Canh Tý đã sang, làm sao để xóa bỏ điểm yếu "ngàn đời" của vựa nông sản miền Tây khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc, tránh bị thương lái ép giá?

21/01/2020 16:00 PM | Kinh doanh

Theo nhiều chuyên gia, muốn nông sản miền Tây không còn sống phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng như hay bị các thương lái nhỏ lẻ ép giá, chúng ta cần thực hiện 4 điều sau: quy hoạch lại vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và bình ổn giá, phát triển logistics- thêm kho lạnh và đi đường thủy.


Hiện nay, có khoảng 70% đến 72% sản lượng trái cây của đồng bằng sông Cửu Long do thương lái Trung Quốc thu mua tại vườn với mức giá thấp và vận chuyển bằng xe tải về Trung Quốc.

Hiện tại, để một loại nông sản từ vườn của người nông dân Việt Nam đến tay người tiêu dùng Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, sẽ phải trải qua 12 bước và rất nhiều khâu trung gian. Theo đó, giá cả của nông sản Việt không chỉ đội giá lên quá cao mà chất lượng lại còn sụt giảm do hư hại trong quá trình vận chuyển.

Ngoài ra, do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên câu chuyện ‘được mùa mất giá và mất mùa được giá" đã đeo bám nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và miền Tây nói riêng trong rất nhiều năm. Theo đó, dù mất mùa hay được mùa, không ít nông dân đã phải khóc trên mảnh vườn mà mình ngày đêm chăm chút, nhưng cuối cùng lợi ích lớn nhất lại rơi vào tay các thương lái ở nhiều cấp khác nhau.

Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận sự hấp dẫn của thị trường Trung Quốc, với dân số hơn 1 tỷ người cùng tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng chóng mặt, quốc gia này là thị trường mơ ước không chỉ với ngành nông sản Việt Nam, mà của tất cả các nước trên thế giới. Vấn đề chỉ là, chúng ta không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ", mà nên đẩy mạnh xuất khẩu đến các thị trường khác, nhất là ở các nước tiên tiến hơn Trung Quốc. Có như thế, chúng ta mới không rơi vào cảnh: "hễ Trung Quốc hắt hơi, Việt Nam sẽ sổ mũi”.

Muốn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, theo các chuyên gia, Việt Nam và nhất là người làm nghề ở miền Tây cần thực hiện 4 điểm sau: quy hoạch lại vùng trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm và bình ổn giá, phát triển logistic - thêm kho lạnh và đường thủy.


Quy hoạch lại vùng trồng

Chính sách Nông thôn mới mà Nhà nước chúng ta phát động ở rất nhiều năm trước hiện đang gây ra một hậu quả khá nghiêm trọng cho nền nông nghiệp miền Tây.

Với việc Nhà nước khuyến khích chính quyền địa phương xây điện đường trường trạm vào mỗi ngóc ngách làng xã đã khuyến khích người dân ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam sinh sống phân tán khắp nơi. Chính thực trạng này đã gây rất nhiều khó khăn cho các tỉnh ở miền Tây, khi họ muốn thành lập các cánh đồng trái cây lớn, phục vụ cho xuất khẩu. Nếu không có cánh đồng trái cây lớn sẽ không thể chuẩn hóa chất lượng hay áp dụng cơ giới hóa vào quá trình sản xuất, thu hoạch nông sản.

Canh Tý đã sang, làm sao để xóa bỏ điểm yếu ngàn đời của vựa nông sản miền Tây khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc, tránh bị thương lái ép giá? - Ảnh 1.

Ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch tỉnh Bến Tre

Trong một sự kiện diễn ra vào năm 2018, ông Cao Văn Trọng – Chủ tịch tỉnh Bến Tre từng thú nhận: Hai nguyên do khiến Bến Tre không có vùng sản xuất mẫu lớn là bởi chính sách nông thôn mới và giá đất đang tăng cao.

Chính sách nông thôn mới đã đổ ra một lượng lớn tài lực làm đường tới tận ngõ ngách nông thôn, khiến người dân ở đây ngày càng di cư khuếch tán ra khắp nơi, khi chết sẽ chôn cất tại nơi họ sống, kéo theo những mảnh ruộng lớn bị chia năm sẻ bảy. Bình quân mỗi hộ dân ở Bến Tre có không quá 4 đến 5 công đất (1 công đất = 1/10 ha), số hộ dân có trên 1ha rất hiếm.

