Chợ Việt khó "lên lầu"
Những ngày qua, thông tin chợ Tân Bình sẽ bị đập bỏ để thay thế vào đó là một trung tâm thương mại (TTTM) hiện đại và một ngôi chợ 6 lầu với tổng vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng khiến nhiều tiểu thương lo lắng. Bởi vì đã có quá nhiều những ngôi chợ "lên lầu" TTTM nhưng không hiệu quả, đành phải chuyển đổi công năng.
Sau Văn Thánh đến Tân Bình?
Hơn tuần qua, tiểu thương chợ Tân Bình đứng ngồi không yên vì kế hoạch phá bỏ chợ hiện hữu để xây TTTM. Theo kế hoạch mà UBND Q.Tân Bình đưa ra, khu đất gần 25.000m2 của chợ Tân Bình hiện tại sẽ được đập phá và thay vào đó là một TTTM 17 tầng (ở phía trước) cùng một ngôi chợ khang trang với 6 tầng lầu trang bị thang cuốn, thang máy, máy lạnh...
Công trình dự kiến bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 5/2016 và hoàn thành vào tháng 11/2018. Ngày 23/9, UBND Q.Tân Bình đã họp lấy ý kiến tiểu thương nhưng 300 thương nhân đại diện cho 3.000 hộ kinh doanh buôn bán ở đây đều đồng loạt phản đối.
Thậm chí, một số tiểu thương còn giăng cờ, biểu ngữ phản đối đi vòng quanh khu vực chợ Tân Bình. Lý do mà tiểu thương đưa ra là phương án xây chợ cao tầng là bất hợp lý, không khả thi. Ngày 29/9, UBND Quận Bình Tân đã quyết định tạm ngưng triển khai xây dựng TTTM này.
Chợ Tân Bình được xây dựng kiên cố với 1 tầng trệt và 2 tầng lầu vào năm 1982. Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất của TP.HCM. Thế nhưng, từ nhiều năm nay, hai tầng lầu của chợ để trống vì khách hàng... không chịu lên lầu.
TP.HCM hiện có 25 TTTM, 82 siêu thị và 240 chợ. Theo chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 vừa mới được UBND TP.HCM phê duyệt, sẽ có thêm 43 siêu thị, 92 TTTM. Những năm tới, khu vực quận 1 sẽ tập trung nhiều siêu thị và TTTM nhất với 23 siêu thị và 24 TTTM, quận 5 có 31 TTTM.
Vì vậy, khi Q.Tân Bình thông báo kế hoạch xây chợ mới với 6 tầng lầu thì tất cả tiểu thương của chợ đều phản đối và càng không đồng tình việc xây dựng TTTM.
Lý do cơ bản nhất là "chợ xây lầu cho đẹp chứ không hiệu quả.Thực tế tại chợ Tân Bình và những chợ xây lầu như Văn Thánh, An Đông đã cho thấy điều đó. Nhiều năm liền, cả chợ An Đông và Văn Thánh chỉ hoạt động ở tầng trệt còn những tầng lầu gần như bị bỏ hoang".
Theo tiểu thương chợ Tân Bình, chỉ nên sửa lại chợ trên nền cũ và họ sẵn sàng bỏ tiền ra cùng làm với Nhà nước để chợ khang trang sạch đẹp hơn.
Trước chợ Tân Bình, chợ Văn Thánh cũng đã được đập phá để xây TTTM. Vốn là một ngôi chợ nhỏ nhưng vào năm 1994, UBND Q. Bình Thạnh cho xây dựng lại chợ Văn Thánh gồm 4 tầng lầu tại khu cửa ngõ vào TP.HCM. Tưởng là sau khi được xây dựng bề thế, chợ sẽ thu hút tiểu thương và khách mua sắm.
