1km có 16 ngân hàng

24/10/2013 12:22 PM | Kinh doanh

Tình trạng ngân hàng mọc san sát nhau, ra ngõ là gặp ngân hàng sẽ bị siết lại bằng những quy định cụ thể. Chưa bao giờ các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng (NH) lại mọc lên san sát như hiện nay.

Nội dung nổi bật:

- Nhiều ngân hàng chạy đua mở rộng mạng lưới để khuếch trương thương hiệu, nâng cao doanh số nhằm tìm kiếm lợi nhuận. So với năm 2008, số điểm giao dịch của NH tại Tp.HCM đã tăng gấp đôi .

- Gánh nặng chi phí: Chi phí thuê mặt bằng một tháng ít nhất 7.000 USD (gần 150 triệu đồng), tiền lương cho khoảng 30 nhân viên cũng phải 270 triệu đồng, cộng thêm chi phí điện nước lên tới 500 triệu đồng.

- Tuy nhiên PGD của một NH có tên tuổi trong 1 buổi sáng cũng chỉ có 1-2 khách vào giao dịch.



Các chuyên gia cho rằng việc các NH đang chạy đua phát triển mạng lưới sẽ gây rủi ro cho chính NH và cho toàn hệ thống.

Và để lập lại trật tự, từ ngày 23-10 khi thông tư 21 quy định về mạng lưới hoạt động của các NH thương mại có hiệu lực, tình trạng “ra ngõ gặp NH” sẽ bị siết lại.

“Phố Wall” ở Sài Gòn

"Nhiều NH chạy đua mở rộng mạng lưới để khuếch trương thương hiệu, nâng cao doanh số nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Thế nhưng trong thực tế rất nhiều chi nhánh, PGD hoạt động không hiệu quả nên NH Nhà nước phải cảnh báo điều này... "

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Gần một tháng không đi đường Phan Xích Long (Phú Nhuận, TP.HCM), cuối tuần qua khi có việc trở lại tuyến đường này, chị Chi (Gò Vấp) đã thấy mọc thêm một phòng giao dịch (PGD) nữa của NH Đông Á.

“Như vậy hầu hết NH lớn nhỏ đều có trụ sở ở đây, chẳng thiếu NH nào” - chị Chi nói.

Tính cả công ty kiều hối, Đông Á có đến hai điểm giao dịch trên tuyến đường sầm uất này, trong khi cách đó chỉ vài trăm mét là hội sở chính bề thế của NH này trên đường Phan Đăng Lưu. Trước khi NH Đông Á khai trương điểm giao dịch mới đã có hàng loạt NH khác như Vietcombank, ACB, Sacombank... hiện diện trên tuyến đường này. Tính tổng cộng gần 1km trên tuyến đường này có 16 NH.

Giám đốc phát triển thương hiệu một NH có trụ sở tại Hà Nội cho biết đại lộ Nguyễn Văn Linh chạy ngang qua “khu nhà giàu” Phú Mỹ Hưng (quận 7) cũng là nơi các NH muốn hiện diện. Chỉ đoạn ngắn khoảng 1,5km từ ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh đến cao ốc Lawrence S.Ting đã có 22 PGD của các NH cổ phần, nhiều đoạn 3-4 NH san sát nhau.

Vị giám đốc này cho biết đang phải chạy đua để đón số cư dân mới dọn về sống ở khu vực này và khu phụ cận. “Vài năm tới khi hàng loạt dự án lớn hoàn thành, lượng khách hàng sẽ càng đông đúc, do vậy đầu tư ở khu vực này không chỉ cho hiện tại mà cả cho mai sau” - ông này nói.

Nằm ở rìa khu Phú Mỹ Hưng với mật độ dân cư đông, đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) cũng có đến 19 chi nhánh, PGD mọc lên với sự góp mặt đầy đủ các “anh tài”.

Nhưng mật độ NH dày đặc nhất phải kể đến đường Khánh Hội (quận 4). Chỉ một đoạn vài trăm mét từ ngã tư Hoàng Diệu - Khánh Hội đến cầu Kênh Tẻ mọc lên 21 PGD. Các vị trí đẹp nhất như ngã tư, góc hai mặt tiền đều được các NH đến trước chiếm lĩnh, do vậy những NH đến sau không còn lựa chọn nào khác là kè vai sát nhau. Có đoạn hơn 10m mặt tiền có đến ba NH là Hàng hải, PVComBank, Xây dựng chia nhau“đóng đô”.

Tuyến đường Cộng Hòa (Tân Bình) có mật độ xe cộ đông đúc suốt ngày gần như không thiếu tên một NH cổ phần nào, với mật độ trung bình vài chục mét có một NH. Là PGD nhưng nhiều NH xây to đẹp như quy mô một chi nhánh. Tương tự, tuyến Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh cũng có đến 39 PGD, chi nhánh NH với quy mô to nhỏ khác nhau. Thậm chí ACB, Vietinbank... có đến hai PGD trên cùng một tuyến đường.

Nhân viên ngáp dài...

Số lượng các chi nhánh, PGD và điểm dịch vụ của các NH hiện hữu đã thật sự “phủ sóng” đến tận các phường, xã. Bà Phan Thị Dung, sống tại đường 3 Tháng 2, quận 10 nói không thể nhớ hết được số PGD, chi nhánh NH đang hiện diện tại đây vì mật độ quá dày, cái mới nằm sát cái cũ khiến bà có cảm giác “ra ngõ gặp NH”. Dọc tuyến 3 Tháng 2 kéo dài từ quận 10 sang quận 11, PV Tuổi Trẻ đếm được 34 chi nhánh, PGD.

Ghi nhận tại PGD trên đường này của NH cổ phần V có trụ sở tại Hà Nội lúc 10g30 ngày 16-10, máy lạnh chạy phà phà và dù vào giờ cao điểm nhưng hầu như chỉ có nhân viên NH.

Trong khi đó, PGD của một NH có tên tuổi hơn gần đó cũng chỉ có 1-2 khách vào giao dịch. Tại điểm giao dịch của NH S cùng trên tuyến đường này lúc 11g vắng khách đến nỗi nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ trông giữ xe cũng ngáp ngủ.

Tuy nhiên dù vắng khách, số lượng chi nhánh, PGD của các NH chỉ tăng chứ ít giảm. Theo số liệu của NH Nhà nước TP.HCM, toàn địa bàn TP có đến 2.102 điểm giao dịch.

So với năm 2008, số điểm giao dịch của NH tại TP đã tăng gấp đôi dù hơn hai năm nay NH Nhà nước tạm ngưng cấp phép lập chi nhánh, PGD mới. NH Nhà nước TP.HCM cũng cho biết có đến 135 quỹ tiết kiệm trên địa bàn TP, trong đó có 65 quỹ tiết kiệm của các NH có hội sở ngoài địa bàn TP.HCM lập ra.

Có NH cổ phần có hội sở ngoài địa bàn TP chỉ có duy nhất một chi nhánh tại TP nhưng có đến 23 PGD, 22 quỹ tiết kiệm. Mới đây NH này vừa khai trương thêm một quỹ tiết kiệm tại quận Bình Tân, nâng tổng số điểm giao dịch lên 47.

Gánh chi phí “khủng”

Chi phí cho việc thành lập các PGD, quỹ tiết kiệm không hề nhỏ. Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP.HCM cho biết tùy thuộc vào quy mô, nhưng chi phí cho một chi nhánh, PGD rất lớn. Với diện tích 300-500m2, chi phí thuê mặt bằng một tháng ít nhất 7.000 USD (gần 150 triệu đồng), tiền lương cho khoảng 30 nhân viên cũng phải 270 triệu đồng.

Tổng hai khoản này cộng với chi phí thuê bảo vệ, điện, nước... tính ra hằng tháng NH phải chi đến 500 triệu đồng. Nhưng nặng nhất là chi phí đầu tư ban đầu. Chưa kể, một chi nhánh, PGD lập ra NH chấp nhận lỗ ít nhất 12-18 tháng.

Tuy nhiên trên thực tế có nhiều điểm giao dịch lập ra đã lỗ quá thời hạn cho phép nhưng NH không dám “dẹp”. Lý do là hiện nay để xin phép lập điểm giao dịch mới quá khó.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM, cho biết chỉ có Agribank mạnh dạn cắt giảm những chi nhánh không hiệu quả trên địa bàn TP.HCM, đưa số lượng chi nhánh từ 48 vào thời điểm trước năm 2012 xuống con số 40 vào giữa năm 2012 và đang tiếp tục rà soát, phân loại để cơ cấu lại trong năm 2013.

Ông Minh cho biết vừa qua NH Nhà nước  đã có chỉ đạo NH Nhà nước TP.HCM rà soát lại mạng lưới các NH trên địa bàn, từ đó có đánh giá lại xem số lượng các điểm giao dịch như hiện tại đã đủ chưa, thừa thiếu thế nào và kiến nghị về NH Nhà nước.


Sẽ giảm bớt các quỹ tiết kiệm

Trước tình trạng bùng phát điểm giao dịch dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, NH Nhà nước đã mạnh tay siết lại bằng thông tư 21, có hiệu lực từ ngày 23-10.

Theo đó, các NH có thời hạn hai năm cơ cấu lại để nâng cấp các quỹ tiết kiệm thành PGD hoặc dừng hoạt động. NH Nhà nước cũng quy định chặt chẽ hơn về việc mở chi nhánh và PGD. Theo đó, số vốn tối thiểu để lập một chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM là 300 tỉ đồng, như vậy với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng chỉ đủ lập 10 chi nhánh ở hai TP lớn. Một NH không được mở hơn 10 chi nhánh tại mỗi khu vực nội thành TP.HCM và Hà Nội, tại nội thành mỗi chi nhánh không có quá hai PGD, tại ngoại thành không quá ba PGD.


Theo ÁNH HỒNG

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM