Coca-Cola vẫn đặt cược vào soda

17/04/2014 09:10 AM | Kinh doanh

Người Mỹ đã ít uống Coca-Cola hơn trước do những lo ngại về căn bệnh béo phì đang lan rộng. Tuy nhiên, Coca-Cola vẫn đang đặt cược vào tương lai đầy lạc quan của thứ nước ngọt có gas này.

Bất chấp nhiều lo ngại về sức khỏe khi uống nhiều nước có gas, Coca-Cola vẫn đang ăn nên làm ra với thứ nước soda có công thức trăm năm tuổi này. Để tăng doanh số, hãng này thậm chí còn tăng gấp đôi ngân sách quảng cáo, lên hơn 1 tỷ USD, từ nay cho đến năm 2016. Trong đó, phần lớn sẽ đổ về nhóm sản phẩm Sprite và Fanta.

Mặc dù người Mỹ uống ít Coca-Cola hơn nhưng hãng nước ngọt lớn nhất thế giới này vẫn đang đặt cược tương lai của mình vào soda với những lý do sau.

Trước hết, dù có thế nào thì thế giới vẫn đang uống soda nhiều hơn. Trong khi nhu cầu ở thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đang lung lay, doanh số của Coca-Cola lại tăng lên tại các thị trường trọng điểm như Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương.

Kinh tế khó khăn nhưng doanh số bán hàng thức uống trên toàn cầu của Coca-Cola năm 2013 tăng 2% và doanh thu tăng 3%. Khách hàng vẫn tiếp tục làm giàu cho "nền kinh tế lớn thứ 84 thế giới" mang tên Coke với doanh thu hơn 35 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Coke đang ở "con sóng" đi lên của thị trường đồ uống có đường thế giới. Theo Euromonitor International, Mỹ Latinh hiện là thị trường chiếm doanh thu lớn nhất của Coca-Cola, được dự báo sẽ tăng 17,3% trong thời gian 2013-2018. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mexico, Trung Quốc, Brazil và Nhật Bản hiện đang chiếm thị phần lớn trong tổng doanh thu của Coca-Cola.

Coca-Cola đang đặt cược vào sự thuận lợi nhân khẩu học cho hoạt động kinh doanh của hãng trên toàn cầu khi tầng lớp người tiêu dùng trung lưu và thanh thiếu niên nói riêng đang tăng trưởng.

Theo Giám đốc Tài chính của Coca-Cola, số lượng người tiêu dùng trung lưu tăng 50%, tương đương với khoảng 800 triệu người, kéo theo sự gia tăng 70% trong chi tiêu cá nhân. Thế giới có 3,5 tỷ thanh thiếu niên là thị trường khổng lồ đang chờ đón các sản phẩm của Coca-Cola. Để thu hút nhóm khách hàng này, Coca-Cola tài trợ cho World Cup 2014 tại Brazil và đã sẵn sàng để đổ thêm 1 tỷ USD vào quảng cáo.

Mặc dù đã thay đến 3 đời CEO kể từ năm 2000, nhưng Coke vẫn tiếp tục giữ vững ngôi vị số 1 trên thị trường đồ uống có gas của Mỹ, với 42,8% thị phần (vị trí thứ hai là của Pepsi với thị phần 31,1%). Tổng cộng mỗi ngày có 1,7 tỷ sản phẩm của Coke được tiêu thụ trên thị trường toàn cầu.

Với 39 gam đường cho mỗi lon Coke, nghĩa là trung bình người tiêu dùng Mỹ tiêu thụ 4,9kg (hay 10,8 pounds) đường mỗi năm. Nhân con số này với 307 triệu người Mỹ, sẽ thu được kết quả là khoảng 1,7 triệu tấn đường. Tổ chức Y tế Thế giới mới đưa ra đề nghị hạn chế tiêu thụ các loại đường thêm vào đồ ăn và thức uống, chỉ 6 muỗng/ngày - ít hơn 9 muỗng đường trong một lon Coca 12 oz (355ml).

Một mặt, hãng đang cố chứng minh chất tạo ngọt nhân tạo sử dụng trong sản phẩm Diet Soda là an toàn. Đồng thời, hãng cũng lên kế hoạch tung ra sản phẩm Coca-Cola Life có hàm lượng calo vừa phải và sử dụng đường chiết xuất từ thực vật.

Theo Thụy Kha

duchai

Cùng chuyên mục
XEM