Cảnh bình yên đến bất ngờ vào buổi sáng sau thảm họa Chernobyl: Những sự thật mà series phim của HBO chưa tiết lộ
Chuyện gì đã xảy ra sau thảm họa Chernobyl? Người dân không biết gì cả, và đó là một buổi sáng bình yên đến bất ngờ.
26/4/1986, một vụ nổ lớn đã xảy ra ở nhà máy năng lượng hạt nhân Chernobyl, cách thành phố Kyiv 130km, tạo ra thảm họa hạt nhân được đánh giá là tồi tệ nhất lịch sử loài người.
Nhưng buổi sáng sau khi thảm họa xảy ra, người dân xung quanh vẫn chẳng hề hay biết về độ nghiêm trọng của nó. Các trường học vẫn mở cửa, mọi người vẫn tản bộ dưới các con đường. Thậm chí đến 3 thập kỷ sau, cả thế giới vẫn còn rất mù mờ về Chernobyl, cả về chi tiết lẫn ý nghĩa của nó đối với nhân loại.
Thời gian gần đây, series Chernobyl trên HBO đang trở thành một hiện tượng lớn. Với số điểm cao nhất lịch sử đài, bộ phim được đánh giá là đã mô tả lại hết sức chân thực thảm họa, đồng thời biến khu vực cấm Chernobyl bỗng trở thành "điểm nóng" cho những blogger du lịch nổi tiếng trên Instagram và cả du khách từ nhiều nơi.
Dù đã rất chân thực, vẫn còn một số điểm hơi khác so với thực tế mà series phim của HBO đã chưa thể tiết lộ.
Khởi nguồn của thảm họa lịch sử
1:23 phút sáng ngày 26/4/1966, mọi chuyện bắt đầu với 2 tiếng nổ lớn, kèm một cột sáng rực rỡ ngang bầu trời phía trên lò phản ứng số 4 của nhà máy năng lượng nguyên tử Chernobyl. Lửa lan rộng khắp nơi trong nhà máy, còn các công nhân ở xung quanh lò thì gần như chết ngay lập tức.
1:30 phút sáng, giám đốc nhà máy Viktor Bryukhanov nắm được thông tin từ người quản lý bộ phận hóa học. Ông đã thấy vụ nổ từ ban công nhà mình, nhưng không thể liên lạc được với các nhân viên trực ở thời điểm đó. Ông nhanh chóng yêu cầu phát báo động, nhưng dường như vô hiệu.
Lính cứu hỏa ngay lập tức tiếp cận hiện trường, nhưng hỡi ôi, không ai được trang bị đồ bảo hộ phóng xạ chuyên biệt. Họ hứng chịu một lượng lớn phóng xạ và lập tức thấy hậu quả: các vết bỏng xuất hiện trên mặt, mọi người gập mình nôn mửa, và dần mất đi ý thức.
1:55 phút sáng, ngài giám đốc đến trạm liên lạc và gọi về Moscow xin cứu trợ. Trong lúc đó, Alexander Lelechenko - phó giám đốc bộ phận điện - đã xả thân để bơm khí hydro ra khỏi lò phản ứng, nhằm tránh một vụ nổ kinh khủng hơn có thể xảy ra. Ông được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng bỏng nặng, nhưng ngay lập tức bỏ trốn để tiếp tục hỗ trợ mọi người.
11 ngày sau, Lelechenko qua đời.
2:45 phút sáng, ý thức được thảm họa Bryukhanov đưa ra đề nghị di tản, nhưng bị khước từ vì phải chờ ý kiến của hội đồng. Còn lò phản ứng, nó vẫn tiếp tục phát ra những đám mây phóng xạ, theo gió lan tỏa đi khắp nơi.
Buổi sáng yên bình đến bất ngờ
3,5h sau khi vụ nổ xảy ra, cảnh sát và chính quyền địa phương đã phong tỏa mọi con đường tiến vào nhà máy. Bệnh viện trở nên quá tải, nên nhiều lính cứu hỏa và công nhân nhiễm xạ được chuyển đến Ivankiv - thị trấn gần nhất. Một số trường hợp được chuyển thẳng về Moscow.
Nhưng với người dân thành phố Prypiat, đó vẫn là một buổi sáng thứ 7 yên bình. Người thảnh thơi đi câu cá, trẻ em đến trường. Khắp nơi trên đường phố, binh sĩ xuất hiện với những chiếc mặt nạ trùm kín đầu, tay lăm lăm máy đo liều bức xạ. Khi được hỏi, câu trả lời chỉ là đang diễn tập thôi.
Trẻ em tại Pripyat vẫn đi học vào buổi sáng sau khi thảm họa xảy ra
"Có nhiều điểm bất thường xảy ra ở trường học. Trước mỗi cánh cửa đều được che một mảnh vải ướt. Mọi bồn rửa đều có xà phòng - điều chưa từng xảy ra trước kia. Các cô lao công chạy đôn đáo khắp trường, lau sạch sẽ mọi thứ." - trích bài đăng Mamasha_hru trên LiveJournal, một người sinh ra tại Pripyat và trực tiếp trải qua thảm họa.
