Nội dung nổi bật:
- Để trở thành chuyên viên kinh doanh, khách hàng buộc phải bỏ ra 7 triệu đồng mua sản phẩm máy lọc nước Ozone. Sau đó Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) sẽ giới thiệu chương trình khuyến mãi khủng, dùng dấu đỏ đóng dòng chữ "Long Phụng Hòa Ca" vào bản hợp đồng đa cấp vừa ký nếu khách hàng mua sản phẩm.
- Để giữ tiền khách hàng, TNMU đưa ra điều kiện không được đổi- trả hàng trong chương trình khuyến mãi có đóng dấu "Long Phụng Hòa Ca".
- Luật pháp về bán hàng đa cấp chưa hoàn thiện, thực tế DN đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp ở các địa phương, tỉnh lẻ, nhưng lại mở rộng chi nhánh, và hoạt động chính ở các thành phố lớn nên khó kiểm soát, quản lý.
Cách đây chưa lâu, khách hàng - chính là chuyên viên kinh doanh - trả lại hàng, đòi lại tiền đã bị nhân viên của Công ty kinh doanh đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy đánh. Đáng nói, trước đó Công ty này đã được nhắc đến nhiều lần với những chiêu trò bán hàng mà ai lỡ “sa chân” vào cũng khó rút ra. Trong khi đó, luật pháp về bán hàng đa cấp vẫn trên đường hoàn thiện để đuổi kịp thực tiễn…
Lách luật hay phạm luật?
Để trở thành chuyên viên kinh doanh (CVKD) được tham dự chương trình khuyến mãi cực “khủng” của Thiên Ngọc Minh Uy, khách hàng buộc phải bỏ ra 7 triệu đồng mua sản phẩm máy lọc nước Ozone. Sau khi ký một bản Hợp đồng bán hàng đa cấp, phía Công ty Thiên Ngọc Minh Uy sẽ giới thiệu với khách hàng một chương trình khuyến mãi cực khủng mang tên “Long Phụng Hòa Ca”.
Trước câu hỏi của Báo Pháp luật Việt Nam: cách bán hàng của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy vi phạm Luật Cạnh tranh hay là hành vi lừa đảo, và trách nhiệm của ngành Công Thương thế nào, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), trả lời “trọn vẹn một câu”: “Về Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, đề nghị phóng viên đến làm cụ thể với Cục Quản lý Cạnh tranh”. |
Quyền lợi khách hàng được hứa hẹn khi tham dự chương trình này vô cùng hấp dẫn. Chỉ cần đưa được 6 người nữa tham gia chương trình khuyến mãi, CVKD sẽ được thưởng 500 nghìn đồng. Con số này lũy tiến dần lên, đến khi có đủ 18 người tham gia sau thời điểm CVKD đã ký hợp đồng thì CVKD được thưởng tới 12 triệu đồng.
Khi CVKD bỏ tiền mua sản phẩm, Thiên Ngọc Minh Uy lập tức dùng dấu đỏ đóng dòng chữ “Long Phụng Hòa Ca” vào Hợp đồng bán hàng đa cấp vừa ký giữa hai bên. Trong Điều IV của bản hợp đồng này lại có điều khoản: “Đối với những hàng hóa mua vào thời điểm khuyến mãi hoặc những chương trình mang tính kích cầu sẽ không được đổi - trả theo quy định trên”.
Chỉ với “chiêu” khuyến mãi mang tên “Long Phụng Hòa Ca”, Thiên Ngọc Minh Uy nhằm “đánh tráo” cách hiểu về quy định này và không cho người tham gia trả lại hàng. Đây chính là “cái khóa” để Công ty này giữ chặt tiền của khách hàng.
Chiểu theo quy định của pháp luật thì chương trình khuyến mãi nói trên có nhiều dấu hiệu lập lờ để lách luật. Cụ thể, theo Khoản 1, 2 Điều 11 Nghị định 110/2005/NĐ-CP (Nghị định 110) về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp: “Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải mua lại hàng hóa đã bán cho người tham gia khi hàng hóa đó đáp ứng các điều kiện: có thể bán lại theo mục đích sử dụng ban đầu của hàng hóa và trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày người tham gia nhận hàng. Người trả sản phẩm cho doanh nghiệp nhận được thấp nhất là 90% số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm”.
Tại Khoản 4 Điều 11 Nghị định 110: “Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chỉ không phải mua lại một số sản phẩm đã bán cho khách hàng gồm “hàng hóa khi trả lại đã hết hạn sử dụng, hàng hóa theo mùa hoặc hàng hóa dùng để khuyến mại”.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cho dù thế nào đi nữa, chương trình khuyến mãi “Long Phụng Hòa Ca” cùng với những quy định mà Thiên Ngọc Minh Uy tự vẽ ra trong Hợp đồng cũng không thể làm thay đổi bản chất của một hợp đồng mua bán hàng đa cấp, người tham gia có quyền trả lại hàng trong vòng 30 ngày và DN bán hàng đa cấp phải mua lại với mức giá không ít hơn 90% giá ban đầu.
Nghị định 110... sửa chưa xong
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua có 90 DN đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp, nhưng đến nay chỉ còn 61 DN hoạt động, đã có 3 DN bị rút giấy phép kinh doanh, đó là: Công ty Sinh Lợi, Công ty Cát Nguyên và Công ty Đan Hồng.
“Tuy nhiên, chúng tôi gặp vướng mắc trong quá trình quản lý và điều hành bán hàng đa cấp. Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 110, Bộ Công Thương sẽ trực tiếp cấp giấy phép kinh doanh bán hàng đa cấp. Để kiểm soát chặt chẽ, chúng tôi cho rằng phải coi bán hàng đa cấp là loại hình kinh doanh có điều kiện. Bởi thực tế, rất nhiều DN đăng ký kinh doanh bán hàng đa cấp ở các địa phương, tỉnh lẻ, nhưng lại mở rộng chi nhánh, và hoạt động chính ở các thành phố lớn, vì thế, việc kiểm soát rất khó khăn và chồng chéo” – ông Nam cho biết.
Thêm nữa, quá tình tiếp thu ý kiến của các địa phương cùng với tiếp thu kinh nghiệm các nước về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 110, cấm kinh doanh, bán hàng đa cấp theo mô hình kim tự tháp, nguồn thu không chính đáng của các mạng lưới từ việc thu phí hội viên gia nhập mạng lưới. Bán hàng đa cấp kim tự tháp là mô hình hàng hóa đưa vào hệ thống phân phối không tới tay người tiêu dùng.
Thu nhập của người tham gia mạng lưới chủ yếu xuất phát từ phí đóng góp của người tham gia, thực chất, doanh thu không phải từ việc bán sản phẩm. Vì thế, trong thời gian tới, Dự thảo sửa đổi Nghị định 110 quy định mức ký quỹ nâng lên mức 5 tỷ đồng (quy định ký quỹ bằng tiền mặt), thay vì quy định chỉ 1 tỷ đồng hiện hành.
Theo Mai Hoa
thuyntt