Cao tốc vượt tiến độ 3 tháng: Tập đoàn Sơn Hải đã đề xuất nhiều kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý
Dự án Nha Trang - Cam Lâm, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ GTVT, sự quyết tâm cao của nhà đầu tư và các đơn vị liên quan, đã "về đích" trước 3 tháng.
Mới đây, tại Nha Trang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, với 8 dự án đầu tư công và 3 dự án hợp tác công tư (PPP).
Một trong số các dự án PPP được khánh thành vào ngày 18/6 là dự án Nha Trang - Cam Lâm, có chiều dài 49,1 km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120 km/h.
Tổng vốn thực hiện dự án là hơn 5.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng hơn 2.500 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án khoảng gần 3.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Dự án được khởi công tháng 9/2021, đến nay, tuyến chính đã cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.
Dự án thứ hai khánh thành trong ngày 18/6 là Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, có chiều dài khoảng 100,8 km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h.
Đây là dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 9/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính và đã được Bộ GTVT đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.
Cả hai dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết và các dự án khác của giai đoạn 1 đang triển khai xây dựng, trong quá trình thi công đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.
Nắm bắt và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc đó, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT đã tập trung thời gian để chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện. Chính phủ đã kịp thời ban hành các nghị quyết để giải quyết thiếu hụt vật liệu cho các dự án; quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp để sớm bình ổn giá vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu…
Đặc biệt, đối với dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho đến cận thời điểm về đích (30/4/2023), tuyến chính dù đã cơ bản hoàn thành song vẫn không thể kết nối đồng bộ cùng thời điểm với cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây do phải chờ gia hạn mỏ đất đắp.
Tháo gỡ khó khăn cho dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 47 thí điểm về tháo gỡ khó khăn cấp phép khai thác các mỏ đất đắp phục vụ dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, nhờ đó, dự án đã hoàn thành vào dịp sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2023).
Còn dự án Nha Trang - Cam Lâm được đầu tư theo phương thức PPP, triển khai trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa hoàn thiện. Dự án được lựa chọn nhà đầu tư trước khi Luật đầu tư PPP được ban hành, "làn sóng" phản ứng các dự án BOT giao thông xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư và e ngại của tổ chức tín dụng tài trợ vốn. Việc kêu gọi đầu tư PPP tại dự án cao tốc Bắc - Nam có lúc tưởng chừng khó thực hiện.
Nhưng với sự đồng hành tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan, các dự án thành phần: Nha Trang - Cam Lâm, Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo lần lượt lựa chọn được các nhà đầu tư uy tín.
Hợp đồng PPP dự án Nha Trang - Cam Lâm được ký kết ngày 6/5/2021. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, sự vào cuộc quyết tâm cao của Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan, dự án Nha Trang - Cam Lâm đã rút ngắn thời gian về đích trước 3 tháng.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Sơn Hải xúc động nhắc lại 2 lần Thủ tướng Phạm Minh Chính vào thăm, kiểm tra, động viên các dự án cao tốc Bắc – Nam trong hai dịp Tết Nguyên đán 2022, 2023, trong đó có dự án Nha Trang – Cam Lâm. Tập đoàn đã mạnh dạn đề xuất nhiều kiến nghị và được Thủ tướng đồng ý để nâng cao chất lượng và rút ngắn tiến độ thi công 3 tháng.
Việc đưa vào khai thác 2 đoạn cao tốc đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ TP. HCM - Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu du lịch, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng đất duyên hải tươi đẹp Nam Trung Bộ, kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn là TP. HCM và Khánh Hòa, hai vùng kinh tế - xã hội.
Hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố.
Với việc đưa vào khai thác 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với tổng chiều dài hơn 150 km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam được nâng lên 954 km. Tính cả các tuyến cao tốc khác, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác gần 600 km, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729 km. Tới đây, sẽ hoàn thành thêm 123 km vào cuối năm 2023 và tập trung triển khai thực hiện xây dựng để hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam vào năm 2025 và mục tiêu này là khả thi.
Việc hoàn thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận nói riêng, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của đất nước nói chung.