"Và tất nhiên, có những tin đồn xuất hiện. Nhưng chuyện nhà máy hạt nhân phát nổ quả thực rất khó tin. Giáo viên chẳng ai nói gì, và tôi cũng không thấy lo lắng chi cả. Nhưng đến tiết 2, có hai người phụ nữ chạy vào lớp, phát cho chúng tôi mỗi đứa 2 viên thuốc nhỏ..."
11:40 sáng ở cảng sông, công nhân từ lò phản ứng mang theo gia đình họ chen chúc nhau trên một chuyến tàu rời thành phố. Mặt trời hôm đó thì trắng một cách bất thường.
16h chiều, tất cả mọi người đều biết có một vụ cháy xảy ra tại Pripyat, vì cột khói đen vẫn tiếp tục bốc lên. Nhưng lạ thay, không ai hoảng loạn cả. Mọi người vẫn tản bộ trên đường, bàn luận sôi nổi về trận bóng đá diễn ra vào ngày tiếp theo. Một số người thấy mệt mỏi và đến bệnh viện, được bác sĩ kê đơn uống nước pha iodine.
Giám đốc nhà máy tiếp tục đưa ra yêu cầu di tản, nhưng lại một lần nữa bị từ chối.
Người đàn ông đã hạ lệnh di tản Pripyat
16h50 phút chiều 26/4/1986, Boris Shcherbina - chính trị gia và là phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng - cùng nhà khoa học Valery Legasov đã có mặt tại Kyiv. Đây là 2 nhân vật chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả của vụ tai nạn, và họ chỉ có vài giờ để tìm hiểu câu chuyện đang diễn ra như thế nào.
Lúc này tại Pripyat, Mặt trời đã xuống thấp, tạo điều kiện cho vùng trời phía trên lò phản ứng như rực lửa. Ai nấy đều hoảng sợ vì dù không có bất kỳ báo động nguy hiểm nào vang lên, nhưng khắp đường phố là cảnh sát và điều tra viên với những chiếc máy đo nồng độ bức xạ trên tay.
20h30 phút tối, cuộc họp bắt đầu, các đơn vị xử lý hóa học cùng trực thăng cũng tới Pripyat. Nhờ trực thăng, cuối cùng tất cả cũng biết được sự thật rằng lò phản ứng thực sự đã nổ (trước đó không ai tiếp cận được, và đều nghĩ vụ nổ xảy ra bên cạnh đó chứ không phải từ trong lò ra).
Trước áp lực của các nhà khoa học, Shcherbina đã phải đấu tranh nội tâm cực nhiều, và sau cùng hạ lệnh di tản toàn thành phố vào sáng hôm sau.
5h sáng ngày 28/4, nhà máy hạt nhân Leningrad phát hiện nồng độ phóng xạ cao bất ổn. Các công nhân tại đây lập tức kiểm tra, và phát hiện ra lượng phóng xạ này đến từ... bầu trời. Đó là đám mây phóng xạ từ Chernobyl theo gió bay đi khắp nơi. 1h sau, nhà máy Oskarshamn (Thụy Điển) cũng nhận thấy hiện tượng tương tự.
1250 xe bus, 350 xe tải và 2 đoàn tàu hỏa đã xuất hiện tại Pripyat nhằm di tản 50.000 người. Valery Legasov đưa ra ý tưởng thả một hợp chất đặc biệt từ trên xuống lò phản ứng, nhằm ngăn lõi phóng xạ tiếp tục tan chảy và gây ra hậu quả lớn hơn.
Giải quyết hậu quả
Khi các phương tiện ồ ạt kéo đến, người dân cuối cùng đã nhận ra họ rơi vào tình huống đáng sợ như thế nào.
"Một thằng nhóc 10 tuổi như tôi cũng không quan tâm lắm nếu thấy trên đường có vài cái xe cứu hỏa. Nhưng khi đến con đường nối giữa Pripyat và Chernobyl, tôi mới lờ mờ nhận ra mọi chuyện kinh khủng như thế nào. Trên đường xuất hiện rất nhiều xe bus không cùng chủng loại, vì họ huy động mọi chiếc xe tìm được. Một số xe bọc thép cũng ở đó, rồi binh lính trong các bộ đồ bảo hộ trùm kín mặt hiện ra." - trích lời Andrey Shabanov, người từng di tản ra khỏi Pripyat.
Sự xuất hiện của trực thăng đã khiến bụi phóng xạ tung lên, và tình hình ngày càng tệ hơn khi xe bus bắt đầu di chuyển. Quá trình di tản không thể diễn ra liên tục được, và người dân buộc phải hít thở khối bụi phóng xạ ấy vào người.
