãng hàng không giá rẻ tại châu Á đang cố nhanh chân đặt mua máy bay để khi thời cơ đến, họ sẽ có ngay phương tiện và sẵn sàng giành lấy những thị phần tốt nhất về mình. (Theo Le Monde)

Boeing và Airbus đua “song mã”

Hiện nay, lĩnh vực sản xuất máy bay thương mại gần như trở thành “sân chơi thao túng” của hai hãng Boeing (Mỹ) và Airbus (EU), các hãng khác chỉ chiếm thị phần rất nhỏ. Boeing gần đây cho xuất xưởng loại máy bay mới nhất: Boeing 777-300ER (200 triệu USD/chiếc). Theo quảng cáo của Boeing, loại này có nhiều tính năng vượt trội so với loại hiện đại nhất của Airbus là A340-500/600 (150 triệu USD/chiếc). Ngoài ra, Boeing còn nghiên cứu để đưa ra dòng BWB (“Body Wing Boeing”), nâng lượng vận chuyển lên 1.000 hành khách/chuyến.

Một dòng máy bay khác cũng đang được Airbus đầu tư là Airbus A380. Về kỹ thuật, A380 có thể đã gần đạt đến giới hạn thiết kế của kiểu máy bay thông thường (vào thời điểm hiện tại, máy bay dân dụng coi như có khả năng vận chuyển tối đa ở mức 900 hành khách). A380 giúp giảm chi phí vận hành 15% so với Boeing 747 và đây là con bài chiến lược của Airbus trong “cuộc đua song mã”. AT

Theo Tường Quyên

duchai

Cùng chuyên mục
XEM