Chuyện gì đang xảy ra ở Parkson?

05/01/2015 06:59 AM | Kinh doanh

Việc kinh doanh của Parkson thê thảm trên phạm vi rộng, không chỉ ở riêng Việt Nam.

Parkson từ đâu đến?

Parkson Holding Berhad (gọi tắt Parkson) ra đời từ năm 1987, là thành viên của tập đoàn Lion tại Malaysia. Tập đoàn Lion thành lập từ năm 1930, hoạt động kinh doanh và đầu tư đa dạng trên nhiều lĩnh vực và tại nhiều nước trên thế giới ngoài Malaysia như Trung Quốc, Việt Nam, Hong Kong, Indonesia, Myanmar, Mexico, Singapore và Mỹ.

Sau hơn 27 năm thành lập, Parkson hiện có 140 trung tâm thương mại, tính đến tháng 6/2014 (trong đó 20 TTTM ở Sri Lanka là thông qua công ty liên kết). Số lượng cụ thể, 39 TTTM ở Malaysia, 57 ở Trung Quốc, 14 ở Indonesia, 9 ở Việt Nam và 1 ở Myanmar.

Tập đoàn Lion có 2 thương hiệu trung tâm thương mại bán lẻ là “Parkson” và “Centro”. "Centro" là thương hiệu TTTM tầm trung, "Parkson" là thương hiệu cao cấp. Tuy nhiên, ở Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Trung Quốc, tập đoàn này chỉ phát triển thương hiệu “Parkson”, riêng thương hiệu “Centro” thì được mở rộng ở Indonesia.

Để hiểu hơn mô hình kinh doanh của Parkson, cần phải phân định rõ, Trung tâm thương mại cao cấp của Parkson đang hoạt động tại Việt Nam và các quốc gia châu Á là một dạng của department stores (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), khác hoàn toàn với shopping mall và Complex (phức hợp mua sắm) như các TTTM của Vincom; và càng khác xa những Super Market (siêu thị thông thường) như Co-op Mart, Big C, Metro, Fivimart hay Citimart...

Dưới đây là cách phân biệt giữa Supermarket và department store:

Còn các mall hay complex (phức hợp mua sắm) sẽ bao gồm: supermarket (nơi bán hàng tiêu dùng phổ thông); department store hay plaza (siêu thị hàng hiệu); khu ẩm thực; khu giải trí (games); khu sức khỏe (gym, spa)…

Parkson đang làm ăn thế nào?

Với lĩnh vực kinh doanh chủ lực là bán lẻ, Parkson là một hình mẫu khá thành công nhờ xác lập lợi thế tuyệt đối về định vị "thương hiệu bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp".

Về nguyên tắc, một không gian "department store" như Parkson được chia làm nhiều ô khác nhau và cho thuê theo từng nhãn hàng. Mỗi nhãn hàng thuê mặt bằng và chịu trách nhiệm kinh doanh "sản phẩm đúng nhãn". Điều này cũng làm rõ sự khác biệt rất quan trọng giữa một "department store" và một "trung tâm bách hóa" hay "chợ truyền thống".

Những kinh nghiệm trong gần 3 thập kỷ qua giúp Parkson gây dựng thành công uy tín trong chuỗi cung ứng với mạng lưới nhà cung cấp, kinh nghiệm kinh doanh với các thương hiệu hàng đầu thế giới, "nuốt chửng" dễ dàng các mô hình tương tự ở địa phương, và vươn lên trở thành nhà bán lẻ cao cấp chuyên nghiệp hàng đầu ở châu Á.

Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, những con số trong báo cáo tài chính của Parkson đang xấu đi. Việc tăng trưởng doanh thu của Parkson có dấu hiệu chững lại, lợi nhuận không tăng, thậm chí suy giảm nghiêm trọng trong 3 năm gần đây.

