Cờ có đến tay Tom Trần?
Những biến cố diễn ra trong cuộc họp báo ngày 11/12 của Nhóm Mua và ông Tom Trần tổ chức lại vẽ thêm nên một nét chấm phá về khủng hoảng của đơn vị mua chung đã từng lớn nhất này.
Bất ngờ trước tin ông Kyle Phạm gửi đơn xin từ nhiệm và nhà đầu tư ngưng cấp vốn vào Nhóm Mua, ông Tom Trần tự tin khẳng định đủ sức đưa Nhóm Mua trở lại phong độ trước ngày 13/11, thời điểm nhà đầu tư quyết định thay ông Tom bằng ông Kyle.
Thế nhưng, liệu cơ hội quay trở lại của ông Tom có còn và tương lai Nhóm Mua ra sao? Chúng ta cùng điểm lại tình hình
Ông Tom quay trở lại
Khả năng xảy ra: 30%
Ông Tom và những người ủng hộ ông chắc chắn sẽ muốn lựa chọn này xảy ra nhất. Vấn đề là, người quyết định không phải là ông, mà là ở chỗ nhà đầu tư với 72,73% cổ phần nắm giữ tại Nhóm Mua.
Nhưng, xem cái cách mà nhà đầu tư phải dùng tới bảo vệ được trang bị công cụ hỗ trợ để giành lấy quyền kiếm soát Nhóm Mua, rồi việc phe ông Tom Trần không giao ra con dấu của công ty. Có thể thấy, mâu thuẫn giữa hai bên là không nhỏ.
Theo cách trả lời của ông Tom và nhà đầu tư với báo chí, có thể thấy hai bên đã có những trục trặc, bắt đầu từ tháng 4 năm nay, khi ông Kyle Phạm được nhà đầu tư cử làm giám đốc tài chính của Nhóm Mua.
Nhà đầu tư phải dùng tới lực lượng bảo vệ trang bị công cụ hỗ trợ để giành lại quyền kiểm soát Nhóm Mua.
Những mâu thuẫn dấy lên hồi tháng 8 khi nhà đầu tư bắt đầu yêu cầu ông Tom chuyển khỏi vị trí CEO để lo công tác khác và không được đáp ứng, đã khiến mối quan hệ hai bên trở nên tệ hơn.
Thêm nữa, nhà đầu tư đã cắt hỗ trợ tài chính cho Nhóm Mua, vào đúng lúc công ty này đang cần tiền để trả nợ nhân viên và nhà cung cấp. Hành động này, giống như việc họ đang bớt dần sự quan tâm với công ty Nhóm Mua và chấp nhận những mất mát ở công ty này.
Vì thế, nếu như muốn trở lại, có lẽ ông Tom Trần phải mua lại toàn bộ cổ phần của Nhà đầu tư. Thế nhưng, với mỗi quan hệ không lấy gì làm êm đẹp của hai bên, có lẽ nhà đầu tư cũng không muốn bán cổ phần cho ông Tom.
Nhóm Mua tuyên bố phá sản
Khả năng xảy ra: 60%
Việc nhà đầu tư ngưng cấp vốn cũng cho thấy những dấu hiệu họ muốn “buông tay”.
Khó có đơn vị đầu tư nào lại công bố tin tức xấu như vậy vào thời điểm “nước sôi lửa bỏng” của công ty mình đầu tư như vậy.
Trừ phi họ thực sự không còn để ý tới sinh tử của công ty này. Nếu như không còn muốn gắn bó với Nhóm Mua, cũng như không muốn giao lại quyền lực cho cựu CEO Tom Trần, nhà đầu tư có thể tuyên bố phá sản và rút chân khỏi thị trường Việt Nam.
Việc đơn vị mua chung từng một thời số 1 Việt Nam tuyên bố phá sản sẽ gây không ít hệ lụy cho các đối thủ trên thị trường. Đặc biệt là cho hơn 1000 nhân viên của công ty cũng như các đơn vị đối tác.
Hiện tại, sau thông báo tạm ngưng hoạt động ngày 12/12 của Nhóm Mua, một số đơn vị cung cấp đã từ chối chấp nhận voucher từ Nhóm Mua. Tuy nhiên, sau đó ít hôm, voucher của Nhóm Mua đã được chấp nhận lại.
