Cặp du học sinh cấp 3 mang túi xách "độc lạ" lên gọi vốn, Shark Hùng Anh khuyên "học xong rồi làm", Shark Hưng: "Tôi có vài chục doanh nghiệp vẫn đi học bình thường"

24/10/2023 06:09 AM | Kinh doanh

Sau 6 tháng ra mắt bộ sưu tập đầu tiên, startup của cặp du học sinh Mỹ chưa học xong cấp 3 đã bán được 95% sản phẩm, thu về 500 triệu doanh thu, lợi nhuận lên tới 28%. Tuy nhiên, 4 "cá mập" vẫn cho rằng hai em cần tập trung vào học, trừ Shark Hưng.

2 đại diện startup L’arlesienne.

Trong tập 4 của chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 6 có sự xuất hiện của thương hiệu thời trang L’arlesienne, với đại diện là 2 du học sinh đang học cấp 3 tại Mỹ: Đinh Phúc Khang – Nhà sáng lập mới bước qua tuổi 18 và Nguyễn Ngọc Khánh Linh – Giám đốc mỹ thuật 16 tuổi.

Được thành lập vào tháng 12/2022 với vốn điều lệ là 300 triệu đồng, L’arlesienne định vị mình là doanh nghiệp thời trang cao cấp với dòng sản phẩm chính là những chiếc túi da mang thiết kế độc đáo. Thương hiệu này đã ra mắt bộ sưu tập đầu tiên tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sau 6 tháng mở bán, 2 bạn trẻ đã bán được 95% sản phẩm, đạt hơn 500 triệu đồng doanh thu, tỷ suất lợi nhuận là 28%.

Lên sóng Shark Tank, Phúc Khang và Khánh Linh muốn kêu gọi 300 triệu đồng cho 15% cổ phần để đầu tư vào việc sản xuất bộ sưu tập mới có tên “Le Chat”. Chiếc túi được thiết kế hình con mèo “độc lạ”, với điểm nhấn là sơn mài độc bản ở cổ, mắt mèo và khóa kéo.

Tổng chi phí dự tính để có thể bắt đầu sản xuất bộ sưu tập rơi vào 1 tỷ đồng. Doanh thu dự kiến là 2,4 tỷ đồng với 400 sản phẩm. Giá bán dự kiến là 6 triệu đồng/chiếc.

“Các khán giả sẽ đặt câu hỏi là các bạn trẻ như thế này chưa chắc có đủ kinh nghiệm để lên chương trình, các bạn trả lời như thế nào? Tại sao chúng tôi phải đầu tư vào hai bạn?”, Shark Louis Nguyễn đặt câu hỏi.

Phúc Khang thừa nhận 2 người điều hành doanh nghiệp đều chưa học đại học, cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về thiết kế hoặc quản lý kinh doanh.

“Nhưng cái chúng con có là niềm đam mê với thời trang. Chúng con đến với Shark Tank để tìm kiếm một nhà đầu tư chiến lược, có thể giúp chúng con đi được đường dài”, Phúc Khang nêu mục tiêu.

Các Shark đều tỏ ra lo ngại khi Phúc Khang và Khánh Linh đi học bên Mỹ thì không ai quản lý công ty, trong khi công ty chỉ có duy nhất 2 nhân sự. Khâu sản xuất thuê một xưởng làm outsource.

“Hiện tại thì từ đầu năm cho đến tháng 6, tụi con sẽ tập trung vào việc thiết kế. Đến tháng 6 là thời điểm bắt đầu nghỉ hè, tụi con sẽ sản xuất mẫu. Sau khi sản xuất mẫu xong thì bắt đầu khảo sát thị trường để mở bán vào dịp cuối năm, cũng là dịp mà rất nhiều doanh nghiệp bắt đầu xả hàng, nhu cầu shopping của mọi người rất lớn”, Phúc Khang trình bày.

Tuy nhiên, Shark Lê Hùng Anh ngay lập tức từ chối đầu tư, với lý do 2 người điều hành đều cần tập trung vào học .

“Anh đánh giá rất cao niềm đam mê và mong muốn khởi nghiệp của tụi em. Sản phẩm rất đẹp. Anh nhìn được trong tụi em tố chất rất tốt, chỉ 5-7 năm nữa sau khi ra trường, tụi em sẽ làm tốt hơn nữa. Còn bây giờ việc đầu tiên là phải tập trung vào học. Quan trọng nhất với tụi em là đi học, học xong rồi mình làm”, Shark Hùng Anh thẳng thừng.

Đề cập đến đối tượng khách hàng, Phúc Khang cho biết khách của L’arlesienne ở bộ sưu tập đầu tiên là những người có thu nhập ổn định, trên 20 triệu đồng, không muốn phải tiêu quá nhiều tiền vào một chiếc túi hàng hiệu nhưng vẫn muốn một mẫu thiết kế độc đáo.

Tuy nhiên, Shark Lê Hàn Tuệ Lâm cho rằng với người Việt Nam, tầng lớp có thu nhập cao, chứ không phải là ổn định, mới có thể hướng đến những chiếc túi giá trên 5 triệu đồng. Thêm vào đó, thị trường đang có tất cả các mặt hàng từ nhiều quốc gia, với giá dao động từ vài trăm nghìn. Nữ “cá mập” cũng quyết định không đầu tư.

Tương tự Shark Hùng Anh, Shark Nguyễn Hòa Bình và Shark Louis đều không yên tâm với việc hai người điều hành doanh nghiệp vẫn đang đi học, và đều từ chối đầu tư.

Tuy nhiên, Shark Phạm Thanh Hưng có suy nghĩ khác.

“Tôi đang có vài chục doanh nghiệp mà vẫn đi học bình thường, nếu chúng ta biết cách sắp xếp. Ở mùa Shark Tank này, tôi đại diện cho một quỹ đầu tư có công ty làm nhiệm vụ giúp chúng tôi quản lý sau đầu tư. Tôi rất muốn truyền cho các bạn kiến thức quản trị kinh doanh”, Shark Hưng nêu quan điểm, đồng thời đề nghị đầu tư 300 triệu đồng cho 34% cổ phần, cam kết không tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ của đội ngũ sáng lập không bị ảnh hưởng.

Shark Hưng còn cho biết ông có thể tìm kiếm thêm nhà đầu tư cùng lĩnh vực với L’arlesienne mà đã có sẵn hệ thống phân phối, có cùng phân khúc và cùng tệp khách hàng. Tuy nhiên mục tiêu đầu tiên là hai nhà sáng lập phải đảm bảo việc học, không được quá xao nhãng. Việc khởi nghiệp có thể coi là một cuộc thực tập nhưng phải thật sự nghiêm túc để sau này có thể điều hành được doanh nghiệp nghìn tỷ.

Sau khi cân nhắc, Phúc Khang đàm phán với Shark Hưng mức đầu tư 300 triệu đổi lấy 25% cổ phần.

Shark Hưng tiếp tục đưa ra con số 30% cổ phần cho 300 triệu đồng đầu tư và L’arlesienne đồng ý , khép lại một thương vụ gọi vốn thành công của một startup trẻ tại Shark Tank Việt Nam mùa 6.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM