"Cáo cụ" Tim Cook: Không phá giá như Xiaomi hay Vsmart, mà xâm chiếm dần dần vào thị phần Android

15/02/2020 11:04 AM | Kinh doanh

Giảm giá là chiêu bài quen thuộc, nhưng giảm giá như thế nào cho "đúng"? Hãy hỏi Tim Cook.

13 năm sau khi Steve Jobs khởi đầu cuộc cách mạng modern smartphone, iPhone giá rẻ vẫn là nỗi thèm muốn của nhiều người. Ngay cả khi Android giá rẻ tràn ngập thị trường, số lượng người tìm mua iPhone đời cũ vẫn đủ nhiều để iPhone 8 hay iPhone XR lọt top bán chạy nhất thế giới. Tại Việt Nam, nhiều người dùng còn chấp nhận rủi ro mua iPhone lock để rẻ được vài triệu đồng.  

 Bởi thế, chúng ta có thể gần như chắc chắn rằng, nếu iPhone được giảm giá mạnh, Apple chắc chắn sẽ chiếm thị phần cao hơn rất nhiều so với hiện nay. Nếu iPhone giá cao còn có thể lọt top (hay đứng đầu) các bảng xếp hạng bán chạy trong khi Android cao cấp hoàn toàn vắng bóng, chắc chắn iPhone giá thấp sẽ "làm gỏi" Android giá mềm.

Nhưng Apple giờ là công ty được lãnh đạo bởi con cáo già cao tay nhất làng công nghệ. Apple sẽ không bao giờ phá giá theo kiểu Xiaomi (hay Vsmart). Tháng 9/2019, iPhone 11 ra mắt với mức giá 700 USD, giảm 50 USD so với giá khởi điểm của iPhone XR khi vén màn vào năm 2018. Cùng lúc, chiếc XR cũ kỹ cũng không bị khai tử như 2 người anh em XS và XS Max mà được giảm giá chỉ còn 600 USD. Sau gần 3 năm, đến tận cuối 2019 Apple mới có iPhone khung giá 600.

Cáo cụ Tim Cook: Không phá giá như Xiaomi hay Vsmart, mà xâm chiếm dần dần vào thị phần Android - Ảnh 1.

Trong quý 3, dù mới chỉ có tuổi đời không đầy 1 tuần nhưng iPhone 11 vẫn lọt top 10 bán chạy nhất thế giới. Vị trí số 1 nằm vững trong tay iPhone XR. Đến quý 4, iP hone 11 vượt mặt đàn em. Theo nhiều nguồn phân tích thị trường, Apple có thể là thương hiệu iPhone số 1 thế giới trong quý cuối năm, vượt mặt đối thủ Samsung (do cả Apple và Samsung đều không công bố số liệu chính thống, vẫn có nhà phân tích cho rằng Samsung vượt Apple với khoảng cách không đáng kể).

Bất kể số liệu về doanh số có chính xác hay không, Apple đã đè bẹp tất cả các đối thủ cạnh tranh khác trên khía cạnh quan trọng nhất: lượng tiền thu về. Doanh thu iPhone trong quý 4/2019 đạt 56 tỷ USD, cao hơn tổng doanh thu tất cả các mảng kinh doanh của Samsung – vốn bao gồm cả các mảng bán dẫn, tấm, cảm biến hay TV thuộc top đầu thế giới bên cạnh smartphone. Con số này cũng gần tương đương với tổng doanh thu của Huawei trong cả nửa đầu năm 2019 và gấp gần 4 lần doanh thu smartphone của Xiaomi trong cả năm 2018. Khi doanh thu dịch vụ và phụ kiện vẫn đang phát triển đều đặn, cơn sốt mới của iPhone đã giúp cho Apple đạt doanh thu lên tới 91 tỷ USD trong quý tài chính cuối cùng của năm.

Cáo cụ Tim Cook: Không phá giá như Xiaomi hay Vsmart, mà xâm chiếm dần dần vào thị phần Android - Ảnh 2.

Doanh số iPhone trong quý 4/19 cho thấy với sức hút của Apple, chỉ 50 USD thôi cũng đã làm nên chuyện.

Thực tế, chính Apple cũng có phần bất ngờ về thành công của iPhone 11: vào quý 3, hãng này dự đoán doanh thu cả công ty trong quý 4 sẽ chỉ đạt 85 – 89 tỷ USD. Con số 91 tỷ USD đạt được cũng đã giúp Apple cán đổ một cột mốc quan trọng: thu về hơn 1 tỷ USD mỗi ngày. Tất cả các ông lớn khác trong làng công nghệ như Microsoft, Google hay Huawei và Samsung đều không chưa từng chạm tay đến cột mốc này.

 Nếu giảm giá khởi điểm chỉ 50 USD đã đủ giúp cho Apple vươn lên vị trí số 1 thế giới, điều gì sẽ xảy ra nếu như iPhone mới đối đầu trực tiếp với smartphone Samsung hay Xiaomi ở các mức giá vốn là "sân nhà" của các hãng này như 300 hay 400 USD? Chắc chắn, doanh số iPhone sẽ còn bùng nổ hơn nữa.

Nhưng một lần nữa, Tim Cook là một con cáo già, mà cáo già thì sẽ không bao giờ làm những điều mà kẻ khác cho là hiển nhiên. Chỉ cần giảm giá vỏn vẹn 50 USD, Apple đã vươn lên đứng đầu thế giới và cùng lúc thu về tới 20 tỷ USD lợi nhuận trong quý vừa rồi – giảm giá hơn nữa sẽ làm suy giảm tỷ suất lợi nhuận "trong mơ" của Táo. Quan trọng hơn, giảm giá sốc cũng có nghĩa rằng hình ảnh "premium" của Apple sẽ bị mai một, iPhone sẽ mất dần sức hút riêng trước các đối thủ Android. Khi ngay cả một hãng phá giá cấu hình như Xiaomi cũng đã hơn 1 lần suy giảm doanh số trầm trọng, một kẻ khôn ngoan như Tim Cook sẽ không giảm giá cho đến khi bắt buộc phải làm vậy.

Cáo cụ Tim Cook: Không phá giá như Xiaomi hay Vsmart, mà xâm chiếm dần dần vào thị phần Android - Ảnh 3.

Đáng sợ hơn, Tim Cook còn hai con bài mà không hãng Android nào có thể đấu lại: dịch vụ và phụ kiện. Trong quý 4, dịch vụ là mảng kinh doanh có doanh thu cao thứ 2 của Apple chỉ thua kém duy nhất iPhone trong khi mảng phụ kiện có doanh thu vượt mặt cả Mac lẫn iPad. Tính tổng cộng, doanh thu hai mảng này lên tới hơn 20 tỷ USD, vẫn cao hơn doanh thu smartphone của Xiaomi trong cả năm. Hiển nhiên, dù đều có bán phụ kiện hay dịch vụ riêng (đặc biệt là qua các bản ROM Trung Quốc), các hãng Android khác không thể cạnh tranh nổi với Apple. Xét cho cùng, người mua iPhone vẫn có tài chính dư dả hơn người mua smartphone Android.

Điều này có nghĩa rằng, nếu gộp chung các dịch vụ và phụ kiện vào cùng một hệ sinh thái với iPhone, Apple có đủ tiềm lực để giáng cho smartphone Android đòn đau hơn nữa. Tim Cook có thể tiếp tục giảm giá sâu hơn cho iPhone và bù đắp doanh thu/lợi nhuận bằng Apple Music, AirPods, Apple Watch, Apple TV+ v...v...

Một kịch bản như vậy có thể khiến các đối thủ Android phải hoảng sợ. Những chiếc iPad giá 300 USD ra mắt gần đây là minh chứng cho thấy Cook sẽ không ngại sử dụng chiêu bài giá khi cần. Câu hỏi duy nhất còn lại là, khi nào thì Tim Cook sẽ dùng chiêu bài này với iPhone? 

Cáo cụ Tim Cook: Không phá giá như Xiaomi hay Vsmart, mà xâm chiếm dần dần vào thị phần Android - Ảnh 4.

Có lẽ là chưa phải năm nay. Những chiếc smartphone mác Táo vẫn là ông vua không ngai của phân khúc cao cấp, và vị CEO cáo già của nhà Táo sẽ tận dụng vị thế ấy để thực thi chiến lược khôn ngoan của mình: giảm giá từ từ để chiếm dần thị phần từ Android, cùng lúc giữ vững cho doanh thu và lợi nhuận cao ngất ngưởng bằng định vị cao cấp và một hệ sinh thái hùng mạnh!

Theo Liam

Cùng chuyên mục
XEM