Bây giờ, các doanh nghiệp muốn tích tụ đủ đất để tạo ra vùng trồng lớn buộc phải mua lại những mảnh vườn nhỏ của người dân nhưng hiện tại, giá đất nông nghiệp tại Bến Tre cao ngang với đất thổ cư. Do đó, gom đủ đất tạo vùng chuyên canh lớn gần như là điều không thể với hầu hết doanh nghiệp.

Trước mắt, theo Chủ tịch tỉnh Bến Tre, có 2 phương án để giải quyết ngay vấn đề này. Thứ nhất, khuyến khích người dân và doanh nghiệp cùng vào hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đầu kéo của HTX, kết nối đầu ra, đầu vào cũng như điều hành sản xuất.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp vẫn muốn tự tạo ra vùng trồng cho riêng mình bằng cách thuê quyền sử dụng đất của nông dân thì Bến Tre sẵn sàng hỗ trợ 20% chi phí thuê theo đúng Quy định 57 và hỗ trợ chi phí đầu tư cũng như phát triển hạ tầng cho vùng nguyên liệu đầu tư.

"Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ điểm nghẽn này, tỉnh phải tổ chức lại cuộc sống ở nông thôn, cố gắng làm sao xây dựng các khu tập trung, dồn lực thiết kế một cuộc sống đầy đủ tiện nghi để người dân thấy vào đó sống tốt hơn so với phân tán.

Vấn đề đặt ra là dồn nguồn lực xây dựng đường nông thôn để kiến tạo hệ thống cơ sở hạ tầng ở vài khu vực để người dân tập trung vào sinh sống, có như vậy mới tạo ra vùng nguyên liệu lớn; nơi sinh sống phải tách biệt với nơi sản xuất", ông Trọng nhận định.


Nâng cao chất lượng sản phẩm và bình ổn giá

Là một người nhiều năm lăn lộn trong nghề xuất khẩu trái cây và thường xuyên đi ra nước ngoài tìm hiểu thị trường các nước, theo chị Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu – doanh nghiệp xuất khẩu trái cây lớn nhất nhì miền Tây, thì nâng cao chất lượng sản phẩm và bình ổn giá chính là việc mà nền nông sản miền Tây phải làm, nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác cũng như không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Theo chị Vy, để không bị động và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nông dân Việt đừng tiếp tục định hướng sản xuất theo kiểu: làm hàng bán cho Úc – Mỹ thì mới làm hàng sạch, chất lượng cao, còn làm hàng Trung Quốc thì sao cũng được.

Chúng ta nên nghĩ: mình làm hàng chất lượng là để nâng cao giá trị sản phẩm của chính mình, bán cho Trung Quốc hay cho Mỹ vẫn nên có chất lượng ngang nhau. Có như thế nông sản Việt mới phát triển bền vững và có thương hiệu tốt.

Canh Tý đã sang, làm sao để xóa bỏ điểm yếu ngàn đời của vựa nông sản miền Tây khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc, tránh bị thương lái ép giá? - Ảnh 2.

Chị Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu

Nông dân sản xuất hàng sạch là làm cho bản thân họ, vì khi họ bán sản phẩm sạch họ vừa cảm thấy an tâm, vừa bảo vệ cho bản thân và gia đình. Hơn nữa, người canh tác là người chịu tác hại của hóa chất đầu tiên và nhiều nhất. Vấn đề về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đang là khó khăn chung của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật đang cực kỳ cấp bách trong thời gian tới.

Ngoài đáp ứng nhu cầu chất lượng và số lượng, thì nông sản Việt cũng phải có giá cả hợp lý, thì mới đủ sức để cạnh tranh trên trường quốc tế. Thực tế là, thỉnh thoảng, nông dân Việt vẫn định giá nông sản chưa phù hợp, tiêu biểu như trái sầu riêng.

Trước đây, giá sầu riêng vào khoảng 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, chỉ sau khi thị trường Trung Quốc "ăn" sầu riêng, thì giá của loại trái cây này mới tăng vọt lên 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến 120.000 đồng/kg.

Với 12 hecta sầu riêng mà chị Vy đang canh tác ở Bình Phước, khi bán với giá 40.000 đồng/kg, bình thường chị vẫn lời khoảng vài tỷ đồng một năm. Bên cạnh đó, cùng mức giá từ 40.000 đồng/kg đến 50.0000 đồng/kg, người dân nào của Việt Nam cũng có thể ăn sầu riêng, nâng sản lượng tiêu thụ nội địa lên tầm mức mới. Điều này sẽ giúp nông dân làm loại trái cây này không phải bất an nếu vào vụ mùa chính và gặp khó với thị trường Trung Quốc.


Phát triển logistics: Thêm kho lạnh và đi đường thủy

Một phần tưởng chừng không liên quan, nhưng sẽ quyết định thành bại của việc vựa nông sản miền Tây có thay đổi được thực trạng tiêu cực đã diễn ra trong rất nhiều năm qua là logistic.

Nếu chúng ta có hệ thống kho lạnh tốt và hiện đại, chúng ta sẽ không phải lo lắng mất mùa hay được mùa và có thể khống chế được sản lượng bán ra qua từng năm.

Nhận thấy được điểm yếu đó, mới đây công ty CP Lavifood đã phối kết hợp với Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ vừa giới thiệu mô hình Lavifarm và app E-Farm tại huyện Càn Long – Trà Vinh.

Trung tâm Lavifarm tại xã Phú Bình có diện tích gần 17ha, gồm 4 khu vực chính: siêu thị, dịch vụ, sơ chế đóng gói và kho. Trung tâm cũng là nơi tập kết và bao tiêu nông sản cho bà con nông dân. Dự kiến trung tâm sẽ được đưa vào hoạt động từ tháng 6/2020.

Lavifarm sẽ đóng vai trò hỗ trợ và tư vấn cho người dân các loại cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như quy hoạch chung, đồng thời cung cấp và xây dựng giải pháp kỹ thuật, vật tư nông nghiệp cũng như sơ chế - bảo quản nông sản kết hợp vùng trồng thực nghiệm tại đối với người nông dân tại Trà Vinh.

Canh Tý đã sang, làm sao để xóa bỏ điểm yếu ngàn đời của vựa nông sản miền Tây khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc, tránh bị thương lái ép giá? - Ảnh 3.

Ông Marc Van Bouwel – Phó Chủ tịch IPEI (Bỉ) kiêm Giám đốc điều hành ICE-LOFT NV

Còn theo quan sát của ông Marc Van Bouwel – Phó Chủ tịch IPEI (Bỉ) kiêm Giám đốc điều hành ICE-LOFT NV, một vài loại nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long khi được vận chuyển bằng đường biển, đi qua Singapre, đến những thị trường có giá tốt hơn và sinh lợi nhiều hơn là đến Trung Quốc. Phát triển logistics dựa trên vận tải đường thủy luôn có chi phí thấp nhất.

Ví dụ: dứa được chở bằng xe tải đến TP. HCM, từ cảng Cát Lái, những trái cây này sẽ được vận chuyển lên những tàu container loại nhỏ, rồi đưa đến Singapore sau đó đưa lên những tài container cỡ lớn hơn và chở đến đích cuối cùng.

Tuy nhiên, để phương cách xuất khẩu này tốt hơn, cần phải giảm giá thành hệ thống logistics trên biển và việc kiểm soát chuỗi cung ứng lạnh phải được cải thiện mạnh mẽ.

"Theo đó, chúng ta có thể cải thiện bằng cách loại bỏ khâu xe tải cũng như bỏ qua trạm trung chuyển Singapore và tạo ra quy trình đưa sản phẩm vào các tàu container lớn, trực tiếp – đơn giản hơn. Cảng Định An (Trà Vinh) có thể được chuyển đổi và trang bị thành trung tâm logistic cho nhiều tỉnh chung quanh. Phát triển quá nhiều trung tâm logistic là việc làm không hiệu quả bằng đầu tư tập trung 1 điểm", ông Marc Van Bouwel hiến kế.

Để đạt được mức giá vận chuyển cạnh tranh tới châu Âu, các doanh nghiệp Việt hãy sử dụng các tàu lớn nhất với tối đa 16.000 hoặc 20.000 TEU và kế hợp 15% hàng hóa lạnh với 85% container thông thường.

"Theo quan điểm của tôi, điểm mạnh nhất của Israel chính là họ làm marketing rất tốt, còn Trung Quốc mới là cường quốc về nông nghiệp thật sự. Những ai cho rằng, nền nông nghiệp Trung Quốc chỉ tiêu thụ hàng nông sản bình dân thì nên nghĩ lại, vì 60% nông sản nhập vào Nhật Bản có nguồn gốc từ Trung Quốc", bà Nguyễn Thị Thành Thực - nữ doanh nhân 20 năm làm nông nghiệp và giao thương với người Trung Quốc, kết luận

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM