[Case Study] “Campuchia – Vương quốc nhiệm màu”: Nơi làm du khách “yêu say đắm” nhưng cũng nhanh chóng “bóp nát” trái tim họ
Một vị đại sứ Mỹ từng nói: “Hãy cẩn thận khi đặt chân tới Campuchia, nó là vùng đất nguy hiểm nhất thế giới. Tại sao ư? Vì Campuchia sẽ khiến bạn yêu say đắm ngay từ lần gặp đầu tiên và cũng nhanh chóng làm tan nát trái tim bạn.”
Nội dung nổi bật:
Bối cảnh: Bị chiến tranh tàn phá mãi đến những năm 90, Campuchia may mắn vẫn giữ được hàng loạt di tích được thế giới công nhận, vô số những bãi biển hoang sơ và nền văn hóa đặc trưng của Khmer.
Kế hoạch: Quyết tâm bắt kịp các nước láng giềng, chính phủ Campuchia ra sức cải tạo hạ tầng vận tải, nâng cao tiện ích cho du khách và đồng thời giáo dục người dân để sẵn sàng chào đón các "thượng đế" trên khắp thế giới.
Kết quả: Du lịch dần trở thành một mũi nhọn kinh tế với doanh thu hơn 3,6 tỷ USD, chỉ đứng sau may mặc. Campuchia dần làm chủ hình ảnh "Đất nước nhiệm màu" mặc cho muôn vàn khó khăn.
Một quá khứ đen tối
Campuchia là một trong những đất nước trải qua nhiều cuộc chiến trên thế giới. Sau khi Angkor sụp đổ vào năm 1431, đế chế Khmer một thời hùng mạnh lại tiếp tục bị chiến tranh tàn phá.
Vùng đất nhỏ bé này bị người Pháp cai trị suốt thế kỷ 19, sau đó lại bị đế quốc Mỹ ném bom hàng loạt vào những năm 1970. Sự tự do chỉ thoáng đến rồi đi với người dân Campuchia vào năm 1953, đất nước này lại nhanh chóng lâm vào nội chiến triền miên với chính quyền tàn bạo của Khmer đỏ. Chỉ đến khi Liên hiệp quốc nhập cuộc với đợt bầu cử công khai vào năm 1993, vùng đất này mới chập chững đứng được trên đôi chân của mình.
Đông Nam Á từ lâu đã trở thành một khu vực đầy tiềm năng để phát triển du lịch với vẻ đẹp độc đáo, khí hậu nhiệt đới ấm áp và chi phí cực kỳ phải chăng. Những hàng xóm như Thái Lan đã trở thành một điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới vào những năm 70-80 và liên tục dẫn đầu khu vực. Đến những năm 90, Việt Nam cũng trở nên nổi bật nhờ hàng loạt cải cách kinh tế và những thắng cảnh được thế giới công nhận. Nhưng đối với Campuchia, họ phải bắt đầu chậm hơn hết tất cả láng giềng của mình.
Ngành du lịch Campuchia chỉ bắt đầu phát triển sau khi Khmer đỏ dần dần bị tiêu diệt và các thành viên còn lại của chính quyền Pol Pot bị bắt giữ vào những năm 90s. Nằm ngay giữa trung tâm Đông Nam Á, Campuchia quyết định biến mình thành một đất nước du lịch, tận dụng tối đa lợi thế về văn hóa và những kiến trúc cổ còn nguyên vẹn.
Vươn lên từ đống tro tàn
Tự hào nắm giữ tên gọi "Campuchia – Vương quốc nhiệm màu", đất nước vừa thoát khỏi khủng hoảng kia ra sức quảng bá hình ảnh của những di tích đẹp đến choáng ngợp, các bãi tắm thô sơ chưa được khai phá, nền văn hóa đầy màu sắc và đặc biệt là con người Campuchia thân thiện và mến khách.
Nhưng để làm được điều đó, Campuchia cần nhiều hơn là một danh hiệu. Đa phần dân số nước này vẫn nằm trong diện đói nghèo với mức thu nhập dưới 1 USD/ ngày với các dịch vụ và tiện ích cho du lịch vẫn cực kỳ khan hiếm. Không những thế, nền chính trị mới chập chững độc lập của Campuchia vẫn còn nhiều "lục đục", khiến cho du khách quốc tế rất lo ngại khi ra quyết định chọn đây làm điểm dừng chân.
Nhưng, bất chấp bao khó khăn đã và đang tồn tại, Campuchia vẫn quyết tâm phát triển một cách "nhiệm màu" để biến du lịch thành một niềm tự hào của quốc gia.
An ninh và an toàn cho du khách được đặt lên hàng đầu với những khu vực riêng biệt. Siem Reap, cái nôi của di tích Angkor nổi tiếng, liên tục được nâng cấp với các khách sạn xa xỉ, các CLB về đêm nhộn nhịp, hệ thống ATM, và sở hữu hẳn một sân bay liền kề để tiếp đón khu khách.
Ngoài ra thì Sihanoukville cũng là một địa điểm được truyền thông quốc tế khen ngợi với bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp.
Nhận thấy trở ngại lớn nhất là hạ tầng giao thông, chính phủ Campuchia ra sức đầu tư với sự hỗ trợ vốn từ nhiều nước lớn trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhằm biến Campuchia trở thành một địa điểm phù hợp cho du lịch, chính phủ đã cho xây dựng và nâng cấp 4 sân bay lớn, hai cảng nước sâu quốc tế và hai đường tàu nội địa.
Về đường bộ, một báo cáo từ tờ New York Times cho thấy Campuchia đang đốc thúc hoàn thành hơn 21 dự án giao thông lớn để kết nối các khu di tích với nhau. Các trục đường chính này còn giúp người đân Campuchia có thể dễ dàng di chuyển và lập nghiệp trên khắp cả nước.
Không dừng lại tại đó, mặc dù có tiếng mẹ đẻ là Khmer, Tiếng Anh và Tiếng Pháp đang được "phổ cập" khắp các khu vực du lịch nổi tiếng nhất và đồng thời đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học và đền chùa.
Chỉ qua vài năm ngắn ngủi, Campuchia đã lột xác từ một đất nước đầy đau thương do chiến tranh trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và tiềm năng.
Thủ đô Phnom Penh được giới du lịch không tiếc lời khen ngợi, với các khu di tích cùng những kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc.
Sihanoukville, hay còn gọi là Kompong Som, cũng dần trở thành một điểm đến ưa thích của khách du lịch, cạnh tranh trực tiếp với những bãi biển nổi tiếng ở Thái Lan.
Nếu dạo một vòng trên những website du lịch nổi tiếng ngày nay, có thể nhận thấy rằng không một du khách nào tỏ ra thất vọng khi đến Campuchia. "Vùng đất nhiệm màu" này đã trở thành một điểm đến hấp dẫn đang đợi du khách trên thế giới khám phá.
Kết quả
Vào 2016, ngành du lịch Campuchia đem về hơn 3,6 tỷ USD cho đất nước, tăng hơn 13% so với cùng kỳ. "Quốc gia nhiệm màu" này được ghé thăm nhiều nhất bởi du khách Trung Quốc, với 1,2 triệu lượt trong năm 2017, tiếp theo đó là du khách Việt Nam, Lào, Thái Lan và Hàn Quốc.
Nếu giữ vững được tốc độ này, Campuchia sẽ đón ít nhất 6 triệu lượt khách trong năm 2018, dự kiến lên tới 7 triệu vào năm 2020 và 10 triệu vào năm 2025.
Nhưng song song đó cũng là những khó khăn, Campuchia chỉ xếp thứ 138/195 về Chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc, với 23% dân số đang có thu nhập dưới 1,25 USD / ngày.
Tuy Phnom Penh, Siem Reap và Sihanoukville đã "lột xác" trở thành những điểm đến hấp dẫn cho du lịch, các thành phố lân cận luôn "bóp nát" trái tim du khách với chất lượng sống thấp, rác thải và nghèo đói thường trực như một nỗi ám ảnh.
Du lịch đang dần kéo Campuchia ra khỏi quá khứ đói nghèo, nhưng nếu phát triển không đồng đều, du lịch sẽ trở thành một "con dao hai lưỡi", góp phần nới rộng khoảng cách giàu nghèo và nhen nhóm lại ác mộng bất ổn chính trị khi xưa.