Cạo lưỡi nhưng không hết mảng trắng, hơi thở có mùi vị 'mục nát' đều là những dấu hiệu ung thư khoang miệng

01/10/2022 10:24 AM | Sống

Trong số các bệnh ung thư vùng đầu cổ thì ung thư khoang miệng và họng là bệnh lý thường gặp nhất. Khối u có thể xuất hiện ở vị trí nướu răng, vòm khẩu cái, lưỡi hay niêm mạc miệng.

Theo GLOBOCAN 2018, hàng năm có khoảng 354.000 ca mới mắc và có 177.000 ca tử vong do ung thư khoang miệng. Loại mô bệnh học hay gặp nhất là ung thư biểu mô vẩy (SCC) chiếm khoảng 90 - 95%.

Ung thư miệng xảy ra khi có sự thay đổi gene trong cơ thể dẫn đến các tế bào phát triển mà không có sự kiểm soát, tạo thành khối u. Độ tuổi trung bình thường mắc ung thư miệng được ghi nhận là 62 tuổi, bệnh có nhiều khả năng ảnh hưởng đến nam giới hơn nữ giới.

Dấu hiệu ung thư miệng

Dấu hiệu của bệnh ung thư miệng sẽ có thay đổi qua từng giai đoạn bệnh, cụ thể:

Giai đoạn tiền ung thư: Ở giai đoạn này thường bắt đầu xuất hiện các mảng trắng trong miệng gọi là bạch sản, không biến mất khi bạn cố gắng chà xát, loại bỏ chúng. Niêm mạc miệng xuất hiện những vùng có đường trắng với viền hơi đỏ, có thể bị loét.

Miệng xuất hiện nhiều tổn thương như vết loét, lở miệng có thể là dấu hiệu tiền ung thư. Mọi người nên đi khám chuyên khoa khi thấy các thay đổi xảy ra trong miệng để sàng lọc sớm, dễ điều trị hơn ở giai đoạn đầu nếu mắc ung thư.

Cạo lưỡi nhưng không hết mảng trắng, hơi thở có mùi vị "mục nát" đều là những dấu hiệu ung thư khoang miệng ít ai biết tới - Ảnh 1.

Triệu chứng phổ biến của ung thư miệng là vết loét không lành ở bất cứ nơi nào trong miệng

Giai đoạn ung thư: Nếu tế bào ung thư phát triển, người bệnh có thể thấy các mảng màu đỏ hoặc trắng trên niêm mạc miệng hoặc lưỡi; chảy máu, đau hoặc tê trong miệng; loét miệng hoặc vết loét không lành; xuất hiện khối u trong miệng, niêm mạc miệng dày lên.

Ở giai đoạn này, những thay đổi về răng cũng xuất hiện như: răng lung lay không rõ lý do, nướu dày lên, sưng hàm. Bạn cũng có thể đau họng hoặc cảm thấy như có gì mắc kẹt trong cổ họng, giọng khàn, khó hoặc đau khi nhai nuốt, khó cử động lưỡi hoặc hàm.

Nhìn chung, các triệu chứng ung thư khoang miệng dễ làm nhiều người nhầm lẫn với bệnh nhiệt miệng thông thường nên hay bỏ qua, chủ quan nên đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn mới phát hiện ra và điều trị.

Mùi vị khác thường ở người mắc ung thư miệng

Theo tổ chức nghiên cứu ung thư Anh - Cancer Research UK, triệu chứng phổ biến của ung thư miệng là vết loét không lành ở bất cứ nơi nào trong miệng. Ngoài ra, còn có một triệu chứng thứ phát của ung thư miệng là ngửi thấy mùi thịt thối trong miệng.

Bác sĩ răng hàm mặt Luke Cascarini tại Bệnh viện London, Bridge (Anh), giải thích: Một người nếu bị ung thư trong miệng và lây lan, sẽ có thể cảm nhận được mùi "thịt thối" trong miệng. Vì ung thư không làm mất vị giác, mà chỉ xâm nhập vào lưỡi.

Cũng theo bác sĩ Cascarini, nguyên nhân là do khi ung thư phát triển, phần thịt ở giữa khối u sẽ bị phân hủy và tạo ra mùi vị giống như có thịt thối trong miệng.

Cạo lưỡi nhưng không hết mảng trắng, hơi thở có mùi vị "mục nát" đều là những dấu hiệu ung thư khoang miệng ít ai biết tới - Ảnh 2.

Người bị ung thư miệng thường hơi thở có mùi hôi

"Khi ung thư còn nhỏ, khối u được cung cấp đủ máu để sống. Nhưng khi khối u phát triển lớn, các mạch máu không thể nuôi phần giữa của khối u, nên phần giữa sẽ chết đi. Khi khối u lớn hơn, người bệnh có thể cảm thấy mùi vị kinh khủng trong miệng", bác sĩ Cascarini nói.