Trong báo cáo thường niên năm tài chính gần nhất 2014 (1/7/2013-30/6/2014), Parkson ghi nhận mức lợi nhuận ròng năm 2014 chỉ đạt 139 triệu Ringgit (khoảng 40 triệu USD) giảm đến 42% so với năm trước đó. Tình hình tiếp tục tồi tệ khi số liệu mới nhất được Parkson cập nhật đầu tháng 11/2014, lợi nhuận trong quý đầu tiên của năm tài chính 2015 tiếp tục giảm đến 33%.

Nguyên nhân được Parkson đưa ra là do doanh số quá thấp ở Việt Nam và Malaysia. "Trong khi chúng tôi thấy sự tăng trưởng tại Indonesia và Myanmar, một số thị trường trọng điểm đang vấp phải nhiều khó khăn, như Malaysia và Việt Nam. Khoản lỗ chủ yếu là do chi phí từ việc xây dựng các cửa hàng mới. Tuy nhiên, việc đầu tư là cần thiết để xây dựng hệ thống của tập đoàn mạnh mẽ hơn", kết luận của CEO Parkson Toh Peng Koon trong đợt công bố kết quả kinh doanh mới đây.

Việt Nam là nơi chứng kiến mức suy giảm trầm trọng nhất của Parkson. Lợi nhuận tại Việt Nam rơi từ 4 triệu Ringgit năm 2013 xuống mức lỗ 10 triệu Ringgit năm 2014 (lưu ý: khoản lỗ này đã tính gộp với kết quả kinh doanh của TTTM ở Myanmar. Parkson Myanmar mới khai trương từ tháng 5/2013). Báo cáo tài chính quý đầu tiên năm 2015, việc kinh doanh tại Myanmar đang rất tốt, với mức tăng trưởng tới 33%.

Tình hình cũng không khá khẩm hơn khi nhìn vào các thị trường như Trung Quốc hay Indonesia, những nơi lợi nhuận từ bán hàng đồng loạt giảm đến 50% trong năm 2014.

Parkson cho biết, mức giảm trung bình mỗi TTTM là 8,2% và nếu loại bỏ bớt yếu tố ngoại tệ, mức sụt giảm sẽ là 7%. Doanh số bán lẻ của Parkson ở châu Á hiện rất đáng thất vọng.

 

[Xem thêm: Parkson gặp khó ở Việt Nam]

Parkson ở Việt Nam: Đến giai đoạn càng làm, càng "chết"?

Tại Việt Nam, trung tâm thương mại đầu tiên của Parkson được khai trương chính thức từ tháng 6/2005 tại TPHCM. Đây là lần đầu tiên một TTTM nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Năm 2006, Parkson thứ hai có mặt tại Hải Phòng. Năm 2008, Parkson bắt đầu khai trương TTTM đầu tiên tại Hà Nội. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm lại có thêm 1 trung tâm mới được khai trương tại Việt Nam (trừ năm 2014).

Sau hơn 9 năm kinh doanh tại Việt Nam, Parkson hiện có 9 trung tâm thương mại, trong đó 6 TTTM tại TPHCM, 2 tại Hà Nội và 1 tại Hải Phòng, với hơn 300 nhãn hàng thuộc phân khúc cao cấp như Coach, Christian Dior, Estée Lauder, Lancôme, Clinique, Shiseido, Gucci, Clarins, Lacoste, Guess, CK Jeans, Esprit, Levis, adidas, Nike... đến các nhãn hiệu lớn trong nước như Vera, Nino Maxx, N&M, An Phuoc…

Trong số 9 trung tâm thương mại của Parkson tại Việt Nam, có 5 đơn vị do Parkson sở hữu là Parkson Hùng Vương, Parkson Flemington, Parkson Long Biên, Parkson Viet Tower, Parkson Landmark; còn 4 trung tâm còn lại Parkson thuê lại để quản lý là Parkson Saigon Tourist, Parkson Paragon, Parkson C.T. và Parkson Cantavil. Ngoài ra, hiện vẫn còn Parkson Leman (dự án Leman CT ở đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TPHCM) chưa đi vào hoạt động theo kế hoạch năm 2014.

Giai đoạn 2005 - 2010, Parkson thu lợi nhuận từ thị trường Việt Nam khá tốt.

