Câu chuyện đảo chính nửa vời tại Venezuela

17/02/2019 18:41 PM | Xã hội

Trong khi những chuyến hàng viện trợ nhằm thách thức Tổng thống Maduro đã bị hoãn thì kế hoạch dùng dầu mỏ gây áp lực lên Venezuela cũng phá sản khi Nga và Trung Quốc đều duy trì quan hệ đồng minh với quốc gia này.

Trong suốt những ngày qua, phe đối lập và Mỹ thường xuyên có những động thái chống lại chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Mới đầu, giới truyền thông đã dậy sóng về thông tin này và tưởng rằng một cuộc chính biến sắp nổ ra.

Tuy nhiên vài tuần đã trôi qua và chẳng có gì mới diễn ra cả. Tổng thống Maduro vẫn yên vị tại thủ đô Caracas trong khi thủ lĩnh phe đối lập, tổng thống tự xưng Juan Guaido bị giám sát tại gia.

Sấm to, chớp nhỏ

Theo hãng tin Bloomberg, Venezuela đã công bố một đoạn ghi âm cho thấy Cựu đại tá vệ binh quốc gia Oswaldo Garcia Palomo, đã bị bắt và thừa nhận việc được chính phủ Colombia hỗ trợ vượt biên và gặp mặt Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) để lật đổ Tổng thống Maduro. Bộ trưởng thông tin Venezuela Jorge Rodrguez cho biết Palomo đã ẩn náu tại biên giới Colombia, kêu gọi đảo chính và quay về Venezuela để thực hiện nhưng bị bắt ngay khi đặt chân lên đất nước từ tháng 1/2019.

Đây là một thông tin chẳng vui vẻ nữa với phe đối lập kể từ khi Chủ tịch quốc hội Juan Guaido tự phong Tổng thống cách đây 3 tuần và kêu gọi quân đội quay lưng lại với Tổng thống Maduro. Tại thời điểm đó, hơn 30 quốc gia dẫn đầu bởi Mỹ đã ủng hộ động thái tự xưng này và chờ đợi quân đội Venezuela đảo chính.

Câu chuyện đảo chính nửa vời tại Venezuela: Tại sao giới quân đội vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro dù được Mỹ hứa hẹn? - Ảnh 1.

Tổng thống tự xưng Juan Guaido

Trớ trêu thay, đằng sau những động thái dồn dập và đao to búa lớn là sự im lặng của quân đội Venezuela. Trong số 2.000 tướng lĩnh, chỉ duy nhất 1 vị chỉ huy cấp cao không có thực quyền ủng hộ ông Guaido. Ông Guaido cho biết vị tướng này đang liên lạc với những chỉ huy khác và sẽ ngày càng có nhiều người ủng hộ mình, nhưng 3 tuần đã trôi qua và ngày càng nhiều người nghi ngờ về tính khả thi của chúng.

Giờ đây khi ông Garcia bị quản thúc tại gia, niềm hy vọng về một cuộc đảo chính ngày càng mong manh hơn.

Theo chuyên gia về chính trị Diego Moya Ocampos của HIS Markit tại London, quân đội Venezuela là một trong những hệ thống tư lợi nhiều nhất thế giới. Các tướng lĩnh cấp cao hưởng lợi từ hệ thống quân đội dưới quyền và không dễ gì để họ từ bỏ mọi thứ để theo đuổi một cuộc chính biến. Nói cách khác, Tổng thống Maduro đang điều hành một chính phủ quân đội với lợi ích của nhóm tướng lĩnh cấp cao là trên hết. Do đó đương nhiên việc thuyết phục quân đội đảo chính là điều khó khăn hơn bao giờ hết.

