Cập nhật Covid-19 ngày 4/4: Thế giới có hơn 59.000 người tử vong, CDC khuyến cáo người dân Mỹ nên đeo khẩu trang khi ra đường
Tính đến ngày 4/4, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.097.810 ca nhiễm nCov, trong đó có 59.140 trường hợp tử vong và 228.405 người đã hồi phục. Cho đến nay, dịch bệnh đã ảnh hưởng và lây lan đến 205 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Mỹ ngày hôm qua ghi nhận thêm 32.088 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 276.965, có thêm 1.320 trường hợp tử vong, theo đó số người chết hiện là 7.391. Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng đểu yêu cầu đình chỉ việc xuất khẩu các sản phẩm y tế quan trọng sang nước khác. Ngoài ra, CDC hiện đã thừa nhận tầm quan trọng của khẩu trang, khuyến cáo người dân Mỹ nên đeo khẩu trang vải khi đến nơi công cộng, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh và bảo vệ bản thân.
Số ca dương tính với nCoV ở Italy hiện là 119.827, tăng thêm 4.585 ca so với ngày hôm trước, trường hợp tử vong cũng tăng thêm 766 lên 14.681. Hiện tại, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng số ca nhiễm và tử vong ở Italy thực ra cao hơn nhiều so với con số được công bố, Matteo Villa - nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính trị Italy, nhận định: "Chắc chắn rằng số liệu là sai. Số người chết được công bố có thể thấp hơn tới 6.000, tương đương với 1/3 con số chính thức."
Tây Ban Nha có thêm 7.134 ca nhiễm, tăng lên 119.199 ca, với 11.198 người chết, tăng thêm 850 trường hợp so với ngày hôm trước. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã ảnh hưởng đặc biệt nặng nề đến những người dân lớn tuổi ở nước này. Giới chức Tây Ban Nha cũng thừa nhận rằng số máy thở không đủ để cung cấp cho những bệnh nhân cao tuổi có triệu chứng nặng, bởi ban đầu được sử dụng cho những bệnh nhân trẻ và khoẻ mạnh hơn.
Pháp hiện ghi nhận 64.338 trường hợp dương tính với nCoV, tăng 5.233. Nước này ghi nhận số ca tử vong lớn nhất trong 1 ngày. Bộ Y tế thông báo có 588 ca tử vong mới tại các bệnh viện và 1.416 ca ở các nhà điều dưỡng, nâng tổng số ca lên 6.507. Tuy nhiên, số người chết ở các bộ phận chăm sóc đặt biệt đã giảm trong 4 ngày liên tiếp, đây là dấu hiệu cho thấy rằng các biện pháp phong toả ở Pháp và khắp châu Âu đang có hiệu quả.
Đức hiện là ổ dịch lớn thứ 4 thế giới, có 91.159 ca nhiễm và 1.275 trường hợp tử vong. Cho đến nay, tỷ lệ tử vong ở Đức chỉ là hơn 1%, thấp hơn nhiều so với 1 số quốc gia cùng khu vực, nhờ quyết định của chính phủ trong việc đẩy mạnh việc xét nghiệm đối với những ca nghi nhiễm. Trong khi đó, Italy và Anh chỉ xét nghiệm những người đã có triệu chứng. Những người nhiễm bệnh ở Đức có độ tuổi thấp hơn so với trung bình. Hơn nữa, số lượng bệnh nhân tăng chậm nên người bệnh được điều trị ở những cơ sở y tế hàng đầu.
Iran vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 châu Á, sau Trung Quốc, với 53.183 người nhiễm, trong đó có 3.294 trường hợp tử vong. Thời gian gần đây, truyền thông Iran đã cảnh báo về tình trạng bất ổn ở một số nhà tù và một cuộc đào tẩu lớn ở khu trại giam phía tây nước này, dù trước đó đã có hơn 100.000 người ra tù để hạn chế tình trạng quá tải.
Tại Đông Nam Á, Malaysia hiện là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất khu vực, vói 3.333 ca và 53 người đã tử vong. Indonesia có tỷ lệ tử vong cao nhất, với 181 người chết trong 1.986 người nhiễm. Philippines cũng có hơn 3.000 ca nhiễm và 136 trường hợp tử vong. Thái Lan mới đây đã ra lệnh giới nghiêm trên cả nước khi có 1.978 người nhiễm và 19 ca tử vong.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cho biết việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế quá nhanh có thể khiến dịch bệnh bùng phát trở lại và tác động đối với nền kinh tế sẽ nghiêm trọng và kéo dài hơn. Ông cho rằng các quốc gia nên tiếp tục áp dụng lệnh phong toả để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, WHO cũng thừa nhận về sự quan trọng của khẩu trang, cho biết việc che miệng khi ho có thể giúp hạ khả năng lây lan ở một số nơi. Tuy nhiên, khẩu trang N95 nên được dành riêng cho các nhân viên y tế tuyến đầu.