Nguyên nhân bệnh ung thư khoang miệng

Nguyên nhân ung thư khoang miệng chưa được biết rõ, tuy nhiên có rất nhiều yếu tố được xác định là yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Thuốc lá: Thuốc lá có liên quan đến hầu hết các ung thư khoang miệng ở nam và hơn nửa số ung thư khoang miệng ở nữ. Chỉ có khoảng 2-10% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không hút thuốc lá. Mọi hình thức sử dụng thuốc lá đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng (dạng xì gà, tẩu, thuốc lá dạng nhai (chewing), thuốc lá dạng hít (snuff) và hút thuốc lá ngược đầu). Xì gà, hút tẩu có nguy cơ mắc ung thư khoang miệng cao hơn thuốc lá thông thường, hút tẩu còn làm tăng nguy cơ ung thư môi.

Rượu: Uống rượu cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư khoang miệng. Chỉ có dưới 3% bệnh nhân ung thư đường hô hấp và tiêu hóa trên không uống rượu. Rượu và thuốc lá có tác dụng hiệp đồng với nhau. Một yếu tố đơn độc làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên 2-3 lần, nhưng khi kết hợp lại, chúng có thể tăng gấp 15 lần.

Nhai trầu: Người nhai trầu có nguy cơ ung thư khoang miệng cao gấp 4-35 lần người không có thói quen này. Nhai trầu có liên quan tới bạch sản - một tổn thương tiền ung thư. Thành phần trầu bao gồm lá trầu, vỏ cau, vôi, rễ cây... được nhai hoặc nghiền trong cối, tạo nên một dung dịch màu đỏ thường đọng lại ở lợi hàm dưới trong quá trình nhai trầu. Miếng trầu thường cọ xát vào môi, niêm mạc má là lợi hàm dưới. Một số trường hợp còn dùng thêm một chút thuốc lào chà xát lên răng và lợi hàm, sau đó bỏ đi hoặc tiếp tục nhai lẫn với miếng trầu. Như vậy, khi nhai trầu niêm mạc miệng phải chịu đồng thời tác động cơ học và hóa học.

Các tổn thương tiền ung thư: Tổn thương tiền ung thư thường gặp trong ung thư khoang miệng là bạch sản, hồng sản và xơ hóa dưới niêm mạc. Các tổn thương này chưa phải là ung thư nhưng có nguy cơ chuyển thành ung thư khi có các tác nhân sinh ung thư tác động vào.

Bạch sản là tổn thương màu trắng, không mất đi khi gạt. Bạch sản được chia ra 4 loại: dạng phẳng, dạng mụn cơm, dạng loét và dạng chồi. Bạch sản có khả năng trở nên ác tính trung bình là 6%, đối với dạng phẳng là 5%, dạng mụn cơm là 10%, dạng loét là 15-20% và dạng phẳng thoái hóa là 55%.

Cạo lưỡi nhưng không hết mảng trắng, hơi thở có mùi vị "mục nát" đều là những dấu hiệu ung thư khoang miệng ít ai biết tới - Ảnh 3.

Hồng sản là tổn thương màu đỏ, mịn như nhung, hơi nhô cao với tỷ lệ ung thư là 33,3%.

Xơ hóa dưới niêm mạc là tổn thương mạn tính, gây sẹo xơ trong khoang miệng, biểu hiện bởi các sợi xơ dưới niêm mạc dẫn đến các cử động hạn chế của miệng và lưỡi.

Virus HPV: Có sự liên quan chặt chẽ giữa ung thư khoang miệng với virus HPV.

Dinh dưỡng: Thiếu vitamin A và/hoặc ß-caroten là yếu tố nguy cơ gây ung thư biểu mô khoang miệng.

Hội chứng Plummer-Vinson: là hội chứng có liên quan đến ung thư khoang miệng. Bệnh biểu hiện ở phụ nữ trung niên với tình trạng thiếu máu thiếu sắt, các tổn thương nứt kẽ ở mép, môi, lưỡi đỏ, đau, niêm mạc thoái hóa teo hoặc dạng nhú, bạch sản, nuốt khó..

Các biến chứng có thể xảy ra khi điều trị ung thư miệng là: hẹp động mạch cảnh (kết quả của xạ trị và có thể dẫn đến các vấn đề tim mạch); các vấn đề về răng, giọng nói; khó ăn uống; nhiễm trùng.

Điều trị ung thư miệng phụ thuộc vào vị trí, giai đoạn và loại ung thư, gồm: phẫu thuật loại bỏ khối u (cắt bỏ một phần lưỡi, xương hàm, hạch bạch huyết), hóa trị, xạ trị, liệu pháp tăng thân nhiệt.

Để giảm nguy cơ ung thư miệng, mọi người nên tránh uống quá nhiều rượu và tránh sử dụng tất cả dạng sản phẩm thuốc lá, nhai trầu. Theo dõi và kiểm tra răng miệng thường xuyên, tiêm vaccine phòng HPV và tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây tươi và rau quả cũng làm giảm nguy cơ mắc ung thư này.

Nguồn: Express; Medical News Today

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM