Câu chuyện đau xót về 'làng phụ nữ không tử cung' bên những cánh đồng mía ở Ấn Độ

27/07/2019 09:30 AM | Xã hội

Phải cắt bỏ tử cung, những người phụ nữ nghèo ở Ấn Độ mới có cơ hội được thuê làm việc.

Khoảng 3% phụ nữ Ấn Độ, tức trên 22.000 trong số 700.000 người trong độ tuổi từ 15 đến 49 được khảo sát thừa nhận rằng họ đã trải qua phẫu thuật để từ bỏ thiên chức làm mẹ của mình.

Mặc dù việc cắt bỏ tử cung hậu mãn kinh ở phương Tây là phổ biến, điều tra tại Ấn Độ cho thấy rằng rất nhiều người phụ nữ thực hiện loại phẫu thuật này khi còn rất trẻ.

Nơi phát hiện đầu tiên là huyện Beed, bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ. Là khu vực dễ hạn hán, cắt mía là công việc chính ở đây. Những nhà thầu thuê một gia đình và trả cho họ khoản tạm ứng khoảng 150.000 Rupee (2.175 USD). Để lấy lại tiền, các nhà thầu bắt cả gia đình, trong đó có phụ nữ cần phải làm việc quần quật cả ngày.

Công việc rất nặng nhọc. Trong mùa vụ, họ phải thức dậy từ 4 giờ sáng và làm việc đến hoàng hôn, vác những bao tải mía trên vai cả ngày. Việc đi tiểu cũng phải ở trên cánh đồng, vì nghỉ lâu quá cũng sẽ bị phạt.

"Thiếu nước làm công việc trở nên khan hiếm. Chúng tôi không thể để những vấn đề phụ nữ của mình ảnh hưởng’, lời chia sẻ đau xót của Vrandavani Sandeep, một người nông dân đã tự nguyện cắt bỏ tử cung hai năm về trước.

Câu chuyện đau xót về làng phụ nữ không tử cung bên những cánh đồng mía ở Ấn Độ - Ảnh 1.

Một người phụ nữ làm việc ở cánh đồng mía Ấn Độ

Đã có đến 4.500 trường hợp những người phụ nữ trẻ đã cắt bỏ tử cung ở Beed trong 3 năm qua, mà trong đó có rất nhiều trường hợp không cần thiết.

Vén màn những ca phẫu thuật

Không chỉ do lo sợ không hoàn thành công việc, còn lý do khác khiến những người phụ nữ ở đây cắt bỏ tử cung của mình.

Rukhmini Tandale, một thợ cắt mía 45 tuổi ở làng Vajrantwadi, Beed đã đến bác sĩ vào tháng 11 năm 2018 để nói về chứng đau bụng kinh của cô ấy. Bất ngờ là bác sĩ khám cho cô nói rằng cần phẫu thuật nếu không muốn ung thư.

Các thế hệ phụ nữ tại làng Mohammed Nagar thuộc bang Telangana đã trải qua hàng ngàn cuộc phẫu thuật cho những căn bệnh không cần thiết mặc những nỗ lực ngăn chặn của chính phủ. Số lần cắt tử cung ở đây cao nhất ở Ấn Độ. Nhiều người phụ nữ được thuyết phục rằng phẫu thuật là "mũi tiêm" nhanh gọn nhất chấm dứt những cơn đau do đến kỳ kinh nguyệt.

Câu chuyện đau xót về làng phụ nữ không tử cung bên những cánh đồng mía ở Ấn Độ - Ảnh 2.

Một nạn nhân nói: "Thà đầu tư vào 1 lần cho xong, hơn là tiếp tục chi tiền cho thuốc men."

Có thể thấy nhiều phụ nữ bị thuyết phục rằng tử cung của họ không có tác dụng sau khi sinh con. Một số nơi khác thì coi cắt tử cung là một phương pháp điều trị cho rối loạn kinh nguyệt và phụ khoa. Gần hai phần ba phụ nữ trải qua loại phẫu thuật này tại các bệnh viện tư nhân.

Chi phí cắt cổ

Chi phí trung bình cho một ca phẫu thuật cắt tử cung là 35.000 rupe (508 USD) ở Maharashtra, một tiểu bang nơi mức lương hàng ngày cho một nữ nông dân là khoảng 202 rupe (2,93USD).

