Cặp vợ chồng Việt - Khmer bỏ Sài Gòn về quê làm nghề mát -xa kỳ lạ, giúp nông dân làm giàu gấp 3 lần

05/10/2020 11:28 AM | Kinh doanh

Gần đây, vùng đất Tiểu Cần thuộc tỉnh Trà Vinh rộ lên một nghề hoàn toàn mới: Nghề mát-xa dừa lấy mật. Người khởi nghiệp mô hình này là vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi (quê Đồng Tháp) và chị Thạch Thị Chal Thi (người Khmer, quê Trà Vinh).

Chồng là giảng viên Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (tại TPHCM), vợ là thạc sĩ chế biến thực phẩm cùng “rủ” nhau về Trà Vinh khởi nghiệp.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay vợ chồng anh Ngãi và chị Chal Thi đã xây dựng được nhà máy sản xuất mật hoa dừa ở Trà Vinh với công suất mỗi tháng khoảng 1 đến 1,5 tấn. Cặp đôi có 4 hecta vườn dừa và liên kết với nông hộ để thu mật với tổng số nhân sự trong chuỗi giá trị là 15 người (từ làm vườn, thu mật, đến thị trường).

Công việc lạ: Mát -xa dừa và giá trị kinh tế tăng gấp 3 lần cho nông dân

- Chào anh, truyền thông có nhắc đến chuyện mát-xa dừa để lấy mật. Việc mát-xa dừa mới chỉ được đề cập đến trong thời gian gần đây. Vậy câu chuyện “tầm quất” cho hoa dừa ở SokFarm là như thế nào, thưa anh?

- Cách đây hơn 2 năm, tôi và vợ thấy dừa rẻ quá và nghĩ, dừa - ngoài giá trị truyền thống là sọ dừa, cùi dừa, nước dừa… thì có thể tăng giá trị bằng cách nào. Lúc đó, chúng tôi tìm hiểu, vợ tôi - Chal Thi, nghĩ về chuyện làm mật hoa dừa. Chúng tôi thấy Philippines sản xuất mật hoa dừa rất nhiều nhưng Việt Nam thì chưa.

Và đầu năm 2018, chúng tôi bắt đầu làm. Tuy nhiên, chúng tôi làm ra sản phẩm không được như xem trên mạng. 6 tháng sau, chúng tôi mới phát hiện ra rằng, nếu cắt hoa dừa mà không mát-xa thì không ra mật. Mát-xa ở đây có nghĩa nông dân chà nóng bông hoa dừa, sau đó dùng một lực vừa phải gõ vào bông hoa thì hoa sẽ cho mật.

Hồi trước, các anh chị phóng viên hỏi chuyện, tôi cũng nói chuyện gõ vào mật hoa dừa. Thế rồi, các anh chị đặt cho cái tên nghe sang hơn là mát-xa dừa (cười).

- Lực vừa phải là lực như thế nào, thưa anh?

- Nếu công nhân gõ vào bông hoa dừa nhẹ quá, mật không ra. Nếu hoa dừa bị gõ mạnh quá, mật cũng không ra. Theo tính toán của tôi, một lực vừa phải dao động từ 10 Newton đến 20 Newton. Mỗi hoa dừa có hình dáng, kích cỡ khác nhau nên sẽ chịu những lực “vừa phải” khác nhau.

 Cặp vợ chồng Việt - Khmer bỏ Sài Gòn về quê làm nghề mát -xa kỳ lạ, giúp nông dân làm giàu gấp 3 lần - Ảnh 1.

Người nông dân đang lấy mật hoa dừa ở Trà Vinh.

Công nhân khoảng 2 tháng làm việc sẽ biết cách tác động vào hoa dừa để ra mật, kiểu như quen hơi tay. Có những người lấy mật ở hoa dừa này không được nhưng người khác lại lấy được. Nếu giải thích theo khoa học thì có tần sóng âm giữa người và cây.

Chính vì thế, việc lấy mật hoa dừa cần tỉ mỉ, thủ công, không thể thực hiện đại trà, công nghiệp được.

- Thu mật hoa dừa đặc biệt như vậy, hẳn giá trị kinh tế của mật hoa dừa phải cao hơn nhiều so với các sản phẩm dừa truyền thống?

Một hoa dừa nếu bán theo cách truyền thống (bán nước, cùi, sọ dừa… ) sẽ cho khoảng 100.000 đồng, còn bán mật hoa dừa thì giá khoảng 250.000 đến 300.000 đồng. Như vậy, giá trị kinh tế tăng gấp 3 lần cho nông dân.

 Cặp vợ chồng Việt - Khmer bỏ Sài Gòn về quê làm nghề mát -xa kỳ lạ, giúp nông dân làm giàu gấp 3 lần - Ảnh 2.

"Đoàn quân" đi lấy mật hoa dừa.

Một năm một cây dừa cho ra 13 hoa.

Mật hoa dừa có giá tương đương với mật ong. Mật ong thì thiên về kháng viêm nên nếu viêm họng mà uống mật ong thì rất tốt. Còn mật hoa dừa thiên về dinh dưỡng. Mật hoa dừa có nhiều khoáng chất và chỉ số đường huyết thấp nên người bị tiểu đường có thể dùng được.

Mật hoa dừa có vị ngọt, thanh bằng khoảng 60% đường mía, nhắm tới người ăn chay, thực dưỡng, người bị tiểu đường…

Đi mua mật hoa dừa, bị bà con mắng bị điên và đuổi về

- Những ngày đầu khởi nghiệp, dừa đang ra bông nhưng anh đến nói chuyện với người nông dân về chuyện cắt hoa dừa để lấy mật, nông dân họ phản ứng ra sao?

- Ban đầu khi tôi và Chal Thi tới nói chuyện với nông dân về việc cắt hoa dừa, họ đuổi chúng tôi về. Họ nói: Dừa người ta quý muốn chết mà còn cắt đi bông. Nhiều người mắng chúng tôi như mắng người Trung Quốc hay đi mua trái non, khóm non của bà con…

Lúc đó, vợ chồng tôi cũng buồn. Nhưng chỉ mình mới hiểu chuyện của mình.

Nông dân thường hay ngại đổi mới. Họ thấy làm mình được họ mới làm theo. Mình phải làm trước. Vậy là chúng tôi làm làm thử 20 cây dừa, 40 cây dừa.

Nói chung thời gian đầu rất cực, vì làm hoài không ra và thất bại ê chề. Vừa làm không ra lại bị dân làng nói. Ở quê, cuộc sống nhỏ lắm. Mọi người biết nhau hết và câu chuyện cũng lan đi rất nhanh.

Nhờ có người chung lưng đấu cật nên cuối cùng chúng tôi cũng tạo ra sản phẩm.

Vợ là chủ tịch nhưng có “típ” để không gây bão với nhau trong công việc

Nói về chuyện khởi nghiệp với vợ, vợ anh là “chủ tịch” à?

- Chal Thi là người khởi xướng ý tưởng, vợ tôi là chủ tịch và chúng tôi hỗ trợ nhau rất nhiều. Làm mật hoa dừa là chế biến sản phẩm nên phải chuyên sâu.

Nếu không làm tỉ mỉ, chi tiết thì không ra sản phẩm. Mật lên men từng phút. Mỗi thời gian mật sẽ có tính chất khác nhau. Quá trình biến đổi chất rất nhanh. Và cần phải vẽ đồ thị về quá trình biến đổi chất trong ngày để theo dõi.

 Cặp vợ chồng Việt - Khmer bỏ Sài Gòn về quê làm nghề mát -xa kỳ lạ, giúp nông dân làm giàu gấp 3 lần - Ảnh 3.

Niềm vui của người nông dân lấy mật.

Khởi nghiệp cùng vợ có cái dễ, có cái khó.

Dễ là đồng vợ đồng chồng, cùng làm sẽ dễ. Vợ chồng có sự ủng hộ về tài chính, về tinh thần. Mình có sứ mệnh là đi theo con đường chung nên cuộc sống có ý nghĩa.

Khó là có tình cảm xen vào.

Bí quyết vượt qua trở ngại tình cảm trong công việc của tôi là mỗi người chịu một phần trách nhiệm. Tôi làm thị trường trường, thương hiệu thì tôi có quyền quyết định về thị trường, thương hiệu. Chal Thi phụ trách về tài chính, sản xuất thì Chal Thi sẽ có quyền quyết định về mảng đó.

Bên cạnh đó, trước khi nói chuyện thì hai vợ chồng sẽ nói trước là nói với tư cách vợ chồng hay công ty. Vợ chồng thì Chal Thi nói gì, tôi nghe đấy. Còn nói về công việc thì phải đầy đủ, rõ ràng, có báo cáo minh bạch.

Khởi nghiệp phải có báo cáo. Báo cáo giúp mình biết mình đang đi tới đâu, làm gì.

- Nếu người ta nói, anh chỉ đi theo vợ thôi thì anh có bực mình không?

- Tới tuổi này rồi thì những câu đó đâu còn nhiều ý nghĩa. Khi xác định làm cho quê hương thì cái tôi lẩn đâu mất tiêu rồi. Cái tôi không còn như ngày xưa nữa. Khi còn trẻ, ai động tới là xù lên.

Tôi lo thị trường, mẫu mã. Chal Thi lo chế biến. Chia nhau ra để cùng làm. Chal Thi gài số, tôi chạy số cho Chal Thi. Đơn giản vậy thôi.

- Anh từng làm giáo viên, sau đó về đầu quân cho công Kimmy Chocolate ở Tiền Giang. Sau đó thì anh khởi nghiệp mật hoa dừa. Đâu là động lực để anh từ bỏ giảng dạy, về với nông nghiệp và sau đó là tạo ra sản phẩm cho riêng mình?

- Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TPHCM, làm giảng viên của Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng từ năm 2013 đến 2016. Sau đó, tôi gặp chú Bùi Durassamy khi chú xây dựng thương hiệu Kimmy Chocolate tại Tiền Giang. Thấy được những giá trị mà Kimmy mang lại cho nông dân, tôi đi theo chú Bùi.

Vợ tôi rất ủng hộ việc tôi làm tại Kimmy.

Thực tình lúc đó, tôi nghĩ làm 2 bên. Nếu làm ở Kimmy không thành công thì tôi sẽ trở lại công việc giảng dạy. Nhưng vợ tôi khuyên tôi, chỉ tập trung vào một chỗ thôi. Và tôi gắn bó với Kimmy 2 năm, từ 2016 đến 2018.

Đến năm 2018, tôi khởi nghiệp mật hoa dừa cùng vợ.

- Ông Bùi, nhà sáng lập Kimmy Chocolate - từng được báo giới nhắc tới rất nhiều về câu chuyện người đàn ông Việt kiều ngoài 70 về gắn bó với vùng đất Tiền Giang, tạo công ăn việc làm cho nông dân và sản phẩm chocolate mang thương hiệu Việt. Anh đã học được điều gì từ chú?

- Tôi học được rất nhiều điều từ chú Bùi. Đó là làm gì cũng phải đam mê. Khởi nghiệp rất áp lực, từ sản xuất, thị trường… rồi sáng tạo ra sản phẩm mới…

Qua quá trình làm, tôi cũng hiểu thêm về thông số kỹ thuật, bao bì, hệ sinh thái nông nghiệp…. kiểu như “buôn có bạn, bán có phường” như ông cha ta thường nói.

- Có vợ bên cạnh cùng khởi nghiệp nhưng có khi nào anh muốn bỏ cuộc?

- Khó khăn rất nhiều. Nhưng khi khó khăn quá, tôi lại hỏi lại mình: Tại sao tôi làm cái này, tại sao tôi chọn con đường này…. Như thế để biết mình có mục tiêu rõ ràng.

Và vả lại, tôi có muốn bỏ thì vợ tôi cũng kéo lại (cười).

- Từng gắn bó với giảng đường và làm nông dân, anh thấy 2 công việc khác nhau ở điểm nào?

- Tôi thấy khi làm nông dân như hiện tại thì tôi phải học thêm từ thực tế nhiều, từ marketing, thị trường, bao bì, luật hành chính…. Môi trường kinh doanh làm tôi năng động nên rất nhiều.

Nếu có ai hỏi mua SokFarm, tôi sẽ bán

- Anh khởi nghiệp với mật hoa dừa, trải qua rất nhiều gian nan, nếu có người hỏi mua, anh sẽ bán chứ?

- Có người hỏi mua thì tôi bán. Tôi làm càng nhiều cây thì dân ở quê càng lợi. Có sao đâu!

Thời buổi kinh tế thị trường, cá lớn nuốt cá bé. Nếu tôi có bán sản phẩm đi thì sự sáng tạo trong tôi vẫn còn.

Tôi quan niệm, sản phẩm giống như đại sứ, thể hiện quan điểm về sống xanh, sự gần gũi thiên nhiên. Nếu không có đại sứ đó thì chúng tôi lại tìm đại sứ khác.

Tôi thấy nhiều người nói, sản phẩm khởi nghiệp là đứa con tinh thần, sống chết với nó. Còn tôi thì thấy thoải mái hơn về chuyện này.

 Cặp vợ chồng Việt - Khmer bỏ Sài Gòn về quê làm nghề mát -xa kỳ lạ, giúp nông dân làm giàu gấp 3 lần - Ảnh 4.

Thị trường lớn và chuyện bán hàng trên Amazon

- Về tiềm năng mật hoa dừa, anh thấy thị trường này tại Việt Nam ra sao?

- Hiện tại mảng này chưa ai làm, ngoài tôi nhưng tầm 3 tháng nữa thì nhiều người sẽ làm. Vì tiềm năng ngành rất nhiều.

Chỉ riêng về khách hàng tiểu đường, mỗi năm hàng ngàn người bị mắc mới. Mật hoa dừa phù hợp với người bị tiểu đường.

Trong khi đó, xu hướng nông sản mang tính vùng miền đang được ưa chuộng. Phương Tây đang rất chuộng những sản phẩm này.

Philippines, Thái Lan, Indonesia đã làm mật hoa dừa từ rất lâu.

- Tôi có nghe chuyện anh bán hàng trên Amazon, tình hình tiêu thụ sản phẩm trên trang thương mại điện tử quốc tế ra sao?

- Tôi có bán hàng trên Amazon được hơn một tháng. Chúng tôi thông qua đơn vị trung gian vì chúng tôi bán sỉ để tập trung vào sản phẩm. Đến nay, chúng tôi nhận được 3 đánh giá 5 sao. Phải qua 2 tháng bán hàng trên trang này, chúng tôi mới nhận được đánh giá tổng kết.

- Anh muốn xây dựng SokFarm như thế nào trong tương lai?

Tôi và vợ tôi định hướng SokFarm là doanh nghiệp cộng đồng vì chúng tôi đang khởi nghiệp trên vùng đất quê hương. Chúng tôi muốn tiếp tục phát triển SokFarm gắn bó với nông hộ và quê hương Trà Vinh của Chal Thi.

Ngoài giá trị kiếm tiền, chúng tôi muốn tạo ra hệ giá trị cho vùng đất này để đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

Tiếp theo, chúng tôi sẽ đa dạng hóa sản phẩm, tăng giá trị cho sản phẩm để có doanh thu tốt hơn, sản phẩm được đến với nhiều người tiêu dùng hơn.

Đỗ Lan

Từ khóa:  mát-xa , dừa
Cùng chuyên mục
XEM