Không ai muốn làm chim đầu đàn

Không đơn thuần chỉ là những tuyên bố, phe đối lập có những hướng đi cụ thể trong việc chống lại chính quyền Caracas. Trong khi nền kinh tế Venezuela đang điêu đứng và sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến tầng lớp thượng lưu, ông Guaido còn tác động đến công ty hóa dầu City Petroleum có trụ sở tại Mỹ nhưng lọc dầu ở Venezuela, qua đó ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu của chính quyền Maduro.

Nhiều khoản cứu trợ được hứa hẹn cũng đang được sắp đặt và có thể tác động đến địa chính trị Venezuela, trong khi nhiều quan chức quân đội cũng đã rời bỏ đơn vị do những biến động thời gian gần đây.

Câu chuyện đảo chính nửa vời tại Venezuela: Tại sao giới quân đội vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro dù được Mỹ hứa hẹn? - Ảnh 2.

Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton thậm chí đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm vận với những quan chức quân đội ủng hộ ông Guaido và đàm bảo sự an toàn cho họ. Dẫu vậy, không nhiều tướng lĩnh yên tâm với lời hứa này khi cuộc cách mạng không diễn ra rộng khắp và lan nhanh như những gì ông Guaido đã cam kết.

Nhiều chỉ huy quân đội hiện vẫn đang dè chừng nhau bởi không rõ hiện ai muốn đảo chính và ai không, trong khi không có vị tướng nào muốn làm chim đầu đàn. Thực tế này đang khiến cả Mỹ, Brazil và Colombia, những nước ủng hộ cuộc cách mạng lo ngại kế hoạch của ông Guaido sẽ thất bại.

Cựu đại sứ Colombia tại Mỹ, ông Gabriel Silva lo ngại rằng Tổng thống Colombia Ivan Duque đang đặt quá nhiều vào phe đối lập ở Venezuela. Ông Silva cho rằng Colombia đã đặt cược rằng chỉ cần Mỹ lên tiếng ủng hộ, phe đối lập sẽ đảo chính thành công. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy mọi thứ diễn ra rất chậm và phe của Tổng thống Maduro thì ngày càng vững chắc hơn.

Trong khi những chuyến hàng viện trợ nhằm thách thức Tổng thống Maduro đã bị hoãn thì kế hoạch dùng dầu mỏ gây áp lực lên Venezuela cũng phá sản khi Nga và Trung Quốc đều duy trì quan hệ đồng minh với quốc gia này. Hầu hết các hàng viện trợ của Mỹ hay Colombia vẫn nằm kẹt tại biên giới do quân đội chưa đồng ý đảo chính và không một lái xe nào dám liều mạng đi qua cửa khẩu.

Đồng thời với đó, Mỹ cho biết hàng trăm triệu USD tiền buôn bán ma túy được chuyển vào các tài khoản liên quan đến giới quân đội Venezuela. Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) cho biết hàng tháng Venezuela vận chuyển khoảng 15-20 tấn cocaine vào nước này. Nếu thông tin trên là chính xác thì những đòn đánh kinh tế sẽ chưa thể ảnh hưởng ngay đến giới tướng lĩnh.

Luật sư Alonso Medina tại Venezuela cho biết ông Guaido đã tự xưng tổng thống và chấp nhận sự giúp đỡ từ nước ngoài khi chưa chuẩn bị kỹ càng. Hệ thống quân đội của Venezuela đã trung thành với chính phủ trong nhiều năm còn phe đối lập mới chỉ tiếp xúc họ thời gian gần đây. Bởi vậy, một cuộc đảo chính như những tuyên bố cuối tháng 1/2019 của phe đối lập tại Venezuela dường như không hề khả thi.

Cuối cùng, thiệt hại vẫn là người dân bởi những xáo trộn chỉ càng khiến cuộc sống của họ thêm khó khăn.

Câu chuyện đảo chính nửa vời tại Venezuela: Tại sao giới quân đội vẫn ủng hộ Tổng thống Maduro dù được Mỹ hứa hẹn? - Ảnh 3.

AB

Cùng chuyên mục
XEM