Cánh tay robot - Mảnh ghép cuối cùng của các siêu nhà kho Amazon
Việc Amazon phát triển thành công con robot có khả năng xác định và xử lý các kiện hàng riêng lẻ được coi là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của gã khổng lồ thương mại điện tử nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhân viên.
Amazon vừa phát triển thành công con robot có khả năng xác định và xử lý các kiện hàng riêng lẻ. Đây được coi là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của gã khổng lồ thương mại điện tử nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhân viên - những người hiện đang đóng vai trò mắt xích trong việc đưa sản phẩm từ các kệ kho đến tay khách hàng.
Cánh tay robot này có tên Sparrow, được thiết kế riêng để hút các vật phẩm. Trong buổi thử nghiệm mới đây, Sparrow tự động lấy các vật có kích thước và kết cấu khác nhau từ chiếc tote nhựa, sau đó đặt chúng vào một hộp đựng khác. Theo Amazon, con robot này có khả năng xử lý hàng triệu sản phẩm khác nhau.
Nỗ lực tự động hóa các siêu nhà kho trông có vẻ đơn giản, song lại khiến Amazon đau đầu trong nhiều năm. Thực tế, ngay cả khi đã lắp đặt một số máy móc cho dây chuyền đóng gói hàng, Amazon vẫn cần đến sự khéo léo và trực giác của các nhân viên - những người chọn, gói hàng với tốc độ nhanh và đáng tin cậy hơn.
“Đó là một bước nhảy vọt lớn trong thách thức và phát triển công nghệ”, Joe Quinlivan, phó chủ tịch giám sát các nhóm phát triển robot và công nghệ hoàn thiện, cho biết, đồng thời chia sẻ thách thức mà Amazon đang phải đối mặt nằm ở những công việc chuyển động lặp đi lặp lại - thứ robot có thể xử lý toàn bộ vào một ngày nào đó.
Nếu được triển khai rộng rãi, các cánh tay robot giống Sparrow sẽ có thể khiến phần lớn lực lượng lao động Amazon trở nên dư thừa. Trọng tâm tuyển dụng khi đó sẽ chuyển từ những nhân viên đảm nhận nhiệm vụ đơn giản, ít cần đào tạo sang đội ngũ kỹ thuật viên có thể giám sát và bảo trì hệ thống robot. Amazon là nhà tuyển dụng tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ, chỉ sau Walmart với 1,54 triệu công nhân trên toàn thế giới.
Được biết Amazon trong nhiều năm qua thường xuyên bị chỉ trích vì thúc ép nhân viên làm việc quá sức. Câu chuyện xoay quanh những tai nạn bên trong khu kiểm hàng Amazon đã thu hút sự chú ý của giới chức - những người có trách nhiệm đảm bảo công nhân viên lao động không bị tổn hại.
Theo tờ The Guardian, những dây chuyền lắp ráp công nghệ cao khiến một số nhân viên trở nên khó khăn. Họ phàn nàn rằng mình đang phải tuân theo các mục tiêu năng suất không hợp lý bởi đây đều là những con số do thuật toán khuyến nghị.
Tâm sự của một nhân viên lâu năm đang làm việc tại Chicago cho thấy chỉ 1,2s lệch mốc thời gian trung bình hoàn thành nhiệm vụ cũng có thể khiến họ nhận đánh giá không tốt từ quản lý, thậm chí là bị cảnh báo về hiệu suất công việc. Một nhân viên khác làm việc tại nhà kho Nevada trong thời kỳ đại dịch thì phàn nàn rằng mình phải chịu áp lực liên tục.
Chính vì vậy, một dự luật đã ra đời để giúp các nhân viên kho hàng chống lại cái gọi là hạn ngạch tốc độ. Những người ủng hộ đều đồng tình rằng tốc độ làm việc chuẩn chính quá mức khiến nhân viên bị áp lực và không có đủ thời gian nghỉ ngơi.
“Sparrow sẽ đảm nhận các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, cho phép nhân viên Amazon tập trung thời gian và năng lượng vào những việc khác, đồng thời nâng cao sự an toàn. Sparrow sẽ giúp chúng tôi thúc đẩy năng suất hiệu quả bằng cách tự động hóa một phần trong quy trình đóng gói”, báo cáo Amazon cho biết.
Hiện chưa rõ Sparrow sẽ được triển khai như thế nào tại khắp các nhà kho. Việc áp dụng công nghệ cao có thể đòi hỏi gã khổng lồ bán lẻ thiết kế lại các kệ hàng. Hiện Amazon đang lưu trữ hầu hết các loại sản phẩm trên giá đỡ bằng lưới - thứ có thể gây khó khăn cho Sparrow khi nhặt các kiện hàng.
Trong nỗ lực hướng tới mục tiêu tự động hóa để đẩy nhanh quá trình giao hàng nhanh và hiệu quả, Amazon cũng công bố phiên bản máy bay không người lái vào thứ Năm. Mô hình có tên MK30, nhỏ hơn so với các phiên bản thử nghiệm trước đây, tạo ít tiếng ồn hơn và có thể bay trong điều kiện mưa nhẹ. Đây được coi là nỗ lực mới nhất trong tầm nhìn của người sáng lập Jeff Bezos khi triển khai một thiết bị máy bay không người lái tự động có thể giao gói hàng nặng dưới 5 pound trong vòng 30 phút, ngay sau khi khách đặt hàng. Ngoài đảm bảo thời gian giao hàng nhanh chóng, công nghệ này còn có thể cắt giảm đáng kể chi phí đi lại, theo Bloomberg.
Được biết Amazon đang sở hữu hàng nghìn con robot đảm nhận việc phân loại gói hàng, vận chuyển sản phẩm... trong các nhà kho trên khắp thế giới. Công ty cho biết giờ họ không còn phân vân giữa chọn robot hay con người nữa mà kết hợp hài hòa để đạt hiệu suất cao nhất.
Ngoài Sparrow, Proteus là robot nhỏ gọn hoàn toàn tự động đầu tiên và mới nhất của Amazon. Nó sử dụng công nghệ điều hướng, nhận thức và an toàn, có thể hoạt động như một thực thể độc lập mà không cần ai điều khiển.
Với hệ thống AI tiên tiến, Proteus tự xác định hướng đi, tránh chướng ngại vật và có thể tương tác ở mức cơ bản với con người. Nhiệm vụ chính của robot này là điều khiển xe GoCarts và di chuyển gói hàng qua các khu vực định sẵn.
Mới đây nhất, Amazon công bố mua lại Cloostermans, một công ty chuyên sản xuất đồ công nghệ được ứng dụng trong nhà kho của Bỉ. Sau khi thu mua, Cloostermans sẽ trở thành một phần của Amazon Robotics, bộ phận chuyên nghiên cứu việc tự động hóa các hoạt động trong kho hàng.
Theo: Bloomberg