Thế nhưng, ngược với suy tính, chợ càng ngày càng vắng và đặc biệt là các tầng lầu không có khách hàng ghé mua. Không bán được hàng, tiểu thương "bỏ chợ" hơn một nửa. Từ đó, chợ Văn Thánh ngày càng... thanh vắng. Năm 2011, Q.Bình Thạnh quyết định thay đổi công năng chợ Văn Thánh bằng dự án khu phức hợp, căn hộ, TTTM, văn phòng cho thuê SSG Tower.
Hiện tại, những tiểu thương còn lại của chợ Văn Thánh bán tại một ngôi chợ nhỏ phía trong, cách chợ cũ vài trăm mét còn dự án SSG Tower sắp hoàn thiện và đang quảng bá để thu hút khách đầu tư.
Cùng thời điểm với chợ Văn Thánh, Q.Bình Thạnh cũng đã từng đưa ra phương án "biến" chợ Thanh Đa thành TTTM 16 tầng nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của tiểu thương. Không biết, do chủ đầu tư nản chí trước sự phản ứng của tiểu thương hay vì lý do nào khác mà đến nay, chợ Thanh Đa chưa bị "khai tử" và tiểu thương vẫn gắn bó dù ngôi chợ cũ đã xuống cấp.
SSG Tower thay thế chợ Văn Thánh
Có nên thay chợ bằng TTTM?
Trong "văn hóa chợ" của người Việt, không có chỗ cho những chợ có lầu. Người đi chợ ngại phải leo lầu cao, bởi thế mà hầu hết các chợ xây lầu đều chỉ hoạt động "xôm tụ” ở tầng trệt. Ngay như chợ An Đông, sau khi di dời tiểu thương vào khu TTTM phía bên kia đường Hùng Vương thì khách đi chợ thưa hẳn.
Còn TTTM An Đông do Công ty Vạn Thịnh Phát đầu tư gần chợ An Đông cũng không mấy nhộn nhịp. Mới đây, nhiều khách thuê của TTTM này đã phản ứng vì chủ đầu tư thông báo sẽ không tặng thêm hai năm cho khách thuê như đã từng hứa trước đó.
Một trong những lý do chủ đầu tư đưa ra là người bán đã vi phạm hợp đồng khi đóng cửa trước 21g như thỏa thuận. Trong khi đó, theo nhiều tiểu thương, rất khó để đóng cửa muộn khi đến tầm 19g là đã hết khách mua!
Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây chợ có tầng lầu là một thất sách, xây chợ kết hợp TTTM càng không khả thi. Không chỉ ở TP.HCM mà nhiều địa phương khác như Hà Nội, Lâm Đồng... cũng vấp phải sự thất bại này. Điển hình là chợ Hàng Da.
Chợ "lên đời" TTTM từ năm 2010 với 500 tiểu thương nhưng đến thời điểm hiện tại chỉ còn vài chục hộ. Những chợ chuyển đổi công năng khác cũng gặp trường hợp tương tự. Trước thất bại này, mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã kiến nghị UBND Hà Nội dừng mô hình chợ - TTTM.
Không chỉ những TTTM chuyển đổi từ chợ hoạt động kém hiệu quả mà ngay cả những TTTM hiện đại do những nhà đầu tư chuyên nghiệp vận hành nhưng hiệu quả không cao. Thương hiệu Pico từng gây ồn ào khi "Nam tiến" bằng khu phức hợp Pico Plaza trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) vào đầu năm 2013.
Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 năm hoạt động (tháng 3/2014), nhà đầu tư này đã chuyển nhượng mặt bằng cho Lotte. Hiện tại, siêu thị Lotte Mart đang để bảng "Open soon". Không chỉ có Pico, hai TTTM khác là Thiên Sơn Plaza và Premium Outlet cũng đã đóng cửa trong năm 2013 vì không có khách thuê.
Ngay như TTTM của nhà đầu tư chuyên đến từ Malaysia là Parkson cũng sụt giảm doanh số gần một nửa trong năm này, buộc nhà đầu tư tính đến chuyện tái cấu trúc toàn bộ hoạt động.
>> Những phiên chợ độc đáo nhất Sài Gòn
Theo Hồng Nga