Bán hàng đa cấp: Vỡ mộng làm giàu kiểu Mỹ (P1)

10/01/2013 21:57 PM | Kinh doanh

Mỹ là đất nước cha đẻ của mô hình kinh doanh đa cấp, nhưng ở đất nước này cũng đang có những tranh cãi gay gắt về tính đúng đắn cũng như cách quản lý sao cho mô hình này không trở thành trò lừa đảo người tiêu dùng.

Phần I - Bán giấc mơ Mỹ: Hứa hẹn lớn, thất vọng nhiều

Tất cả những gì người mẹ trẻ Nicole Lopez muốn là theo đuổi giấc mơ làm giàu và tìm cơ hội được làm việc ở nhà để chăm sóc cho lũ trẻ. Thế nhưng, cuối cùng giấc mơ cô tìm thấy hoá ra là cơn ác mộng và còn mất thêm hàng ngàn USD khi đi bán những sản phẩm giảm cân, bổ sung dinh dưỡng của Herbalife.

Không muốn đi thuyết phục thêm những người khác cùng bước chân vào con đường giống mình, cô đã từ bỏ công việc sau 11 tháng và mất 10.000 USD tiền đầu tư.

“Nếu bạn muốn là người lương thiện và muốn kinh doanh lương thiện, thì rất khó để thành công”, Lopez buồn bã nói.

Herbalife đã trả lại một phần tiền cho Lopez và gọi trường hợp của cô là do được tư vấn kém. Nhưng cô không phải là số ít.

Sau 10 tháng điều tra vào cái gọi là kinh doanh đa cấp, hãng tin CNBC đã phát hiện hàng trăm người khác cũng có câu chuyện tương tự. Những người làm việc theo kiểu bán hàng đa cấp bán sản phẩm thông qua mạng lưới hầu hết là những người làm việc ở nhà và kiếm tiền nhờ việc bán sản phẩm và tìm kiếm những người khác cùng bán hàng.

Nhưng rất nhiều người được hỏi cho biết việc bán sản phẩm khó hơn họ tưởng rất nhiều. Sau khi mời chào, thuyết phục gia đình và bạn bè mua sản phẩm, họ phải bỏ hàng trăm thậm chí cả ngàn đô để mua vị trí cao hơn.

Họ phát hiện rằng tiền chỉ có được khi họ thuyết phục được thêm nhiều người khác bán sản
phẩm, tạo ra cái gọi là các nhà phân phối cấp dưới. Càng tìm thêm được nhiều nhà phân phối, tiền họ kiếm được càng nhiều, cả tiền thưởng và tiền hoa hồng bán sản phẩm.

Điều này đã làm nổ ra nhiều cuộc tranh cãi về mô hình kim tự tháp của các công ty bán hàng đa cấp như Herbalife, Amway... Với cách làm này, các nhà phân phối kiếm được tiền chủ yếu từ việc đi tìm kiếm những người bán hàng khác thay vì tự đi bán sản phẩm, và lợi nhuận dành cho những người ở top trên là rất lớn so với những người ở cấp dưới cùng.

Những cuộc tranh cãi này cũng đã thu hút sự chú ý của thị trường chứng khoán, nơi các nhà đầu tư đang đua nhau cổ phiếu của Herbalife. Bill Ackman đã bán 20 triệu cổ phiếu, tương đương ¼ cổ phiếu đang lưu hành, trong khi một nhà đầu tư khác là Dan Loeb lại mua vào.

Ackman đã công khai chỉ trích và gọi cách làm ăn của Herbalife là mô hình kim tự tháp, một từ mà công ty cực kỳ phản đối. Những người chỉ trích khác thì cho rằng các quy định cho loại hình bán hàng đa cấp đã quá lâu không được điều chỉnh.

“Dựa trên kiểu mô hình kim tự tháp lâu nay và nhờ sự thiếu giám sát, tôi chắc chắn rằng có nhiều công ty bán hàng đa cấp đang hoạt động theo mô hình kim tự tháp nhiều năm nay”, William Keep, trưởng khoa kinh doanh của trường ĐH New Jersey, một chuyên gia nghiên cứu về bán hàng đa cấp và mô hình kim tự tháp cho biết.

Trong khi rất nhiều người phản đối tin rằng các nhà quản lý đã không thể làm gì trước tình hình bán hàng đa cấp trá hình, đã có những dấu hiệu cho thấy các nhà chính trị đã bắt đầu chú ý đến vấn đề này. Bản tin TJ Strategies của Washington, chuyên về người tiêu dùng, gần đây đã viết về sự quan tâm của Washington về tiếp thị đa cấp.

“Sau khi thảo luận với các nhà chức trách Quốc hội, chúng tôi biết rằng đang có những nghiên cứu ở cấp chuyên viên về ngành tiếp thị đa cấp”, bản tin này cho biết.

Mạng lưới tiếp thị đa cấp đang phổ biến mạnh ở cộng đồng người Mỹ gốc La tinh. Herbalife cho biết thị trường Mỹ La tinh chiếm 63,7% hoạt động kinh doanh của họ.

Điều đáng lo ngại hơn cả trong loại hình kinh doanh này là tỷ lệ lợi nhuận hàng năm rất cao. Phần lớn những người bán hàng đa cấp đều nói rằng việc họ bán hàng trực tiếp, không quảng cáo, là lý do có lợi nhuận cao. Herbalife đã không công bố tỷ lệ này kể từ năm 2005.

Chuyên gia Robert Fitzpatrick của tổ chức Báo động mô hình kim tự tháp, gọi là đó là kiểu lừa đảo tương tự ông trùm Bernard Madoff ở thị trường chứng khoán. “Thay vì kiếm 1 triệu USD từ 10 người như Bernard Madoff, bán hàng đa cấp kiếm 1 triệu USD từ 1 triệu người”.

Tuy nhiên, Herbalife kịch liệt phản đối những người chỉ trích gọi công ty kinh doanh theo kiểu mô hình kim tự tháp. CEO của Herbalife, Michael Johnson nói “Chẳng có lý do gì để mang Bernard Madoff ra so sánh với chúng tôi. Đó là cách nói non nớt, thiếu lí lẽ”.
 
--------------------

* Mô hình kim tự tháp (pyramid scheme) là mô hình đầu tư kiểu lừa đảo bất hợp pháp. Những người đầu tư sau như phần gốc, to hơn, nâng phần ngọn, là những người đầu tư trước. Những kẻ lừa đảo sẽ dùng tiền của người đầu tư sau trả tiền cho người đầu tư trước, cứ như vậy, chúng thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, do không có lợi nhuận thực, mô hình này sẽ sụp đổ. Đây chính là kiểu lừa đảo của Bernard Madoff, khiến nhiều nhà đầu tư đã mất hàng chục tỷ USD và sau đó phải ngồi tù.

Đôi khi rất khó phân biệt giữa kinh doanh đa cấp và kinh doanh theo mô hình kim tự tháp. Công ty bán hàng đa cấp sừng sỏ của Mỹ là Amway đã nhiều lần bị kiện vì kinh doanh theo mô hình kim tự tháp nhưng sau đó được trắng án vì không đủ chứng cứ và chỉ bị phạt vì các tội nhỏ hơn.


Theo Dương An
Vnmedia

duchai

Cùng chuyên mục
XEM