Điều này cũng rất dễ hiểu vì trong giai đoạn này, chỉ có một vài trung tâm bán lẻ cao cấp như Diamond, Vincom B tại TPHCM, và Vincom Tower ở Hà Nội. Thêm vào đó, Parkson chỉ có một số TTTM ở khu vực CBD (Central Business District - Quận trung tâm) như Parkson Saigon, Parkson Hùng Vương. Những địa điểm này kinh doanh hàng hiệu có sẵn "đất diễn", do thu nhập dân cư khu vực này cao hơn các khu vực khác, và tập trung nhiều người giàu hơn - đối tượng khách hàng mục tiêu của Parkson.

Từ năm 2011, việc mở rộng ra các khu vực Non – CBD (không phải khu vực trung tâm), cộng với tình hình kinh tế đi xuống, đã khiến doanh thu của Parkson tăng trưởng chậm lại. Lúc này, nhà bán lẻ đến từ Malaysia vừa phải gánh chi phí để duy trì, vừa phải lo chi phí mở thêm các trung tâm thương mại mới. Phần chi phí này sẽ càng ngày càng "ăn" vào doanh thu, khiến lợi nhuận ngày càng giảm sâu.

Đỉnh điểm của chuỗi tháng ngày dài sụt giảm lợi nhuận nói trên là năm tài chính 2014: 9 TTTM Parkson Việt Nam và 1 TTTM Parkson Myanmar (mới đi vào hoạt động từ tháng 5/2013) chứng kiến năm thua lỗ đầu tiên sau 9 năm hoạt động và khu vực thua lỗ duy nhất trong 5 quốc gia có mặt Parkson. 

Với tình hình hiện tại, Parkson càng mở rộng tại Việt Nam thì lỗ sẽ càng thêm lỗ. (* Báo cáo năm tài chính 2014 của Parkson tính dồn doanh thu và lợi nhuận kinh doanh ở Việt Nam với Myamar)

Với tình hình hiện tại, Parkson càng mở rộng tại Việt Nam thì lỗ sẽ càng thêm lỗ. (* Báo cáo năm tài chính 2014 của Parkson tính dồn doanh thu và lợi nhuận kinh doanh ở Việt Nam với Myamar)

Và điều gì đến cũng phải đến. Ngày 2/1/2015, Parkson đột ngột cho ngừng hoạt động trung tâm Parkson Landmark tại Hà Nội sau 3 năm hoạt động (từ tháng 12/2011). Theo đó, Công ty TNHH Parkson Hà Nội (do Parkson "mẹ" nắm 70% vốn góp) yêu cầu các đơn vị kinh doanh chuyển hết đồ đạc ra khỏi trung tâm trong 2 ngày 3-4/1/2015. .

Công ty TNHH Parkson Hà Nội cho biết đã cân nhắc kỹ lưỡng trước tình hình để ra quyết định đóng cửa. Lý giải cho quyết định đột ngột này, thông báo của Công ty TNHH Parkson Hà Nội có nói rằng: "Kể từ khi mở cửa năm 2011, hoạt động kinh doanh của Parkson Landmark chưa một ngày đạt được doanh thu theo như kế hoạch đề ra của chúng tôi và chúng tôi cũng nhận thấy các quầy hàng của Quý đối tác cũng đang phải chịu những khoản lỗ lớn cho đến nay”.

Động thái đầu năm mới 2015 của Parkson tại TTTM Parkson Landmark Keangnam đã khiến nhiều người bất ngờ, tuy nhiên quyết định cắt lỗ mạnh tay này là cần thiết. Bởi với đà này, mỗi ngày trôi qua, Parkson Việt Nam càng phải gánh các khoản lỗ trầm trọng hơn, chưa kể sự đe dọa từ các đối thủ mới (như Tràng Tiền Plaza hay Lotte Department Store chẳng hạn). Đóng cửa ở Keangnam mới chỉ là kế hoãn binh tạm thời, Parkson cần sớm có những kế sách hiệu quả hơn trước khi quá muộn.

>> Parkson Landmark đóng cửa đến bao giờ?

Kỳ Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM