'Cú ngã ngựa' của cựu CEO hãng tư vấn quản lý danh tiếng McKinsey (Phần 1)
Cú ngã của Gupta bắt nguồn từ việc tỉ phú sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Galleon Group- bạn thân của ông bị điều tra về hành vi giao dịch nội gián vào tháng 4/2010.
Nội dung nổi bật:
- Năm 1994 Rajat Gupta trở thành CEO gốc Ấn đầu tiên của McKinsey và hai lần tái đắc cử vào các năm 1997 và 2000;
- Từ khi rời McKinsey trong vinh quang, Gupta đã tham gia Hội đồng quản trị của hàng loạt doanh nghiệp tên tuổi như ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, hãng hàng tiêu dùng P&G, hãng máy tính IMB;
- Năm 2010, Gupta "ngã ngựa" vì tiết lộ thông tin nội gián giúp ông bạn thân Raj Rajaratnam kiếm lời hàng triệu USD.
Với nhiều người, cú sốc lớn nhất sau vụ quỹ đầu tư mạo hiểm Galleon Group bị phanh phui các giao dịch nội gián không đơn giản chỉ là những thiệt hại về vật chất hay chuyện ông giám đốc - tỉ phú Raj Rajaratnam bị kết án 14 tội danh với 11 năm tù giam. Phía sau vụ bê bối lại xuất hiện một bản cáo trạng lạ lùng, vạch trần Rajat Gupta - người bạn thân thiết nhất của Raj.
Tuần qua, nhà báo Anita Raghavan đã cho xuất bản cuốn sách với tựa đề "Viên tập sự của ngài tỉ phú: Những bước thăng tiến của một nhân vật chóp bu trong giới kinh doanh và sự sụp đổ của quỹ mạo hiểm". Đây là tác phẩm được đánh giá rất cao, tái hiện toàn bộ câu chuyện Gupta quyết định mạo hiểm đánh đổi vinh quang để tham gia những canh bạc đầu tư với ông chủ Raj Rajaratnam.
Doanh nhân thành đạt 65 tuổi này bị cáo buộc đã cung cấp cho người bạn đồng hương gốc Ấn Rajaratnam những tin tức tuyệt mật liên quan đến việc mua bán cổ phiếu của Goldman Sachs trong khoảng thời gian từ tháng 3/2007 đến tháng 1/2009. Vào thời điểm này, Gupta là trung tâm của chiến dịch chống lại các giao dịch nội gián trong những năm gần đây của Chính phủ Mỹ.
Là cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company, Gupta trở thành nhân vật được tôn trọng và "hâm mộ" nhất trong cộng đồng doanh nhân gốc Ấn tại Mỹ. Con người này cùng đạt tới những thành công ngoài mong đợi, gây ấn tượng rất mạnh trong các dự án từ thiện lớn trên toàn cầu. "Cú ngã ngựa" bất ngờ của ông khiến bê bối giao dịch nội gián vốn đã gây sốc lại trở nên bất bình thường hơn bao giờ hết.
Bê bối… từ trên trời rơi xuống
Vào năm 1973, khi chàng thanh niên Rajat Gupta mới chân ướt chân ráo tham gia vào Công ty Tư vấn McKinsey ở thành phố New York, có lẽ anh cũng không ngờ rằng chính nơi đó sẽ là sân khấu mang lại cả vinh quang lẫn ô nhục cho cuộc đời. Năm 1994, Gupta trở thành CEO của McKinsey (CEO đầu tiên sinh tại Ấn Độ) và hai lần tái đắc cử vào năm 1997 và 2000. Trong thời gian nắm quyền tại McKinsey, Gupta đã mở rộng gấp đôi đế chế của ông với sự hiện diện trên 23 quốc gia. Ông giao du với những nhà doanh nghiệp và chính trị gia hàng đầu thế giới, từ Bill Gates cho đến Bill Clinton.
Tác giả Anita Raghavan - người luôn chủ trương vụ bê bối nội gián phải được xử một cách nghiêm khắc để làm gương cho các tập đoàn mua bán thông tin tài chính trái phép khác - cũng phải nhìn nhận: "Gupta là một trong những nhà kinh doanh chứng khoán sáng giá nhất, chuyên nghiệp nhất, có nhiều bằng cấp nhất, thành công nhất và được ưu đãi nhất của nước Mỹ. Chẳng thế mà ông đã nhanh chóng lập nên cơ đồ".
Sau khi nghỉ hưu, Gupta vẫn là một cái bóng có uy tín và thế lực đằng sau McKinsey. Từ năm 2007, người ta thấy ông có mặt trong hội đồng của những tập đoàn và tổ chức lớn như Goldman Sachs, Procter&Gamble, American Airlines hay trường kinh doanh Harvard. Gupta được sự tin tưởng ủy thác của một số tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ. Ông ngồi bên trong phòng họp, trong số những CEO McKinsey và nhận được nhiều thông tin bí mật của họ để có thể đưa ra lời khuyên và tư vấn. Việc quan hệ quá rộng và biết quá nhiều chính là nguồn gốc của mọi tai nạn.
Nhà báo Anita Raghavan đã cho xuất bản cuốn sách tái hiện toàn bộ câu chuyện Rajat Gupta quyết định mạo hiểm đánh đổi vinh quang để tham gia những canh bạc đầu tư.
Sự ô nhục của Gupta khởi đầu từ tháng 4/2010, khi Raj Rajaratnam - tỉ phú sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Galleon Group, bạn thân của Gupta - bị điều tra về hành vi giao dịch nội gián. Ngày 1/3/2011, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã đệ đơn khiếu nại hành chính dân sự chống lại Gupta vì giao dịch nội gián với Rajaratnam. Ngày 26/10/2011, Văn phòng Công tố đã đệ đơn cáo buộc hình sự chống lại Gupta. Ông bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) bắt tại thành phố New York.
Theo tiết lộ của báo chí, quỹ đầu tư Galleon đã nhanh chóng nổi lên nhờ chiến lược thu thập thông tin độc quyền qua các mối quan hệ giữa Gupta với một số nhân viên cao cấp của những tập đoàn tham gia thị trường chứng khoán như Hãng tin học IBM, Intel Capital, hay thậm chí Công ty Tư vấn McKinsey nơi Gupta từng làm việc trước đây.
Gupta đã "moi" được một số thông tin có thể khiến giá cổ phiếu của các tập đoàn tham gia sàn chứng khoán NYSE lên xuống bất thường. Đó là những thông tin mật mà chỉ được biết trong nội bộ của các tập đoàn lớn. Nhờ biết trước được những thông tin đó nên quỹ đầu tư Galleon đã bán hoặc mua cổ phiếu của các tập đoàn này trước hết tất cả mọi người để kiếm lời.
Nhà chức trách cũng cáo buộc Gupta đã xì những tin tức về tình hình đầu tư bên trong Ngân hàng Goldman Sachs cho Rajaratnam thông qua những cuộc điện thoại, dẫn đến những hoạt động mua, bán cổ phiếu với giá trị khổng lồ của Rajaratnam với lợi nhuận lên đến hàng triệu USD. Chính phủ đưa ra những băng ghi âm điện thoại để làm chứng cứ.
Một trong những vụ việc đáng ngờ là khi tỉ phú Warren Buffet quyết định đầu tư 5 tỉ USD vào Goldman Sachs năm 2008, Rajaratnam đã hay tin này một ngày trước và thu mua cổ phiếu để đạt lợi nhuận 800.000 USD chỉ trong 24 giờ. Trong một trường hợp khác, hóa đơn điện thoại cho thấy Gupta đã liên lạc với Rajaratnam chỉ vài chục giây sau khi rời cuộc họp hội đồng tại Goldman Sachs và cuộc gọi kéo dài 13 phút. Ngày hôm sau, quỹ Galleon bán 150.000 cổ phiếu Goldman và tránh được thua lỗ gần 3 triệu USD.
(còn tiếp)
Theo Trần Quân - Việt Dũng
Theo An ninh thế giới/Thefinancialist.com
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!