Bán lại Nhóm Mua cho đối tác khác
Khả năng xảy ra: 70%.
Lựa chọn khả dĩ nhất cho Nhà đầu tư là việc bán lại Nhóm Mua cho một đối tác thứ 3, ngoài ông Tom Trần. Sau đó, đối tác có thể thỏa thuận để mua lại phần vốn của ông Tom, hoặc mời ông Tom vào ban điều hành của Nhóm Mua.
Giải pháp này sẽ giúp nhà đầu tư vớt vát lại những khoản tiền họ đã đổ vào công ty này (ước tính trên 10 triệu USD).
Hơn hết, đó là giúp Nhóm Mua có thể hoạt động trở lại, và quyền lợi của các bên liên quan được đảm bảo.
Vấn đề chính ở đây, đó là tìm người mua.
Thực tế thì nhà đầu tư có 3 lựa chọn: các đối thủ của Nhóm Mua, các nhà đầu tư trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài.
Các đối thủ của Nhóm Mua trên thị trường mua chung hiện tại cũng không phải quá mừng rỡ vì những lùm xùm tại Nhóm Mua. Bởi chính họ cũng có một năm 2012 không được như ý. Vì thế, một trong 3 đơn vị hàng đầu thị trường còn lại là Mua Chung, Hotdeal, CungMua khó có lý do để tiếp tục thâu tóm Nhóm Mua.
Các công ty này vẫn phải đang lo lắng đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp và người tiêu dùng của mình. Chưa kể, Nhóm Mua lộn xộn hơn 1 tháng qua, khiến uy tín rơi rụng phần nào.
Vì thế dẫu có mua lại, các đối thủ cũng không tận dụng được thị trường của Nhóm Mua. Chưa kể, có khả năng họ sẽ phải đối mặt với khoản lỗ của Nhóm Mua.
Lựa chọn 2 là các nhà đầu tư trong nước có vẻ cũng khó khả thi. Bởi thị trường mua chung đã hết sức hấp dẫn từng có như cuối năm 2011. Và giờ đây, một số đơn vị từng đầu tư vào mô hình mua chung cũng đã ngừng hoạt động hoặc chuyển sang hình thức khác.
Các nhà đầu tư trong nước cũng vì thế mà hết hẳn sự mặn mà với mô hình mua chung. Nên chuyện các nhà đầu tư ngoài ngành ném thêm tiền vào mô hình thông qua việc mua lại Nhóm Mua là khó có khả năng xảy ra.
Nhà đầu tư nước ngoài là lựa chọn khả dĩ nhất cho Nhóm Mua hiện tại. Với tiềm lực tài chính mạnh, các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng cao để vực dậy Nhóm Mua.
Thị trường TMĐT Việt mới chỉ đang ở thời kỳ sơ khai, nên các nhà đầu tư lĩnh vực thương mại điện tử đang rất háo hức muốn tham gia thị trường. Rất có thể, một trong những nhà đầu tư nước ngoài sẽ theo chân eBay, Rocket Internet để tiến quân vào thị trường TMĐT Việt thông qua việc mua lại Nhóm Mua.
Một tay chơi như Rocket Internet sẽ nhảy vào thị trường TMĐT Việt thông qua việc thâu tóm Nhóm Mua?
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một điều, mô hình mua chung trên thế giới cũng đang có những dấu hiệu đi xuống rõ rệt. Từ việc Amazon ghi lỗ gần như toàn bộ khoản tiền mua LivingSocial, đối thủ thứ 2 thị trường, tới việc giá cổ phiếu của Groupon cứ lẹt đẹt quanh mức 2 USD do không đề ra được hướng phát triển ổn thỏa.
Người dùng và nhà cung cấp cũng không muốn quan tâm quá nhiều tới những trang chấp nội bộ của Nhóm Mua. Cái mà họ quan tâm là quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo như thế nào.
Trả lời câu hỏi này, các nhà đầu tư của Nhóm Mua cho biết họ đang làm việc với ông Tom để có thể giải quyết quyền lợi cho các bên liên quan một cách sớm nhất.
Theo Miên Viên
GenK/TTVN