Câu chuyện xuất khẩu sản phẩm âm nhạc ra toàn thế giới của Hàn Quốc

11/08/2012 08:30 AM |

Cứ 100USD sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc được xuất khẩu; sẽ có khoảng 395USD sản phẩm công nghệ thông tin như điện thoại di động hay hàng điện tử được xuất theo.

Marcia Tianadi, một sinh viên ngành tài chính tại Indonexia, bắt đầu nghe nhạc pop Hàn Quốc (K-pop) từ tháng 11/2011 sau khi được bạn bè giới thiệu về loại nhạc này.

Cô sinh viên tài chính 20 tuổi không hiểu tiếng Hàn Quốc nhưng lại nghe nhạc Hàn nhiều hơn bất kỳ loại nhạc nào khác, kể cả nhạc pop của các ca sỹ, nhóm nhạc phương Tây, thể loại nhạc cô từng rất ưa thích.

Dù một số bài nhạc pop của nhóm nhạc Hàn Quốc có cả bản tiếng Anh, Tianadi cho biết cô vẫn thích bản tiếng Hàn hơn dù khi nghe cô gần như không hiểu gì.

Cô chỉ là một trong số nhiều triệu người hâm mộ nhạc K-pop trên toàn thế giới. Rào cản về ngôn ngữ không ngăn cản họ thưởng thức âm nhạc đến từ đất nước đang vươn lên trở thành cường quốc âm nhạc của thế giới.

Được hỗ trợ bởi hệ thống âm thanh tổng hợp cực chuẩn, quần áo, trang phục được chuẩn bị và chọn lựa kỹ càng, nghệ thuật làm video tốt, nhiều nhóm nhạc pop Hàn Quốc như Girls’ Generation, Big Bang và 2NE1 luôn khiến khán giả hài lòng với màn trình diễn của họ. Thành viên trong nhóm luôn được tuyển chọn gắt gao.

Những chàng trai, cô gái được “sản xuất” theo công nghệ của nền âm nhạc Hàn Quốc đang khiến nhiều người hâm mộ trẻ tuổi trên khắp thế giới “phát điên”. Bài hát của họ thường xuyên xuất hiện trên các bảng xếp hạng âm nhạc khu vực và thế giới. Hình ảnh của họ thậm chí còn được đưa lên tem của Hàn Quốc.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan sáng tạo nội dung Hàn Quốc (KOCCA), cơ quan trực thuộc chính phủ chịu trách nhiệm xúc tiến các sáng tạo văn hóa, doanh thu của ngành công nghiệp âm nhạc nước này năm 2011 lên tới 3,4 tỷ USD.

Tổng giá trị sản phẩm âm nhạc “xuất khẩu” của Hàn Quốc năm 2011 đạt 180 triệu USD, tăng 112% so với năm 2010. Mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm của ngành này ở trên mức gần 80%/năm suốt từ năm 2007.

Nhóm nhạc Hàn Quốc SuperJunior

Ông Sun Jung, giáo sư tại đại học quốc gia Singapore (NUS), người nghiên cứu về sự trỗi dậy của văn hóa Hàn Quốc tại châu Á suốt từ năm 2003, khẳng định không có gì ngạc nhiên khi hiện tượng K-pop tăng trưởng chóng mặt như vậy trên toàn cầu, yếu tố hỗ trợ chính là truyền thông xã hội.

Ông nói: “Người ta có thể chia sẻ với nhau để cùng thưởng thức văn hóa nhạc pop từ nước ngoài dễ dàng hơn. Cần lưu ý đến sự thật rằng nhạc pop Hàn Quốc được chuộng cả tại Nam Mỹ và nhiều nước châu Âu. Mạng Internet và công nghệ truyền thông xã hội đã giúp cho mọi chuyện được dễ dàng hơn.”

Người hâm mộ K-pop trên khắp thế giới chủ yếu sử dụng mạng xã hội dể theo dõi thông tin về ban nhạc mà họ ưa thích. YouTube mới đây công bố con số gây kinh ngạc; năm 2011, các video clip nhạc pop Hàn Quốc được xem đến 2,3 tỷ lần. Con số đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010.

Giới điều hành công ty âm nhạc Hàn Quốc đang tìm thêm nhiều cách để quảng bá cho nhạc Hàn và thu hút thêm đối tượng người hâm mộ. CEO của công ty âm nhạc lớn nhất Hàn Quốc cho biết các nhà sản xuất đang tuyển dụng thêm nghệ sỹ nước ngoài để có thêm người hâm mộ.

Ông nói: “Có một ca sỹ Thái Lan trong ban nhạc 2PM, anh này rất nổi tiếng ở Thái Lan. Chúng tôi đang mở rộng tìm kiếm thêm ca sỹ từ nhiều nước khác. Thời gian gần đây, chúng tôi đã thu âm bài hát bằng tiếng Anh, Hàn Quốc và Nhật và cố gắng có sản phẩm riêng cho từng thị trường.”

Trên phương diện kinh tế, tăng trưởng của K-pop bên ngoài biên giới nước này càng củng cố thêm uy tín cho Hàn Quốc trong vai trò nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Ông Choon Keun Lee, tổng giám đốc của KOCCA, khẳng định sản phẩm nhạc pop Hàn Quốc xuất khẩu đang gây ra hiệu ứng tốt giúp tăng xuất khẩu hàng tiêu dùng của nước này.

Ông Lee chỉ ra: “Nghiên cứu đã cho thấy rằng cứ 100USD sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc được xuất khẩu; sẽ có khoảng 395USD sản phẩm công nghệ thông tin như điện thoại di động hay hàng điện tử được xuất theo. K-Pop đang trở thành biểu tượng cho Hàn Quốc.”

Ngọc Diệp

ngocdiep

Cùng chuyên mục
XEM