Con tôm trên bàn ăn nước Mỹ và câu chuyện chuỗi cung ứng toàn cầu
Hội chứng tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome - EMS) quét qua các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan, giá tôm đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Tháng 10 vừa qua, Jamie’s Italian - một chuỗi nhà hàng của nước Anh được sở hữu bởi đầu bếp nổi tiếng Jamie Oliver – đã loại món tôm ra khỏi thực đơn. Ở Mỹ, hệ thống nhà hàng Red Lobster cũng làm điều tương tự: chương trình đặc biệt về các món làm từ tôm “Endless Shrimp” đã kéo dài chỉ trong 6 tuần thay vì 3 tháng như thường lệ.
Các khách hàng ưa thích tôm đã lên tiếng phàn nàn trong khi Red Lobster từ chối bình luận. Tuy nhiên, có một lý do giải thích cho điều này: do Hội chứng tôm chết sớm (Early Mortality Syndrome - EMS) quét qua các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan, giá tôm đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 12 năm trở lại đây.
Giá tôm trong 20 năm qua
Con tôm đã trở thành ví dụ xác đáng nhất cho thấy tính toàn cầu hóa của chuỗi thực phẩm đã mở rộng hơn bao giờ hết. Giờ đây, chuỗi này không chỉ bao gồm những hàng hóa như cà phê, đường và bia mà còn là tất cả những gì xuất hiện trên bàn ăn.
Hiện nay, tôm được nuôi trồng ở các trang trại trên khắp châu Á, Nam Mỹ và Mexico. Nguồn cung cấp tôm với giá rẻ nhất là điều các nhà cung cấp luôn tìm kiếm.
Tôm có thể sản sinh nhanh chóng, được đông lạnh dễ dàng và có thể bảo quản trong điều kiện đông lạnh với thời gian lên tới 12 tháng. Nuôi trồng tôm đã trở thành ngành trị giá hàng tỷ USD. Tôm trở thành món phổ biến trên thực đơn của các nhà hàng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động mua bán tôm cũng là ví dụ điển hình cho tính chất dễ biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu. Một nhà hàng ở Los Angeles có thể cảm nhận được hiệu ứng gây ra bởi các hiện tượng như thay đổi thời tiết, thiên tai hay bệnh dịch đang diễn ra ở nửa bên kia của trái đất.
Santa Monica Seafood – nhà phân phối hải sản lớn nhất ở miền Tây Nam Hoa Kỳ - cho biết thiếu hụt tôm từ châu Á đã khiến giá tôm nhập vào Mexico tăng mạnh. Và, cho dù có mạng lưới bán buôn rộng lớn, Santa Monica Seafood vẫn không dám nhập tôm vì giá quá cao.
Hầu hết các nhà hàng đang thận trọng với chi phí đầu vào ngày càng tăng lên trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt về giá, người nuôi tôm cũng bỏ qua những vấn đề về an toàn và sức khỏe của con tôm nhằm cắt giảm chi phí. Ở châu Á, những đầm nuôi tôm không được làm sạch đúng quý trình và do đó tôm dễ bị bệnh trên diện rộng.
Hội chứng EMS xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009, khi dịch bệnh ở Trung Quốc lan sang Việt Nam, Malaysia và hiện nay là Thái Lan. Dịch bệnh khiến tôm lớn chậm, không thể sinh sản và chết đi. Những đầm nuôi tôm bị mắc dịch bệnh có thể mất tới 70% số tôm. Rất nhiều cánh đồng đã phải đóng cửa. Trong tháng 7, số tôm mà Thái Lan xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 58% so với cùng kỳ năm trước.
Hồi tháng 5, các nhà nghiên cứu ở ĐH Arizona đã xác định nguyên nhân của EMS: loại vi khuẩn dễ lây lan khi số tôm trong đầm quá lớn. Tuy nhiên, vì người nông dân chần chừ không muốn chia nhỏ các đầm nuôi tôm, sản lượng tôm sẽ không thể quay trở lại mức trước dịch bệnh trừ khi diện tích nuôi trồng tăng đáng kể. Các chuyên gia ước tính sẽ phải mất vài năm để xóa bỏ hoàn toàn dịch bệnh.
Hoạt động nuôi trồng tôm ở châu Á lao đao khiến châu Mỹ Latinh nhảy vào cuộc. Tuy nhiên, Mexico và Ecuador không thể sản xuất đủ để bù đắp.
Theo Minh Anh
Theo CafeF/Trí Thức Trẻ/Business Insider
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!