Câu chuyện của Hải Dương và bài học trong phản ứng chính sách
"Tại sao xử lý đứt gãy chuỗi cung ứng ở cấp độ quốc tế rất tốt trong khi ở cấp địa phương, cấp quốc gia lại không được như vậy?"...
"Khó khăn chồng khó khăn", "thiệt hại chồng thiệt hại" là tình cảnh mà rất nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Đình Cung, tình cảnh này có thể tránh được nếu phản ứng chính sách nhanh chóng hơn và quyết liệt hơn.
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ông nhìn nhận như thế nào về ảnh hưởng của đợt dịch lần này?
Khó khăn mà người dân và doanh nghiệp phải đối mặt trong đợt dịch lần này đã được dự báo từ trước, song đáng tiếc, chúng ta đã không có những ứng xử phù hợp để giảm bớt thiệt hại không đáng có cho họ.
Khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên xảy ra, gây ra sự đứt gãy về cung cầu quốc tế khiến cầu hàng hoá, đặc biệt là nông sản sụt giảm đột ngột. Hàng hoá bị ách tắc tại nhiều cửa khẩu như Lạng Sơn, Lào Cai... gây ra tổn thất cho hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp sản xuất cũng như người nông dân khi hàng hoá sản xuất ra bị ứ đọng, không thể tiêu thụ.
Song nhờ sự phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt của các bộ ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Y tế... hàng hoá tại cửa khẩu đã được giải toả với những biện pháp kỹ thuật, nhằm đảm bảo an toàn cho hàng hoá và cả con người. Lưu thông hàng hoá giữa Việt Nam và Trung Quốc dần được cải thiện.
Tuy nhiên, khi đợt dịch Covid-19 thứ 3 xảy ra, sự đứt gãy về cung cầu đã không được xử lý tốt, cho dù lần này sự đứt gãy chỉ ở cấp độ địa phương. Chúng ta đã không có sự chỉ đạo xuyên suốt, sự thống nhất giữa các địa phương nên dẫn tới tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Thậm chí, khi sự việc xảy ra, phản ứng chính sách của bộ ngành khá chậm chạp, dẫn tới những tổn thất không đáng có cho người dân và doanh nghiệp.
Tại sao xử lý đứt gãy chuỗi cung ứng ở cấp độ quốc tế rất tốt trong khi ở cấp địa phương, cấp quốc gia lại không được như vậy? Tại sao đứt gãy lúc trước còn mạnh hơn so với bây giờ nhưng sao chúng ta lại không làm được? Tại sao chúng ta không lấy kinh nghiệm của đợt dịch trước áp dụng vào hàng hoá ở Hải Dương để tạo điều kiện cho dòng chảy hàng hoá sang những địa phương hay tỉnh thành khác? Đây không phải là những thứ chúng ta chưa làm mà đã từng làm.
Câu chuyện của Hải Dương đặt ra rất nhiều bài học trong phản ứng chính sách. Nó cho thấy độ nhạy cảm, tính linh hoạt và tính trách nhiệm của địa phương. Trong bối cảnh tình hình bất định lớn như hiện nay, rất nhiều sự việc tương tự có thể xảy ra không chỉ ở phía ngoài biên giới mà cả bên trong biên giới. Đây là lúc chúng ta phải thay đổi để thích ứng linh hoạt.
Sau 1 năm đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa rồi được xem là sẽ tiếp tục bào mòn sức chống chịu của doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về điều này?
Dịch Covid-19 bùng phát đã buộc nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Vì thế, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh "khó khăn chồng khó khăn", "thiệt hại chồng thiệt hại" nhất là sau 1 năm "lao đao" vì Covid-19. Thanh khoản ở một số doanh nghiệp đang gặp vấn đề rất lớn, nguy cơ phá sản rất cao. Vấn đề đặt ra hiện nay là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp được đưa ra trước đó có thực sự cần thiết và còn hiệu quả nữa hay không?
Chẳng hạn, trước đây, để kích thích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất và kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Đến giờ, sức khoẻ của khu vực doanh nghiệp vẫn còn yếu, vì vậy việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp vẫn cần thiết.
Trong khi đó, đối với chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ở thời điểm này, tôi nghĩ sẽ không có nhiều ý nghĩa như năm 2020 bởi thực tế là doanh nghiệp đã không có thu nhập sau 1 năm khó khăn vì Covid-19.
Tuy nhiên, giảm thuế VAT có thể sẽ có tác động trong việc kích thích tiêu dùng, từ đó gia tăng tổng cầu cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Song vấn đề cần cân nhắc là sức chịu đựng của ngân sách nhà nước khi nguồn thu từ VAT vốn chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu thu ngân sách của chúng ta bao năm qua sẽ sụt giảm đáng kể.
Về chính sách hỗ trợ người lao động, thời kỳ khó khăn nhất của doanh nghiệp vì Covid-19 được đánh giá là đã qua (quý II/2020) trong khi hiệu quả từ chính sách hỗ trợ người lao động, các cựu chiến binh, người có công với cách mạng... bị ảnh hưởng vì Covid-19 cũng không hiệu quả như mong đợi.
Do đó, ở thời điểm này, những chính sách ưu đãi như trên cần phải đặt lên bàn cân để có những tính toán hợp lý để có thể hỗ trợ hiệu quả nhất cho khu vực doanh nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, ngoài sự cần thiết của vaccine, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần một chương trình kích thích kinh tế đủ đặc sắc để kéo tăng trưởng trở lại mức cao?
Một chương trình kích thích kinh tế đặc sắc phải là một chương trình phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh mới. Trước mắt, chúng ta cần phải tập trung vào các giải pháp kích cầu và khuyến khích đầu tư. Theo đó, phải đẩy mạnh đầu tư, đặc biệt là đầu tư công và khuyến khích, thúc đẩy ngành nghề kinh doanh mới, sản phẩm mới phát triển.
Tuy nhiên, đến thời điểm này trong năm 2021, tôi chưa nhìn thấy điểm đột phá trong đầu tư công. Tình hình khá trầm lắng khi cùng thời điểm này năm ngoái, chúng ta đã tuyên bố hàng loạt gói đầu tư nghìn tỷ đồng để kích thích tăng trưởng.
Thay vì chương trình hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó, theo tôi, chúng ta cần chương trình khuyến khích đầu tư, ưu đãi, giảm thuế... cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục hay những loại hình kinh doanh mới như công nghệ, điện tử, sáng tạo đổi mới... Theo đó, những chương trình này phải thực chất hơn, nhanh chóng hơn. Chính sách này có thể hoàn toàn mới hoặc nếu không mới phải dựa trên cơ sở Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... để đưa ra những nghị định, thông tư... cụ thể, chi tiết hướng dẫn về những ưu đãi, giảm thuế cho doanh nghiệp... để có thể áp dụng ngay vào cuộc sống.
Theo ông, chương trình kích thích kinh tế này nên như thế nào?
Chương trình khuyến khích đầu tư này không phải là khuyến khích đầu tư vào vùng sâu, vùng xa mà phải là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, những vùng kinh tế trọng điểm để tạo đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của cả nước. Cùng với đó, cần khuyến khích chuyển đổi đầu tư công nghiệp vùng đồng bằng Đông Nam Bộ để nâng cao tỷ lệ công nghiệp của vùng này. Thúc đẩy và phục hồi kinh tế ở thời điểm này phải cụ thể và chi tiết.
Có như vậy mới thực sự tạo được làn sóng doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chuyển đổi số.