Vợ chồng người nông dân Dharmendra Meena và Vaijanti sau khi sinh đứa con đầu tiên đã bị bác sĩ khám nói rằng Vaijanti bị nhiễm trùng. Rằng họ phải lựa chọn hoặc cho Vaijanti phẫu thuật để cắt bỏ tử cung hoặc chết. Nhưng sự thật không phải vậy.

Không chỉ riêng đôi vợ chồng trẻ này, khảo sát của Thomson Reuters Foundation cho thấy có rất nhiều phụ nữ - thường là thanh niên – được các bác sĩ mà các chuyên gia y tế cho rằng tìm cách kiếm lợi nhuận bằng việc kê đơn phẫu thuật cho những căn bệnh nhỏ, nhưng với chi phí không hề rẻ.

Với nhiều gia đình, phụ nữ sau phẫu thuật không thể quay trở lại làm việc, do vậy thu nhập của các gia đình đã giảm 1 nửa.

Bảy năm sau cuộc phẫu thuật, Dharmendra Meena phải làm rất nhiều công việc khác và vay tiền để nuôi vợ con, nhưng kiếm được ít hơn số tiền lãi hàng tháng lên đến 6.000 Rupe. Tiền lãi cho khoản vay tăng lên chóng mặt và dường như dồn họ vào đường cùng.

Thiếu giáo dục và vấn nạn kì thị kỳ kinh nguyệt

Việc giáo dục cho phụ nữ thường không phải là ưu tiên trên hầu hết các bang Ấn Độ. Thiếu kiến thức khiến lựa chọn duy nhất của họ là những công việc đồng áng và không có đủ nhận thức về quyền lợi cũng như những mối nguy hại khi thực hiện những ca phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

Hầu hết họ đều bỏ học sau khi đến tuổi dậy thì. Một số bị buộc phải thôi học vì gia đình không còn khả năng trả học phí.

"Vấn đề phụ nữ" là một cách nói khác cho "kỳ kinh nguyệt", bởi vấn đề này vẫn là một chủ đề cấm kỵ ở vùng nông thôn Ấn Độ. Một số bộ phận trong xã hội coi việc này khiến phụ nữ "không trong sạch" và thường bị xa lánh. Họ không thể vào đền thờ hoặc nhà bếp, cũng không được chạm vào bất cứ ai.

Câu chuyện đau xót về làng phụ nữ không tử cung bên những cánh đồng mía ở Ấn Độ - Ảnh 3.

Người đàn ông đi qua tấm biển tránh kì thị phụ nữ tới kỳ kinh nguyệt ở Ấn Độ

Hệ quả sức khỏe

Tại Maharashtra, Ấn Độ, Pushpa - một nông dân và mẹ của hai đứa trẻ đã trải qua thủ tục phẫu thuật để loại bỏ tử cung của mình từ lúc 26 tuổi. Nay, khi mới 37 tuổi, cô đã bị mất cân bằng nội tiết tố và tăng cân mất kiểm soát.

Một số nghiên cứu y khoa đã chứng minh mối liên hệ giữa cắt tử cung và biến chứng sớm của bệnh loãng xương, cũng như nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác về sức khỏe. Tuy nhiên đã có nhiều sự chia sẻ xung quanh kinh nguyệt đã bắt đầu ở một số nơi tại Beed.

"Tôi đã mất em gái vì ung thư tử cung. Giờ tôi khuyến khích vợ và con gái nói về vấn đề này với mình nhiều hơn", Udhovitthal Kute, một nông dân 43 tuổi ở Vajarantwadi, nói.

Một Ủy ban đặc biệt được thành lập vào ngày 18 tháng 6 dưới hội đồng lập pháp Mahah, nhằm tiến hành những khảo sát và đưa ra kế hoạch chấm dứt hoạt động này bằng cách xây dựng luật.

Manisha Tokle, một nhà hoạt động vì quyền phụ nữ ở Beed, đã nói: "Phẫu thuật để cắt bỏ tử cung đang là một vấn đề nghiêm trọng và giải pháp chính là làm cho phụ nữ nhận thức được cơ thể của họ."

Dù vậy, những chính sách phúc lợi này hiếm khi mang lại lợi ích cho những người làm việc tại khu vực kinh tế phi chính thức của Ấn Độ. Điều này nghĩa là những phụ nữ làm việc trên cánh đồng mía ở Maharashtra vẫn phụ thuộc vào thái độ của chủ trang trại.

Phong Ninh

Cùng chuyên mục
XEM