Cao tốc gần 20.000 tỷ của vùng giàu nhất Việt Nam sẽ được liên thông thẳng tới Thủ đô nước láng giềng?

30/08/2024 14:41 PM | Địa phương

Bộ GTVT đang thành lập nhóm công tác liên ngành để thúc đẩy triển khai các thủ tục kết nối tuyến cao tốc của Việt Nam vào cao tốc của nước bạn.

7.100 tỷ đồng bồi thường cho Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự kiến tổng vốn đầu tư là 19.617 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là quy mô 4 làn xe; giai đoạn 2 là quy mô 6-8 làn xe.

Đây là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Dự án phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài – TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. 

Cao tốc gần 20.000 tỷ của vùng giàu nhất Việt Nam sẽ được liên thông thẳng tới Thủ đô nước láng giềng?- Ảnh 1.

Vị trí hướng tuyến dự kiến của đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài. Nguồn: Ban Giao thông TPHCM

Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Dự án dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành năm 2027.

Tổng số trường hợp bị ảnh hưởng trong khu vực dự kiến thu hồi cho cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là hơn 1.808 trường hợp, trong đó có 336 trường hợp đủ điều kiện tái định cư.

Ban Chỉ đạo Bồi thường hỗ trợ Tái định cư TP.HCM ngày 30/8 cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã thu thập được thông tin và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực có cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua là 1.794 trường hợp/1.808 trường hợp, đạt tỉ lệ 99%. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy công tác giải phóng mặt bằng ở khu vực TP.HCM có nhiều thuận lợi, giúp cao tốc sớm được triển khai xây dựng. 

Dự toán tổng kinh phí bồi thường dự án, đoạn qua địa bàn TP khoảng 7.100 tỷ đồng (tăng 1.832,7 tỷ đồng so dự toán).

Kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với Phnôm Pênh - Bà Vẹt 

Hồi tháng trước, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các đơn vị liên quan yêu cầu triển khai kết nối tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài của Việt Nam với tuyến cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt của Camphuchia.

Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các bộ, địa phương, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc thống nhất điểm kết nối giữa tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài của Việt Nam với tuyến cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt của Campuchia.

UBND TP.HCM cho biết, TP được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Hiện, Bộ GTVT đã đề nghị nghiên cứu kết nối giữa cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt. Sau khi trao đổi, thống nhất tỉnh Tây Ninh, UBND thành phố đã có ý kiến gửi Bộ GTVT.

Cao tốc gần 20.000 tỷ của vùng giàu nhất Việt Nam sẽ được liên thông thẳng tới Thủ đô nước láng giềng?- Ảnh 2.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trong tương lai. Ảnh minh họa AI ChatGPT

Theo đó, tuyến kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt nằm ngoài phạm vi dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Hiện tại, kết nối giao thông, giao thương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia tại cặp cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt được thông qua QL22 (phía Việt Nam) và QL1 (phía Campuchia).

Tỉnh Tây Ninh cũng đang lập Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Vì vậy trước mắt cần nghiên cứu đoạn kết nối cao tốc từ thị trấn Bến Cầu đến khu vực chốt Cây Me với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt.

UBND TP.HCM cho hay, biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Bộ Giao thông công chính Campuchia đã nêu rõ: Tuyến đường cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt gần biên giới Campuchia và Việt Nam được quy hoạch tại vị trí bên cạnh cột mốc biên giới số 164 tại làng Thiok, cách QL1 (NR1) khoảng 4 km, thuộc làng Prey Phdao của xã Chrok Mtes, TP Bà Vẹt. 

Tuy nhiên, điểm kết nối được đề xuất và kế hoạch phát triển trong tương lai để xây dựng một công trình biên giới mới tùy thuộc vào quyết định và thỏa thuận tiếp theo của cả hai Chính phủ.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài giúp vùng giàu nhất Việt Nam phát triển hơn nữa

Vùng Đông Nam Bộ nơi cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua có tổng diện tích hơn 23.560 km2, dân số khoảng 18,8 triệu người (năm 2022), được coi là vùng giàu nhất Việt Nam với nhiều chỉ số kinh tế vượt trội so với các khu vực khác. 

Đông Nam Bộ đóng góp hơn 30,9% vào GDP cả nước năm 2022 dù chỉ chiếm khoảng 8% diện tích và 18% dân số. Điều này cho thấy mức độ phát triển kinh tế cao của khu vực này. 

Tính đến năm 2022, Đông Nam Bộ cũng là vùng có thu nhập bình quân tháng năm 2022 cao nhất (6,33 triệu đồng/người/tháng). GDP bình quân đầu người của Đông Nam Bộ đạt 6.900 USD, cao hơn mức bình quân của cả nước là 4.110 USD. 

Đến năm 2050, Đông Nam Bộ đặt mục tiêu sẽ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao, tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu hiện đại nhất cả nước. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2031-2050 khoảng 7,5% một năm, và GRDP đầu người khoảng 54.000 USD.

Để đạt được mục tiêu trên, vùng Đông Nam Bộ cần sớm đưa cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thành hiện thực để thúc đẩy giao thương, xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa với Campuchia, đồng thời mở rộng kết nối với các thị trường ASEAN.

Trong tương lai, tuyến đường sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế các khu vực biên giới, đặc biệt là Tây Ninh và các tỉnh lân cận. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và dịch vụ logistics có thể phát triển mạnh mẽ hơn nhờ vào sự kết nối thuận tiện giữa TP.HCM và các cảng biển lớn. 

Với cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ có thêm động lực để đầu tư vào vùng Đông Nam Bộ và các khu vực lân cận, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ. 

Tuyến cao tốc này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch, giúp kết nối các điểm du lịch nổi tiếng ở Đông Nam Bộ và Tây Ninh với du khách từ TP.HCM và các tỉnh khác. Điều này có thể thúc đẩy phát triển ngành du lịch và dịch vụ tại các tỉnh trong vùng.


Theo Thái Hà

Cùng chuyên mục
XEM