11 tỷ đô chảy ra nước ngoài mỗi năm đổi lấy kiến thức, sức khỏe và niềm vui
Số tiền này xấp xỉ lượng kiều hối gửi về Việt Nam là 12,25 tỷ đô la Mỹ trong năm 2015.
Với mong muốn cho con cái được hưởng nền giáo dục quốc tế tốt, gia đình chị Phương Lan (Q.Hai Bà Trưng, HN) đã lên kế hoạch và tiết kiệm gần 10 năm nay để con du học.
"Muốn con cái thoát được nền giáo dục trong nước thì phải tiết kiệm, đầu tư cho con ra nước ngoài. Mới đầu tằn tiện chưa quen nhưng vì tương lai các con rồi cũng quen hết", chị Lan nói.
Để có thêm thu nhập, ngoài giờ làm việc, chị còn tranh thủ bán hàng trên mạng. Bạn bè đầu mối có thứ gì, chị Lan bán thứ đó. Còn chồng thì nhận sửa chữa ti vi, điện lạnh tại gia.
Sau khoảng 5 năm kiên trì dành dụm, lao động hăng say, cuối cùng niềm vui cũng đến. Giữa năm 2015, con trai của chị Lan đã được bố mẹ cho du học ở một trường có tiếng tại Mỹ.
Với mức chi phí khoảng 35.000-40.000 USD/năm, chị Lan cho biết sẽ mất ít nhất 7-8 tỷ đồng cho việc du học của con bao gồm 3 năm trung học và 4 năm đại học. Đó là còn chưa kể các khoản chi phí thủ tục, ăn ở, đi lại...
Chị Lan chỉ là một trong nhiều bậc phụ huynh đang góp phần không nhỏ vào xu hướng dịch chuyển điểm đến đại học của sinh viên Việt Nam sang các nước phương Tây.
Theo nhóm Công tác Giáo dục và Đào tạo (Diễn đàn Doanh nghiệp Thường niên 2015), năm 2015, có hơn 110.000 học sinh Việt Nam du học ở 47 quốc gia với mức học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD mỗi năm.
Uớc tính, mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 3 tỷ USD để có được nền giáo dục quốc tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, 3 tỷ USD đang ngày đêm “chảy” ra nước ngoài là một tổn thất lớn của ngành giáo dục Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Thậm chí, còn có người tỏ ra “nuối tiếc” 3 tỷ đô la Mỹ vì khoản tiền này “mất trắng” cho nền giáo dục các nước bạn trên thế giới.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư giáo dục tại Việt Nam lại gặp khó khăn bởi Nghị định 73 của Chính phủ ban hành năm 2012.
Tương tự, không chỉ riêng ngành giáo dục, sự hấp dẫn về du lịch và phát triển vượt bậc của các quốc gia phát triển cùng với tâm lý sính ngoại đang ngày đêm lôi kéo tiền Việt Nam chảy sang.
Chẳng hạn như ở lĩnh vực Y tế. Sách trắng 2016 do Eurocham công bố ngày 2/3/2016 cho biết, năm 2015, chi phí cho việc ra nước ngoài chữa trị ước khoảng 2 tỷ USD, với khoảng 40.000 người Việt Nam đi nước ngoài chữa trị.
Còn ở lĩnh vực du lịch, mặc dù Việt Nam nằm trong những nước có một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới (Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh), cảnh quan tuyệt đẹp song lại không hấp dẫn người dân đi tour nội địa.
Theo Hiệp hội lữ hành Việt Nam, tổng hợp báo cáo nguồn khách từ các nước cho thấy, trong vài năm gần đây, bình quân mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn 6 tỷ USD.
Như vậy, năm 2015, người Việt đã mang ra nước ngoài 11 tỷ USD để chi tiêu cho riêng 3 lĩnh vực nói trên. Con số này gần bằng với lượng kiều hối gửi về Việt Nam 12,25 tỷ USD trong năm 2015 (theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới).
Vẫn biết, "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là câu nói còn nguyên giá trị đối với người Việt. Và việc cân đo về số tiền 11 tỷ USD chảy ra nước ngoài của người Việt Nam mỗi năm thật ra không hẳn là điều quá lo ngại.
Bên cạnh đó, việc ra nước ngoài tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh phát triển để có sức khỏe dồi dào, hay đi du lịch để tinh thần sảng khoái, yêu đời cũng là nhu cầu chính đáng của người dân...