Cặp vợ chồng đứng sau vaccine Covid-19 thử nghiệm ‘hiệu quả hơn 90%’ của Pfizer và BioNTech

11/11/2020 16:36 PM | Xã hội

Sự nghiệp kinh doanh của ông Sahin và bà Tuereci bắt đầu vào năm 2001, khi hai vợ chồng cùng thành lập công ty dược Ganymed Pharmaceuticals để phát triển các kháng thể chống ung thư.

Ngày 9/11, công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức thông báo, vaccine Covid-19 do họ cùng đối tác Mỹ Pfizer nghiên cứu và sản xuất đạt hiệu quả phòng ngừa trên 90% số người tham gia thử nghiệm. Pfizer và BioNTech là hai hãng dược đầu tiên công bố dữ liệu thành công từ một cuộc thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đối với vaccine ngừa Covid-19. Hai công ty cho biết tính đến thời điểm hiện tại họ không phát hiện ra các vấn đề về an toàn, và dự kiến sẽ xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine ở Mỹ vào cuối tháng này.

Những dữ liệu tích cực từ loại vaccine Covid-19 do 2 công ty điều chế là một thành công bất ngờ đối với cặp vợ chồng sáng lập công ty công nghệ sinh học của Đức, những người đã cống hiến cả cuộc đời để nghiên cứu phương pháp tăng cường hệ miễn dịch chống lại căn bệnh ung thư.

Theo tuần san Welt am Sonntag, thông tin này đã giúp CEO BioNTech Ugur Sahin, 55 tuổi - với xuất thân khiêm tốn là con trai của một người nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại nhà máy của Ford ở Cologne – cùng với vợ cũng là thành viên trong ban lãnh đạo BioNTech, bà Oezlem Tuereci, 53 tuổi, lọt top 100 người giàu nhất nước Đức.

Giá trị thị trường của BioNTech đã tăng đột biến lên 21 tỷ USD khi kết phiên giao dịch trên sàn Nasdaq hôm thứ sáu tuần trước, so với mức 4,6 tỷ USD cách đây một năm.

“Dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng ông ấy không bao giờ thay đổi, vẫn là một người hết sức khiêm nhường”, Matthias Kromayer, thành viên hội đồng quản trị của quỹ đầu tư mạo hiểm MIG AG, đơn vị đầu tư vào BioNTech cho hay.

Theo miêu tả của ông Kromayer, ông Ugur Sahin thường đến các cuộc họp kinh doanh với quần jean, chiếc ba lô và mũ bảo hiểm đi xe đạp đặc trưng của mình.

Bền bỉ theo đuổi giấc mơ từ thời thơ ấu là theo học ngành dược và trở thành một dược sĩ, ông Sahin từng làm giảng viên y học tại Đại học Cologne và ở thành phố Homburg, nơi mà ông gặp bà Tuereci. Cả hai đã cùng nhau chia sẻ niềm đam mê đối với nghiên cứu dược phẩm và chuyên ngành ung thư.

Bà Tuereci, con gái của một bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư vào Đức, từng cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng, thậm chí trong ngày tổ chức đám cưới, hai người vẫn dành thời gian trong phòng thí nghiệm.

Cùng với nhau, cả hai đã cống hiến công sức cho các nghiên cứu tăng cường hệ miễn dịch để biến nó thành một “đồng minh” trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, cũng như giải quyết vấn đề về cấu trúc di truyền duy nhất của mỗi khối u.

Sự nghiệp kinh doanh của ông Sahin và bà Tuereci bắt đầu vào năm 2001, khi hai vợ chồng cùng thành lập công ty dược Ganymed Pharmaceuticals để phát triển các kháng thể chống ung thư. Nhưng ông Sahin – vào thời điểm đó là Giáo sư tại ĐH Mainz – chưa từng từ bỏ việc nghiên cứu và giảng dạy.

Cặp đôi nhận được vốn từ quỹ đầu tư của MIG AG cùng với Thomas và Andreas Struengmann – hai anh em tỷ phú đã bán công ty sản xuất thuốc Hexal cho Novartis vào năm 2005.

Năm 2006, công ty dược Ganymed Pharmaceuticals được bán cho hãng Astellas của Nhật Bản với giá 1,4 tỷ USD. Cũng trong khoảng thời gian này, đội ngũ đứng đằng sau Ganymed Pharmaceuticals đã bắt tay vào việc gây dựng BioNTech.

Năm 2008, BioNTech được thành lập với mục tiêu phát triển các công cụ miễn dịch chống ung thư. Một trong những công cụ hữu ích mà công ty này phát triển chính là mRNA, cấu trúc truyền đạt các thông tin di truyền tới tế bào.

Đội hình trong mơ

Đối với ông Kromayer, cặp đôi Sahin-Tuereci là một “đội hình trong mơ” khi hai người luôn cố gắng cân bằng giữa tầm nhìn của họ và thực tế.

BioNTech đã có sự thay đổi đột biến vào tháng 1 năm nay, khi ông Sahin bắt gặp một báo cáo khoa học về dịch bệnh do virus corona chủng mới ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sahin lập tức nảy ra ý tưởng điều chế một loại vaccine dựa trên mRNA – cấu trúc vốn đang được nghiên cứu trong điều trị chống ung thư.

BioNTech nhanh chóng thành lập một nhóm gồm 500 nhân viên để tham gia dự án này, họ làm việc với “vận tốc ánh sáng” và cuối cùng nhận được hợp đồng đối tác với Pfizer và hãng dược Trung Quốc Fosun trong tháng 3 năm nay.

Theo giáo sư chuyên khoa ung thư thuộc đại học Mainz Matthias Theobald, người đã cùng làm việc với ông Sahin suốt hơn 20 năm qua, Sahin không quá chú trọng tới tuyên bố thành công mới đây bởi ông có tham vọng không ngừng nghỉ với việc chuyển đổi quy mô từ nghiên cứu thuốc trị ung thư sang vaccine Covid-19.

“Ông ấy là người rất giản dị và khiêm tốn. Ông ấy muốn tạo ra những cấu trúc cho phép hiện thực hóa tầm nhìn của bản thân, là nơi mà những khát vọng trở nên lớn lao hơn,” giáo sư Theobald đánh giá.

Phát biểu với phóng viên hôm 9/11, ông Sahin cho biết tỷ lệ hơn 90% là “con số phi thường” , đồng thời thừa nhận khi mới bắt tay vào nghiên cứu, ông đã không lường trước được rằng đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn tới mức nào.

“Đó chắc chắn không phải là điều mà bạn có thể dễ dàng nói với tư cách là một nhà khoa học nghiêm túc, nhưng dẫu vậy, ngay từ đầu, nó đã nằm trong phạm vi khả năng của chúng tôi.”

Đỗ Hiền

Cùng chuyên mục
XEM