Chủ tịch Vietinbank nói về “ba khó” khi tham gia AEC

08/01/2016 08:26 AM | Kinh doanh

Nói về những thách thức khi các ngân hàng nội tham gia hội nhập sâu rộng vào sân chơi thế giới, hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, thừa nhận có 3 khó khăn lớn, đó là, quy mô ngân hàng còn nhỏ, khó mở rộng hoạt động ra các nước khu vực và vất vả trong việc cạnh tranh thu hút nhân tài.

Người đứng đầu Vietinbank cho biết ngân hàng cũng đưa ra và xây dựng kế hoạch trung hạn từ 2015 – 2017 để chuẩn bị cho hội nhập sâu rộng trong lĩnh vực ngân hàng.

“Ngân hàng phấn đấu đến năm 2017 là ngân hàng có quy mô tổng tài sản cao nhất, đi cùng với việc tăng vốn tự có, có đủ tiềm lực hội nhập sâu trên thị trường quốc tế. Thông qua đó có nguồn lực tốt nhất để tham gia cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng trong khu vực”, ông Thắng đặt mục tiêu.

Nói về cái “khó” thứ nhất, ông Thắng đã nhấn mạnh về sự nhỏ bé về quy mô của các ngân hàng nội so với các ngân hàng trong khu vực. Tuy nhiên, việc tăng tổng tài sản sẽ rất khó khăn nếu vốn tự có không tăng được.

“Như vậy sẽ không đảm bảo không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR). Thực tế, tổng tài sản của Vietinbank có thể tăng vượt lên, nhưng vốn tự có lại thấp. Không thể lơ là thông số này được vì đây là con số đảm bảo sự an toàn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài”, ông Thắng phân tích.

Vậy nên để hội nhập với khu vực, Vietinbank sẽ phải cố gắng phần đấu vốn chủ sở hữu đạt 3,5 tỷ USD, tương đương 70.000 tỷ VND, vào năm 2017. Có như vậy Vietinbank mới có được tiềm lực tài chính để cạnh tranh sòng phẳng với các ngân hàng trong khu vực.

“Chúng tôi cũng đặt ra kỳ vọng lớn hơn cho những năm tiếp theo và mong muốn trong thời gian sớm nhất có thể đưa vốn tự có của ngân hàng lên mức 5 tỷ USD”, ông Thắng đặt mục tiêu.

Tại sao lại phải là con số 3,5 tỷ USD cho vốn chủ sở hữu vào năm 2017, mà không phải là chỉ tiêu khác?

Có một vấn đề rất lớn đó là tiềm lực tài chính, hiện nay Vietinbank là một ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống với con số 57.000 tỷ đồng, tuy nhiên, so với ngân hàng khu vực chúng ta lại chưa đạt.

Một ngân hàng có quy mô trung bình ở khu vực Đông Nam Á vốn chủ sở hữu của họ dao động ở mức 3 – 5 tỷ USD, tức là 70.000 – 100.000 tỷ VND.

Với điều kiện đó thì Vietinbank có hoàn toàn có khả năng, sức mạnh điều kiện, tiềm lực để hội nhập khu vực cũng như quốc tế thành công vào năm 2017.

Ngân hàng cũng có sự giúp đỡ về công tác quản trị rủi ro, điều hành từ 2 cổ đông chiến lược nước ngoài là IFC và Ngân hàng Nova Scotia.

Vậy cái “khó” thứ hai mà ông muốn đến là gì?

Việc tham gia AEC sẽ là cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội sẽ nhiều hơn thách thức.

Từ năm 2014 Vietinbank đã triển khai nghiên cứu tác động và thách thức đặt ra với ngành ngân hàng khi tham gia AEC. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có hai tác động khi tham gia hội nhập.

Thứ nhất, đó là khách hàng của ngân hàng được gì, gặp những thách thức như thế nào, cơ hội cho khách hàng doanh nghiệp của ngân hàng như thế nào, hộ kinh doanh sẽ chịu tác động ra sao?...

Thứ hai là ngân hàng sẽ chịu tác động thế nào khi tham gia AEC? Qua nghiên cứu, Vietinbank thấy có những thách thức khi mở rộng hoạt động kinh doanh, mở rộng chi nhánh, cung cấp dịch vụ ra thị trường.

Khi thành lập thị trường chung như vậy thì các ngân hàng trong khu vực được quyền cung cấp các sẩn phẩm dịch vụ không giới hạn cho khách hàng.

Trước đây, các khách hàng này đang hoạt động tại Việt Nam thì họ vay vốn, quan hệ, sử dụng dich vụ của các ngân hàng, trong đó có Vietinbank, vì họ chưa có chi nhánh, ngân hàng con tại Việt Nam.

Khi hình thành thị trường chung được hình thành, họ được quyền cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà không bị giới hạn bởi phạm vi lãnh thổ như trước đây.

Ông có thể nói rõ hơn về việc khó mở rộng kinh doanh, sản phẩm dịch vụ ra thị trường khu vực. Có thể hiểu ý này như thế nào?

Với thị trường Lào, từ năm 2011 đến nay, Vietinbank tại Lào có quy mô và chất lượng hiệu quả nâng lên đáng kể. Năm 2015, đơn vị này có đóng góp rất lớn về tài chính cho Vietinbank. Hầu hết các doanh nghiệp, cá nhân đang triển khai dự án tại Lào đều là khách hàng của ngân hàng con của Vietinbank tại Lào.

Tuy nhiên, với thị trường khác lại không đơn giản. Ví như với thị trường Myanmar. Hiện Vietinbank đã có văn phòng đại diện ở thị trường này, nhưng chính sách ở Myanmar rất khác và bó hẹp. Không phải muốn mở là mở được mà họ có chính sách đấu giá giấy phép thành lập, trong đó có việc đấu giá giấy phép thành lập ngân hàng.

Đấu giá liên quan đến mức giá đặt ra để mua giấy phép ngân hàng. Cơ chế này bắt đầu từ năm 2015 thực hiện đấu giá giấy phép cho ngân hàng nước ngoài vào với quy định rất ngặt nghèo. Nếu đấu giá với mức giá thành công thì mỗi một quốc gia chỉ được chọn tối đa là một ngân hàng để Myanmar cấp giấy phép.

Với Việt Nam, năm 2015, các ngân hàng thống nhất là giành cho BIDV đấu giá nhưng cuối cùng cũng không thành công.

Với tình hình như thế, năm 2016 Myanmar cũng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đấu giá giấy phép. Vietinbank cũng muốn thành lập chi nhánh ở đó nhưng nếu không có gì thay đổi thì vẫn sẽ nhường cho BIDV đấu giá trước, còn Vietinbank thì chậm mấy năm nữa.

Vậy còn cái “khó” cuối cùng mà ông muốn đề cập là vấn đề gì?

Một vấn đề quan trọng đó là cạnh tranh, thu hút nhân tài sẽ đặt ra với ngành ngân hàng.

Hiện nay chúng ta đã rất vất vả để cạnh tranh thu hút nhân sự đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Giờ họ có thêm điều kiện hiện diện ở thị trường trong nước thì sẽ khó khăn lớn hơn cho các ngân hàng Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Theo Trần Giang

Cùng chuyên mục
XEM