Các tin tức về vụ tai nạn bị bưng bít, chỉ có một mẩu tin nhỏ xuất hiện và chẳng đề cập chút gì đến hậu quả dành cho sức khỏe con người. Trong khi đó, các binh lính trẻ tham gia cuộc di tản là người hiểu rõ nhất. Như Igor Hyryak, một người lính tham gia đội giải quyết hậu quả vụ tai nạn. Anh đã cùng đồng đội xây một cầu phao trên sông Pripyat, nhằm hỗ trợ việc di tản được nhanh hơn. Sau 2,5 tháng, cổ họng anh như có lửa đốt do tác động của phóng xạ.
Igor Hyryak chỉ là một trong vô số những người anh hùng không tên, đã ngã xuống mà không được ai biết đến.
Trong suốt mùa hè năm đó, các binh sĩ thay phiên nhau giải quyết hậu quả, chôn vùi những ngôi làng trống rỗng, bắn hạ muông thú xung quanh nhằm ngăn cản nguy cơ phóng xạ lan ra ngoài khu vực bị cách ly.
Igor Hyryak
Ngày 1/5, vẫn còn hàng ngàn chiếc trực thăng bay lượn bên trên lò phản ứng, trong khi số lượng phi công đủ khỏe mạnh để tiếp tục ngày càng giảm.
Tối ngày 2/5, cuộc di tản lan rộng đến 30km khu vực xung quanh Pripyat. Lúc này, đội giải quyết thảm họa tiếp cận hiện trường đầu tiên đã chết trong bệnh viện. Các bác sĩ thậm chí đã phải mang thêm lá chắn bằng chì để bảo vệ bản thân khỏi bức xạ phát ra từ người nạn nhân.
Nhưng thảm họa vẫn chưa ngưng lại. Các chuyên gia biết rằng nhiên liệu phản ứng trong lò có thể làm tan chảy cả bê tông, lọt vào bể nước và tạo ra một vụ nổ thảm họa nữa. 3 kỹ sư - không mang bất kỳ các trang bị bảo hộ đặc biệt nào - đã quyết định lội qua tòa nhà đã ngập phân nửa để giải quyết câu chuyện này.
Các thợ mỏ cùng công nhân xây dựng tàu điện ngầm Kyiv đã lợi dụng chính đường hầm này để lắp một hệ thống làm mát cho lò phản ứng. Đồng thời, họ xây một bức tường nhằm ngăn nhiên liệu phóng xạ lọt xuống mạch nước ngầm, lan tỏa phóng xạ sông Dnieper và biển Đen. Thậm chí, một con đập đã được gấp rút xây dựng trên sông Pripyat để tăng thêm phần bảo hiểm.
Đội phản ứng làm mọi cách có thể để hạn chế tiếp xúc phóng xạ, như dùng màn che bằng chì, thay quần áo thường xuyên... Không ai nói với ai một lời, mọi thứ chìm vào im lặng, chết chóc như chính khung cảnh đang xảy ra ở đó.
Này 15/5, đội giải quyết hậu quả đầu tiên thay ca, rời Chernobyl cùng Shcherbina. Valery Legasov vẫn ở lại để làm nốt lá chắn bọc quanh lò phản ứng. Ngày 23/5, một đám cháy gần lò phản ứng nổ ra, mất đến 8h đồng hồ để dập tắt.
"Căn cứ quân sự của chúng tôi nằm trên một cánh đồng giữa 2 ngôi làng. Không ai được sống ở đó, nhưng binh sĩ thì có. Chúng tôi sống trong những cái lều, mỗi cái 36 - 38 người, ngủ trên giường tầng, và có 2 lò sưởi. Nhưng chúng tôi không được cấp gỗ, mà phải tự đi kiếm trong tình trạng toàn bộ khu vực bị bao phủ bởi bụi phóng xạ," - chia sẻ của Sergey Shalkevich, thành viên của đội giải quyết hậu quả.
Tháng 8/1986, Legasov đến áo và công bố cho cả thế giới biết về thảm họa tại Chernobyl, đồng thời khẳng định đó là lỗi vận hành của con người. Với chính phủ, Legasov lại có một bản báo cáo khác rằng chính bản thân lò phản ứng mới là lỗi, và đề xuất chính phủ không nên sử dụng loại thiết kế như vậy nữa nhưng không được chấp nhận.
Hiện tại vẫn còn 10 lò phản ứng cùng loại với Chernobyl tại Nga, trong đó có 1 lò đã ngưng hoạt động tại Saint Petersburg vào năm 2018. 4 lò đang nằm tại thành phố Kursk ở Tây Nga. 3 lò khác ở Saint Petersburg - thành phố có 5 triệu dân, và 3 lò ở Smolensk (cách thủ đô Moscow 5h di chuyển). Dù vậy, các lò phản ứng đang hoạt động đều đã được thay đổi thiết kế để giảm thiểu rủi ro.