Câu chuyện về chiếc Mũ cao bồi – Biểu tượng nước Mỹ nơi miền Tây hoang dã
Chẳng kém cạnh các nàng duyên dáng, các quý ông cũng là đối tượng khách hàng được nhiều hãng mũ nổi tiếng đặt nhiều niềm tin và đầu tư thiết kế với nhiều kiểu dáng, mẫu mã vô cùng phong phú, đa dạng.
Những người yêu mũ có lẽ cũng không quá xa lạ với nhà Stetson- một trong những thương hiệu hàng đầu của Mỹ với truyền thống hơn 150 năm tuổi.
Mũ Stetson được đặt theo tên của người sáng tạo ra nó – ông John B. Stetson, sinh năm 1830 tại New Jersey, Mỹ và là con áp úp của một gia đình có truyền thống làm mũ gồm 13 người con.
Từ khi còn nhỏ, John B Stetson đã được định hướng theo nghề làm mũ của cha (ông Stephen Stetson) cho đến khi được bác sĩ chuẩn đoán mắc bệnh lao và chỉ có thể sống được thêm vài năm tuổi trẻ trước khi từ giã cõi đời.
Không còn cách nào khác ngoài chấp nhận sự thật nghiệt ngã, Stetson quyết định rời quê hương và nghề làm mũ để dành cơ hội cuối đời khám phá Miền Tây nước Mỹ.
Cuối cùng, ông dừng chân tại St. Joseph, Missouri- một trạm thông thương buôn bán đồ nghề (giầy, mũ, áo…) cho những kẻ đi tìm vàng tại Pike's Peak và miền viễn Tây.
Vào những năm 1860, do không thể nhập ngũ trong cuộc chiến tranh dân sự vì quá ốm yếu, Stetson lao mình vào cuộc thám hiểm Pike's Peak của những kẻ đi tìm vàng và thật bất ngờ sức khoẻ của ông ngày càng được cải thiện.
Trong khi lặn lội đường trường, ông cùng một số người thiết kế ra những tấm lều trú ẩn không thấm nước bằng cách khâu những miếng da từ động vật mà ông và đồng đội săn bắt được cùng với việc áp dụng những kỹ thuật làm mũ phớt của cha truyền lại.
Ông cũng tự tạo cho mình chiếc mũ để chống chọi với những cơn mưa như trút và cái nắng thiêu đốt nơi hoang dã. Chiếc mũ ông tạo ra đó có thể coi là phiên bản đầu tiên của những chiếc mũ Miền tây mà sau này đã đi vào huyền thoại của thương hiệu Stetson, và trở thành vật bất li thân của những người đi đào vàng.
Sau một năm thử tìm vận may đào vàng tại Pike's Peak, Stetson rời đến Philadelphia vào năm 1865, thuê một căn phòng nhỏ và thành lập công ty John B. Stetson chỉ với vẻn vẹn 100 đô la làm vốn liếng mua dụng cụ và da thuộc.
Ảnh một người đàn ông bộ lạc Apache mang mũ Boss of the Plains
Sau một vài mẫu mũ thiết kế không thành, Stetson đã sáng tạo ra kiểu mũ vành to với chóp mũ cao 10cm và vành rộng 10cm.
Khi phát minh mới không được người Miền Tây đón nhận, ông đã tìm cách mang tiếp thị sản phẩm của mình sang phía Tây Nam nước Mỹ, nơi nó nhanh chóng được chào đón và được mệnh danh là “Boss of the Plains”.
Stetson vẫn bền bỉ theo đuổi nghề mũ và liên tục nhận được những đơn đặt hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Sau khi Stetson qua đời năm 1906 ở tuổi 76, công ty của ông vẫn không ngừng thịnh vượng. Vào năm 1915, công ty sở hữu khoảng 25 nhà xưởng, thuê tổng cộng khoảng 5.400 nhân công và sản xuất khoảng 3.336.000 chiếc mũ mỗi năm.
Dù đã qua đời nhưng những sáng kiến của ông vẫn được truyền đến tận ngày nay. Những người thừa kế của ông lần lượt cho ra đời những chiếc mũ đã đi vào huyền thoại như mũ quả dưa, mũ phớt mềm, mũ nỉ mềm và đặc biệt là mũ cao bồi nổi tiếng.
Không chỉ sản xuất mũ cho các quý ông, Stetson cho ra đời chiếc mũ dành cho nữ đầu tiên vào năm 1930. Sau đó ông liên tục giới thiệu những bộ sưu tập với mẫu mã, kiểu dáng quyến rũ và thời thượng như mũ nồi, mũ ba sừng hay mũ chuông.
Tom Mix – ngôi sao đóng vai cao bồi đầu tiên của Hollywood
Sau những thăng trầm của ngành công nghiệp mũ thế giới, Stetson vẫn trụ vững và bền bỉ chinh phục từ những đối tượng khách hàng bình thường cho đến những siêu sao của Hollywood (Gene Autry, James Dean, John Wayne, Roy Rogers,…) khi liên tục xuất hiện trong các bộ phim nổi tiếng như Indiana Jones hay Urban Cowboy…
Elvis Presley đội mũ của Stetson trong phim Charro
Xưởng sản xuất mũ chính của Stetson được đặt tại Garland thuộc bang Texas Mỹ. Trong ngành công nghiệp mũ của Mỹ nói riêng, mũ Stetson vẫn thường được lấy làm tiêu chuẩn bởi nó chính là tinh thần của miền Tây và là biểu tượng của phong cách Mỹ.