Becamex IDC - "Cheabol" của Bình Dương
So với các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết, quy mô tài sản của Becamex IDC chỉ xếp sau Vingroup.
Những năm thập niên 90, Hàn Quốc nổi lên là một nền kinh tế mạnh ở châu Á, nổi tiếng với những “chaebol”- thường được gọi là các tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước. Còn ở Việt Nam cũng có những tổng công ty 90, 91.
Tổng Công ty Becamex IDC cũng có thể coi là một “chaebol” của tỉnh Bình Dương. Vậy, sự hùng mạnh của Becamex đến từ đâu?
Từ nông sản tới trụ cột kinh tế Bình Dương
Thành lập năm 1976, tiền thân của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC Corp là Công ty Thương Nghiệp Tổng Hợp Bến Cát (Becamex), hoạt động kinh doanh chính là thu mua nông sản.
Sau khi tỉnh Sông Bé được chia tách thành tỉnh Bình Dương và Bình Phước, Becamex nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp nhà nước chủ lực của tỉnh Bình Dương. Becamex cũng dần dịch chuyển sang lĩnh vực đầu tư bất động sản, hạ tầng giao thông, khu công nghiệp…
Năm 2010, Becamex được chuyển đổi sang mô hình Tổng Công ty và bắt tay vào thực hiện Dự án đầy tham vọng Thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công Nghiệp – Đô Thị - Dịch Vụ Bình Dương.
Khi đó nhiều người đã hoài nghi về tham vọng này khi những mục tiêu được đặt ra quá hoành tráng, đó là 125.000 người chuyển về Thành phố mới Bình Dương định cư, 400.000 người thường xuyên làm việc và đặc biệt là lấy đâu 10 tỷ USD để hoàn thành dự án đúng tiến độ vào 2020.
Đến nay, nhiều hạng mục nằm trong siêu dự án này đã được đưa vào sử dụng cùng rất nhiều hạng mục khác đang triển khai. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết theo quy hoạch đến năm 2020 Bình Dương sẽ là thành phố trực thuộc trung ương. Khi đó, khu vực dự án TP Mới Bình Dương sẽ là quận trung tâm.
Không chỉ dừng lại ở bất động sản, chiến lược của Becamex là tiếp tục mở rộng đa ngành nghề và có tầm ảnh hưởng đặc biệt đến sự phát triển của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung. Như một lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã từng cho rằng, nếu không có Becamex IDC làm đầu tàu, bao sân thực hiện thì các dự án trọng điểm của tỉnh thời gian qua sẽ khó thành công.
Điều này cho thấy, Becamex IDC được xem như “chaebol” Bình Dương, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp và bất động sản. Các khu công nghiệp mà tổng công ty này đầu tư hoặc hợp tác đầu tư tại Bình Dương đã thu hút hơn 10 tỷ USD.
Bên cạnh lĩnh vực bất động sản - hạ tầng, Becamex còn đầu tư vào nhiều lĩnh vực phụ trợ như đại học, bệnh viện, dược phẩm, công nghệ thông tin, vật liệu xây dựng…
Trong lĩnh vực tài chính, hiện Becamex đang sở hữu 37% cổ phần của Chứng khoán Đệ Nhất (FSC) và 20% cổ phần của Bảo hiểm Hùng Vương. Becamex từng nắm giữ cổ phần lớn tại ngân hàng Phương Nam nhưng hiện đã thoái hết vốn khỏi ngân hàng này.
Tính đến 30/6/2014, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Becamex đạt lần lượt là 33.110 tỷ và 7.600 tỷ đồng. Hai công ty con đang niêm yết của Becamex là Becamex IJC và Becamex TDC cũng đều có quy mô tài sản trên 6.000 tỷ.
Xét về quy mô tài sản, Becamex chỉ đứng sau Vingroup trong số các doanh nghiệp bất động sản – hạ tầng đang niêm yết.
Trong năm 2015, tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ cổ phần hóa Becamex cùng với Tổng Công ty Thanh Lễ (Thalexim). Sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ giữ 75% vốn tại 2 doanh nghiệp này.
“Trùm” địa ốc đất thủ
Becamex IDC đang là chủ đầu tư hoặc hợp tác đầu tư rất nhiều dự án bất động sản lớn, phát triển đồng thời tại cả 2 mảng lớn Khu công nghiệp và Khu đô thị.
Trong lĩnh vực phát triển khu đô thị, tham vọng lớn nhất là Dự án Thành phố mới Bình Dương có quy mô tới 1.000ha, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 10 tỷ USD.
Các dự án lớn khác có thể kể đến như Trung tâm thương mại và đô thị Mỹ Phước, Khu liên hợp đô thị Becamex Thuận An… với quy mô mỗi dự án lên đến hàng trăm héc ta.
Becamex hiện là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, với các dự án đã phát triển bao gồm Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương, Khu công nghiệp Mỹ Phước 1-2-3, Khu công nghiệp Bàu Bàng, Khu công nghiệp Becamex – Bình Phước và góp vốn với Sembcorp Industries thành lập Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP).
VSIP là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của Becamex. Hiện liên doanh này đang vận hành 5 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch lên đến gần 5.500 ha cùng một số khu đô thị - dịch vụ.
Năm 2012, Becamex rót 3.010 tỷ đồng cùng với Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản thành lập liên doanh triển khai Dự án Khu đô thị mới Tokyu Bình Dương có tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, quy mô 110ha cung cấp khoảng 7.500 căn hộ, các khu văn phòng, dịch vụ, thương mại,...
Các công ty con của Becamex như Becamex IJC, Becamex TDC… cũng đang triển khai rất nhiều dự án thành phần trong các “siêu dự án” của hệ thống Becamex.
Một dự án thu hút rất nhiều sự chú ý của Becamex trong thời gian gần đây là xây dựng số lượng lớn nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp tại Bình Dương. Mục tiêu xây dựng khoảng 64.000 căn, có tổng mức đầu tư 10.830 tỷ. Đến nay đã hoàn thành 5.000 căn đầu tiên có giá trung bình 100 triệu đồng mỗi căn.