“Chưa nhượng quyền khai thác sân bay cho doanh nghiệp ngoại”

09/04/2015 08:03 AM | Kinh doanh

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh, đề án thí điểm nhượng quyền khai thác sân bay mà Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện chỉ giành cho các nhà đầu tư trong nước.

Tại hội thảo về xã hội hóa kết cấu hạ tầng cảng hàng không sân bay do Cục Hàng không Việt Nam và Báo Lao động tổ chức sáng nay (8/4),Cục trưởng Lại Xuân Thanh khẳng định: Việc thí điểm nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc và nhà ga T1 Nội Bài chỉ thực hiện với các nhà đầu tư Việt Nam.

Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không - đơn vị được giao xây dựng đề án này cũng cho rằng, do sân bay là một “tài sản quốc gia” quan trọng nên việc để cho một tổ chức có sử dụng ngân sách nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài khai thác toàn bộ cần phải được xem xét rất cẩn trọng.

Tuy nhiên quan điểm này của các đại diện ngành hàng không lại không nhận được sự đồng thuận của giới chuyên gia.

“Trong một nền kinh tế mở, nhất là khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn, như với việc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phải thực hiện những cam kết về mua sắm Chính phủ, thì không chỉ tư nhân trong nước mà cả doanh nghiệp nước ngoài cũng có thể tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng”, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương nói.

Trong khi đó, với tư cách cá nhân, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia Trương Văn Phước tỏ ra thông cảm với sự dè dặt của cơ quan quản lý.

Theo ông Phước, bước đầu chỉ cho doanh nghiệp nội là thận trọng cần thiết nhưng về sau phải mở cửa cho nhà đầu tư ngoại.

Ông nói: “Không nên phân biệt trong hay ngoài nước. Hãy xem đây như quá trình tiếp nhận đầu tư nước ngoài như trong nhiều lĩnh vực khác”.

Từ góc nhìn của một nhà tài chính, ông Phước đánh giá chủ trương nhượng quyền khai thác sân bay là việc nên làm và là hướng đi tối ưu trong bối cảnh ngân sách phải “giật gấu vá vai”, khi mà nợ công đã ở ngưỡng cho phép 64% GDP.

Ông Phước cũng nêu quan điểm, việc lựa chọn nhà đầu tư không nên giới hạn trong các doanh nghiệp hàng không.

“Tôi không ủng hộ Tập đoàn T&T hay Sungroup - những nhà đầu tư bắt đầu lấn sân sang hàng không nhưng chưa chắc các doanh nghiệp trong ngành sẽ làm tốt hơn họ”, ông nói thêm.

Trước đó, Tổng giám đốc ACV nói rằng, một trong những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là đối tác ngoài năng lực tài chính cần có năng lực vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực để thực hiện. Theo ông Hùng, Nhà nước sẽ không chuyển giao vai trò của quản lý cho tư nhân.

“Nhà nước vẫn nắm giữ toàn bộ các hoạt động liên quan đến đảm bảo an ninh quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời. Trong trường hợp cần thiết nhà nước có quyền trưng mua, trưng dụng tài sản của doanh nghiệp để phục vụ mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng”, ông Hùng nói.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải thực hiện kế hoạch nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Nói thêm về phương thức nhượng quyền khai thác, Cục trưởng Lại Xuân Thanh liệt kê ba cách thức cơ bản: Một là theo hình thức Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý. Bằng hợp đồng này, Nhà nước và nhà đầu tư sẽ ký kết hợp đồng để quản lý, kinh doanh công trình nhượng quyền trong một thời hạn nhất định, trước mắt không quá 50 năm.

Thứ hai là thông qua chuyển đổi doanh nghiệp. Theo Cục trưởng, hiện 21 cảng hàng không đang hoạt động đều là các đơn vị hoạch toán phụ thuộc của ACV - doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Phương án này sẽ thực hiện chuyển đổi chủ sở hữu các chi nhánh cho tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác có thu tiền.

Thứ nữa là thông qua việc cổ phần hóa ACV. Đại diện Cục Hàng không cho hay, hiện bộ đang chỉ đạo ACV tập trung hoàn thành phương án cổ phần hóa để trình Thủ tướng trong tháng 4 và hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015.

“Tùy theo tỷ lệ phần vốn nhà nước Chính phủ quyết định giữ lại, phần còn lại sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư và các cá nhân. Đây là một hình thức thông dụng để tư nhân tham gia đầu tư vào kết cấu hạ tầng hàng không và đã được triển khai rộng rãi tại Việt Nam đối với lĩnh vực giao thông khác”, ông Thanh nói.

>> Khai thác sân bay Nội Bài: Cuộc đua "song mã"!

Theo Ngân Minh

Cùng chuyên mục
XEM