Có hay không "kịch bản thôn tính" chợ Nành (Ninh Hiệp) ?

24/12/2015 15:25 PM | Kinh doanh

Theo quan sát của phóng viên trên địa bàn xã Ninh Hiệp hiện đang có 4 chợ và TTTM trong đó có có 3 TTTM là Sơn Long, Phú Điền, Ba Giai đều trong tình trạng ế ẩm không có người thuê.

Mặc dù mới chỉ được UBND TP Hà Nội chấp thuận chỉ định nhà đầu tư tham gia xây dựng chợ, TTTM xã Ninh Hiệp, doanh nghiệp chưa được cấp chứng nhận đầu tư, chưa lập dự án, chưa được giao đất,... nhưng vẫn tiến hành chi trả tiền đền bù, thực hiện san lấp mặt bằng trước sự làm ngơ của chính quyền.

Ngày 15/11/2013, UBND TP Hà Nội đã có quyết định chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng công trình theo quy hoạch tại xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Đây là những dự án nằm trong hạng mục nông thôn mới.

Theo đó, chỉ trong một ngày, 15/11/2013, 2 quyết định chỉ định nhà đầu tư đã được ký. Quyết định số 8685/UBND-KHĐT giao cho công ty TNHH đầu tư thương mại Vĩnh Phát thực hiện dự án chợ và trung tâm thương mại TMTH2 trên khu đất bãi đỗ xe chợ Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Để được chỉ định nhà đầu tư, liên doanh này đã cam kết hỗ trợ cho thành phố trên 10 tỷ đồng và đã nộp số tiền trên vào ngân sách .

Quyết định thứ 2 là số 8688/UBND-KHĐT giao cho công ty TNHH tập đoàn thương mại Tuấn Dung (công ty Tuấn Dung) thực hiện xây chợ và dịch thương mại tổng hợp TMTH1 (Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội). Khu đất này hiện đang tồn tại một trường chuẩn cấp II, học sinh vẫn đang học.

Để được UBND TP Hà Nội chỉ định là nhà đầu tư, công ty Tuấn Dung đã thực hiện hỗ trợ vào ngân sách TP số tiền 60,5 tỷ đồng. Số tiền này đã được công ty Tuấn Dung nộp đủ tại kho bạc nhà nước trong tài khoản thu đấu giá quyền sử dụng đất. Mặc dù, dự án này không hề được đấu giá theo quy định của pháp luật.

Chợ thừa ..cấp bách xây thêm chợ để làm gì?

Theo 2 quyết định trên, có nghĩa là xã Ninh Hiệp sẽ có thêm 2 chợ và trung tâm thương mại nằm tập trung tại khu vực này. Theo quan sát của phóng viên trên địa bàn xã Ninh Hiệp hiện đang có 4 chợ và TTTM trong đó có có 3 TTTM là Sơn Long, Phú Điền, Ba Giai đều trong tình trạng ế ẩm không có người thuê.

Ế ẩm nhiều TTTM xã Ninh Hiệp cho mượn miễn phí 3 năm. Tuy nhiên, chính quyền vẫn cho xây dựng thêm TTTM

Toàn bộ tầng 1 của 3 trung tâm này đều không sử dụng hết, các tầng 2 và 3 đều bỏ trống không kinh doanh thậm chí chủ TTTM Phú Điền còn treo biển cho mượn tầng 2 miễn phí 3 năm nhưng vẫn không có người thuê....

Trong khi đó, không hiểu vì sao UBND huyện Gia Lâm vẫn cho phép các doanh nghiệp trên xây thêm TTTM bất chấp cả việc phá trường chuẩn quốc gia cấp II Ninh Hiệp để lấy đất.

Thu được vài chục tỷ... dân bất an

Căn cứ quyết định chỉ định nhà đầu tư trên, ngày 31/12/2013 tức là chỉ trong vòng đúng 1 tháng, Vĩnh Phát đã thực hiện việc chi trả gần 2 tỷ đồng tiền đền bù, hỗ trợ cho Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Ninh Hiệp để lấy bãi đỗ xe của chợ Nành do HTX đang quản lý (phần đất nằm trong phạm vi dự án) nhằm phục vụ cho công tác san lấp mặt bằng làm dự án.

Điều đáng nói, việc chi trả này là hoàn toàn trái quy định của pháp luật. Bởi, thời điểm chi trả tiền đền bù, UBND huyện Gia Lâm và UBND TP Hà Nội chưa tiến hành ra quyết định thu hồi đất giao cho chủ đầu tư, chưa có quy hoạch chi tiết khu đất cũng như các hạng mục trên đất, chưa có phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng....

Ủy nhiệm chi gần 2 tỷ của công ty Vĩnh Phát cho HTX Ninh Hiệp

Việc làm của Vĩnh Phát vi phạm pháp luật về đất đai, bỏ qua mọi thủ tục đấu thầu, đấu giá theo quy định. Huyện Gia lâm cũng khẳng định là đến thời điểm này, việc tiến hành triển khai của công ty...sai do chưa có đủ thủ tục pháp lý

Và câu hỏi đặt ra không hiểu vì lý do gì mà các cấp chính quyền vẫn “bật đèn xanh” hậu thuẫn cho doanh nghiệp này "nhảy" vào xã Ninh Hiệp để chiếm đất triển khai dự án bất chấp sự phản đối của nhân dân.

Không chỉ Vĩnh Phát, tại dự án TMTH 1, công ty Tuấn Dung cũng đã “tự ý” thực hiện việc di dời hàng chục ngôi mộ nằm trong phạm vi thửa đất TMTH 1.

Điều chỉnh quy hoạch không lấy ý kiến của dân

Các hạng mục mà UBND TP Hà Nội giao cho công ty Tuấn Dung và Vĩnh Phát thực hiện nằm trong quy hoạch phát triển nông thôn mới mà Hà Nội đề ra.

Theo quy định, trước khi thông qua quy hoạch, các cấp trình quyền phải trình các cấp cơ sở và lấy ý kiến đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân xã Ninh Hiệp, việc làm này không được làm đúng quy trình và người dân không hề biết gì.

Ông Nguyễn Đình Toản ( xã Ninh Hiệp) cho biết, khi điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới, chính quyền xã không thông qua dân, không công bố trên loa truyền thanh. Vì vậy “chủ trương” xây dựng thêm 2 chợ và trung tâm dịch vụ thương mại trên người dân không hề hay biết.

“Nếu biết, chúng tôi sẽ phản đối ngay. Ninh Hiệp có tới 4 cái chợ, toàn trong tình trạng ế ẩm thế thì xây thêm để làm gì? 3 năm nay, chợ để không không có người họp chưa đủ lãng phí đất của

nhà nước hay sao mà còn xây chợ. Theo phương án mà thành phố đưa ra còn cho chủ đầu tư đập một cái trường chuẩn cấp 2 con em chúng tôi đang học thành chợ” ông Toản nói .

Một người dân khác cho biết, họ nói là họ có tiền triển khai, họ nộp tiền cho thành phố hàng vài chục tỷ. Nhưng thành phố có biết tiền đó ở đâu không ? Họ chưa triển khai gì, nhưng họ đã rao bán các kiot tầng 1 với giá vài tỷ đồng một lô.

Có rất nhiều người dân Ninh Hiệp đã nộp trước cho họ từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng, người nhiều thì vài tỷ . Số tiền chúng tôi ước tính họ huy động của dân tới vài trăm tỷ đồng. “Chúng tôi đã gửi đơn tố cáo đến công an Huyện Gia Lâm nhưng không hiểu vì sao sự việc vẫn chưa được giải quyết.

Thậm chí, nhiều người dân chúng tôi còn bị nhóm người đe dọa khi lên gặp công an. Và không hiểu sao danh tính những người tố cáo và nội dung làm việc với công an huyện bị tiết lộ hết cho nhóm người này” người dân này cho biết.

Bí thư xã Ninh HIệp ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận là người dân cũng đã nhiều lần phản ánh với lãnh đạo xã về tình trạng trên. Hiện người dân cũng đã cung cấp danh tính những người đã nộp tiền cho các công ty trên cho công an huyện Gia Lâm để điều tra làm rõ.

Trao đổi với PV, ông Dương Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, hai dự án trên đã được UBND TP Hà Nội chỉ định chủ đầu tư còn lý do vì sao TP chỉ định nhà đầu tư thì lãnh đạo Huyện cũng không biết.

Tuy nhiên, thì ông Dũng cũng khẳng định do chưa hoàn thành thủ tục đầu tư nên hai dự án này chưa được phép khởi công triển khai. Huyện đã dừng việc cho hai doanh nghiệp này di dời giải phóng mặt bằng khu vực bãi để xe chợ Nành và việc di dời trường THCS.

Theo Anh Đào

Cùng chuyên mục
XEM