Chăn nuôi gia cầm: Lộ diện thách thức

04/09/2015 09:52 AM | Kinh doanh

Những thách thức khi hội nhập đã bắt đầu lộ diện khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Thấy rõ nhất là ngành chăn nuôi (CN) gia cầm trong thời gian qua.

Gà Mỹ tràn lan thị trường

Từ cuối năm 2014 đến nay, lượng nhập khẩu, đặc biệt là nhập từ Mỹ về Việt Nam tăng mạnh.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), 7 tháng qua, có đến 93.404 tấn thịt gia súc, gia cầm đông lạnh (thịt trâu, bò, heo, gà, cừu) nhập khẩu vào Việt Nam, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều đáng nói là có đến 45.651 tấn thịt gà nhập từ Mỹ và trong đó, số lượng đùi gà chiếm đến gần 98% với 44.235 tấn.

Không chỉ nhập về số lượng lớn mà giá gà Mỹ giảm mạnh, cạnh tranh trực diện với gà Việt Nam. Nếu như năm 2014, Việt Nam nhập về hơn 80.000 tấn gà với giá từ 1,2 - 2,2 USD/kg thì hiện nay, giá gà nhập về từ Mỹ chỉ còn 0,65 - 1 USD/kg.

Với tỷ giá USD/VND như hiện nay thì một ký đùi gà Mỹ nhập về chỉ khoảng trên dưới 20.000 đ/kg, bằng một nửa giá gà trong nước và bằng 1/4 so với giá bán tại Mỹ.

Nếu trừ toàn bộ chi phí (giết mổ, cấp đông, vận chuyển về, thuế...) thì giá đùi gà Mỹ tại Việt Nam đang... có vấn đề.

Các doanh nghiệp (DN) CN và giết mổ gia cầm cho biết, hiện nay, giá đùi gà tại Mỹ đang ở mức 70.000 - 80.000đ/kg, vậy vì sao gà nhập từ nước này lại có giá quá rẻ?

Phải chăng các DN Mỹ bán hàng cận date hoặc hàng "chạy cúm" vì từ năm 2014 đến nay, nước này đối diện với nạn cúm gia cầm?

Nghi vấn này cũng có lý vì theo một chuyên gia trong ngành kho lạnh thì với hàng đông lạnh, các DN có thể dễ dàng "mạ băng" và đóng nhãn mác mới cho sản phẩm.

Với những nghi vấn này, nhiều DN Việt Nam đã cùng các hiệp hội CN kiến nghị lên Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT xem xét, điều tra việc có hay không tình trạng bán phá giá thịt gà Mỹ tại Việt Nam.

Từ tháng 5/2015, Bộ NN&PTNT đã cho ngừng nhập thịt gà từ Mỹ vì nước này có dịch cúm gia cầm. Thế nhưng trên thực tế, đùi gà Mỹ vẫn bán tràn lan trên thị trường. Và hiện các DN trong nước đang đối diện với áp lực cạnh tranh khủng khiếp từ gà nhập từ nước này.

Theo chia sẻ của các DN CN, giá gà lông của Việt Nam về nhà máy giết mổ là 27.000đ/kg, sau khi giết mổ (tỷ lệ thu hồi thịt là 75%) cộng với chi phí thú y, giá gà phải là 37.000đ/kg. Nếu muốn có lãi, DN phải bán ra với giá trên 40.000đ/kg.

Vậy nhưng trước sức ép của gà Mỹ, các DN CN trong nước đã chịu lỗ đến 5.000 - 6.000đ/kg gà thịt. Theo tính toán của Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, với mức lỗ này, 11 tháng qua, các DN và hộ CN gà Việt Nam thiệt hại đến 62,3 triệu USD khi lượng gà Mỹ tràn về.

Ngành chăn nuôi gà sụp đổ?

Dù đã chịu lỗ nhưng rất khó để bán được hàng, vì thế, nhiều DN chọn cách cấp đông chờ thị trường lên nhưng điều này không dễ thực hiện vì hầu như các kho đông lạnh đều đã kín... gà nhập.

Chia sẻ tại hội nghị về CN gà mới đây, ông Phạm Minh Báu - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai cho rằng, nếu tiếp tục sản xuất trong tình trạng này, có thể DN sẽ phá sản trong những tháng tới.

Và như vậy, với 5.000 trang trại CN gà công nghiệp trong cả nước, khi ngành mất lợi thế cạnh tranh từ gà nhập thì 15.000 nông dân mất việc và đi kèm với đó là hàng loạt hệ lụy khác như nhà máy chế biến thức ăn gia súc, nhà máy giết mổ, thú y... phải đóng cửa.

Theo các chuyên gia trong ngành, hiện nay, ngành CN gà trong nước đang lép vế trước các đối thủ nước ngoài và có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng nội.

Cụ thể, mặc dù chất lượng con giống thấp nhưng giá gà giống ở Việt Nam lại cao, ở mức 0,6 USD/con trong khi ở Thái Lan giá chỉ bằng một nửa.

Và do con giống chất lượng thấp nên để có gà thịt đáp ứng yêu cầu thị trường, DN phải tăng chi phí thức ăn CN nhưng chi phí này phần nhiều phải vay ngân hàng với lãi suất cao.

Đã vậy, việc liên kết sản xuất tại Việt Nam vẫn chưa được thực hiện nên DN CN phụ thuộc vào thương lái nên dễ bị ép giá khi "dội chợ".

Nhiều DN lo ngại ngành CN gia cầm sẽ khó trụ vững khi hiện nay đã có nhiều dòng thuế chạm mức bằng 0 khi các hiệp định thương mại (FTA với Hàn Quốc, FTA với châu Âu) có hiệu lực.

Đến cuối năm nay, khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập và tiếp sau đó là FTA ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản... thì gà nội không chỉ cạnh tranh với gà nhập từ các nước trong khu vực mà còn chịu áp lực bởi gà thịt của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu...

"TPP vẫn trong vòng đàm phán mà gà Mỹ đã tràn lan thị trường như thế thì sắp tới đây, nếu hiệp định thương mại này được ký kết không biết gà Mỹ sẽ vào Việt Nam nhiều như thế nào và DN Việt phải khó khăn ra sao", một DN chăn nuôi lo lắng.

Một trong những điểm yếu của ngành CN nước ta là sản xuất nhỏ lẻ, lệ thuộc vào nhập khẩu, ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm thấp, liên kết lỏng lẻo dẫn đến năng suất thấp, khả năng cạnh tranh yếu và vì thế không có nhiều lợi ích trong thương mại.

Đã vậy, cho đến nay, vấn đề truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm CN vẫn chưa được các DN triển khai thành công nên việc cạnh tranh với các thành viên trong các FTA là rất khó.

Để thoát khỏi tình trạng trên, ông Phạm Minh Báu, cho rằng, cần có sự liên kết giữa các hiệp hội CN, các sở, ban ngành và DN thành một chuỗi để bảo vệ DN.

Song song đó, phải kiểm soát chặt lượng gia cầm nhập khẩu. "Có như vậy, các DN CN mới có thể tồn tại và ngành CN gà của Việt Nam mới không sụp đỗ”, ông Báu nói.

Theo Minh Hào

Cùng chuyên mục
XEM