Cẩn trọng với nhà đầu tư ngoại ở lĩnh vực hàng không

16/12/2019 09:09 AM | Kinh doanh

Dù có nhiều đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài (room) tại doanh nghiệp hàng không Việt Nam, nhưng cuối cùng, Thủ tướng chỉ đồng ý tăng thêm 4% so với trước đây. Điều này, theo lý giải của cơ quan quản lý nhà nước và chuyên gia: Lo ngại tác động tiêu cực lên doanh nghiệp trong nước.

Đã có lúc Vinashin cũng đòi lập hãng bay

Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định sửa đổi một số điều Nghị định 92/2016 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Điểm đáng chú ý của nghị định mới là, từ ngày 1/1/2020, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không được huy động vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ (tăng thêm 4% so với quy định cũ).

Đi kèm với đó là một số điều kiện khác, khi bắt buộc phải có ít nhất một cá nhân hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất. Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn (doanh nghiệp liên doanh), phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân.

Việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài chỉ được thực hiện sau 2 năm kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không. Phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại phải được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận sau khi được Cục Hàng không thẩm định.

Câu chuyện room nhà đầu tư nước ngoài tại hãng hàng không Việt đã xuất hiện từ lâu, đặc biệt là khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO, năm 2007), và xu hướng hàng không giá rẻ phát triển mạnh trên toàn cầu. Khi đó, Chính phủ ban hành một quy định (Nghị định 76/2007/NĐ-CP), cho phép nhà đầu tư nước ngoài chiếm tối đa 49% vốn điều lệ.

Với quy định đó, hàng loạt hãng hàng không nước ngoài đã xúc tiến để lập hãng hàng không liên danh mới tại Việt Nam, như AirAsia, Qatas, Lion Air, thậm chí Tập đoàn Vinashin cũng tham gia cuộc chơi.

Tuy nhiên, vì một số lo ngại và để tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước phát triển, lớn mạnh, Nghị định 30/2013 đã siết room với nhà đầu tư ngoại, giảm từ 49% xuống còn 30%. Quy định này được giữ nguyên tại Nghị định 92/2016. Dù vậy, không ít nhà đầu tư nước ngoài vẫn kỳ vọng tỷ lệ này sẽ được nâng lên khi Bộ GTVT sửa đổi Nghị định 92. Kiên trì đeo bám lĩnh vực kinh doanh này nhất vẫn là Hãng hàng không AirAsia, Lion Air. AirAsia chỉ tuyên bố rời cuộc chơi hồi tháng 4 vừa qua, khi chấm dứt hợp tác với Hãng Hải Âu (thuộc Thiên Minh Group) và sau đó Thiên Minh đã một mình nộp hồ sơ lập Hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir). Đây là thất bại thứ 3 của AirAsia trong nỗ lực đặt chân vào Việt Nam, sau thất bại trong kế hoạch liên kết với Vinashin và Vietjet.

Lo lập hãng hàng không chỉ để bán

Trước đó, khi Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 92 được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Bộ GTVT đã đề xuất nới room với nhà đầu tư nước ngoài tại hãng hàng không việt từ 30% lên tối đa 49%. Đề xuất nới room này được Bộ GTVT lý giải nhằm huy động tối đa nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đề xuất giữ nguyên mức room 30% cho nhà đầu tư nước ngoài (như Nghị định 92). Hai hãng này lập luận, nếu cho nhà đầu tư ngoại nắm giữ trên 35% vốn điều lệ, họ sẽ có quyền phủ quyết các nghị quyết của Đại hội cổ đông (theo Luật Doanh nghiệp), gây khó khăn cho quản lý điều hành của hãng hàng không Việt Nam. Khi các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là hãng hàng không nước ngoài nắm 49% vốn điều lệ, dẫn đến việc thành lập các hãng hàng không khống (trên giấy) chỉ để bán cổ phần thu lợi.

Sau khi tiếp thu ý kiến các bên, Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho hay, vấn đề room với nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, do liên quan tới quan điểm và chính sách của Nhà nước về đầu tư, bảo hộ của thị trường vận tải hàng không. Cơ quan soạn thảo cho rằng, theo Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), tỷ lệ sở hữu phần lớn được tính là từ trên 50% cổ phần (tức tối đa 49% vẫn phù hợp). Sau đó, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng 3 phương án: Giữ mức 30%; nâng lên 34% hoặc nâng lên 49%. Trong đó, bộ này lựa chọn phương án nâng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các hãng hàng không tăng từ 30% lên 34%.

TS Trần Văn Khảm, Trưởng ban kinh tế Hội KH&CN Hàng không (VAAST) cho rằng, vận tải hàng không có tính đặc thù cao, vấn đề an ninh quốc gia được đặt lên hàng đầu, nên phải đảm bảo sự kiểm soát của doanh nghiệp trong nước.

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho hay, việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp hàng không từ tối đa 30% lên 34% không ảnh hưởng tới hoạt động của các hãng hàng không. Theo Luật Doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm cổ phần từ 35% trở lên mới có quyền phủ quyết các vấn đề lớn của doanh nghiệp. Do đó, khống chế mức sở hữu 34% để doanh nghiệp nước ngoài không thể đưa ra các quyết định gây cản trở phát triển hàng không trong nước. Tỷ lệ sở hữu thực tế của cổ đông nước ngoài tại các hãng hàng không Việt Nam hiện nay cao nhất là tại Jetstar Pacific (30% do Qatas nắm giữ); Vietjet Air có tỷ lệ cổ phần nước ngoài nắm giữ tới hết năm 2018 là 24,63%; Vietnam Airlines có 8,7% cổ phần do Tập đoàn hàng không ANA Holdings Inc nắm giữ.

Theo Hai Việt

Cùng chuyên mục
XEM