Cảnh báo mô hình “không làm mà cũng có ăn” - King of invest: Hưởng lãi suất gấp 52 lần ngân hàng, có người vay cả tỷ đồng đầu tư
Theo VTV, có khoảng 1.000 người đã đầu tư vào "King of invest" nhưng sau nhiều tháng vẫn chưa nhận được hoa hồng hay tiền gốc.
Năm 2020 chứng kiến ngày càng nhiều mô hình đầu tư tham gia vào CLB “Không làm mà cũng có ăn” khi chỉ cần nạp tiền vào là có thể nhận được lãi suất cao gấp vài chục lần lãi suất ngân hàng. Sau khi các mô hình như MyAladdinz hay BigBuy24h,... bị lật tẩy thì mới đây một dự án có tên “King of invest” cũng gây nên nhiều nghi vấn tương tự.
“Chúng ta chỉ cần ủng hộ, vỗ tay, không làm thì ngồi yên một chỗ. Ai hỏi công ty tốt không thì bảo tốt. Việc còn lại thì để cho chúng tôi, quý vị cứ ngồi vậy mà nhận tiền”, đó là lời khẳng định của môi giới “King of Invest” trong một hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư.
Để tham gia, người chơi chỉ cần nạp tiền mặt vào một tài khoản trên trang web điện tử "King of Invest", với 7 mức đầu tư dao động trong khoảng 200-30.000 USD. Lãi suất trả theo ngày - 1.5%/ngày, tương đương 260%/năm và cao gấp 52 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng. Sau 1 năm, người chơi sẽ rút được toàn bộ tiền gốc đầu tư.
Tuy nhiên, việc đầu tư này chỉ dựa trên niềm tin và không hề có giấy tờ pháp lý đảm bảo, cũng không biết ai là người đứng sau tài khoản của “King of invest”.
Trong phóng sự được thực hiện bởi VTV, không ít người đã mạnh tay đầu tư gói cao nhất 30.000 USD với mong muốn hòa vốn nhanh và hưởng lợi suất cao. Có nhà đầu tư thậm chí giấu gia đình đi vay nặng lãi 700 triệu đồng để rót vào “King of invest”. Cũng theo ghi nhận của VTV, ước tính khoảng 1.000 người đã tham gia vào dự án này, với số tiền đầu tư từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng.
Tuy nhiên, chính những người này cho biết sau nhiều tháng bỏ tiền vào dự án vẫn không nhận được tiền lãi hay hoa hồng. Thay vào đó, tiền đầu tư lại được chuyển đổi về một loại tiền điện tử do chính “King of invest” tạo ra, có tên là CXC. Theo đó, một đồng CXC tương đương 0,1 đến 9 USD. Việc này khiến cho giá trị tiền lãi nếu được nhận về cũng bị giảm đi rất nhiều lần.
"Từ ngày tôi vào chưa cầm được một đồng nào. Mất hết số tiền. Đi vay, nai lưng trả nợ cũng không đủ”, một nhà đầu tư cho biết.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội trả lời VTV: “Tôi thấy đây là dấu hiệu của hoạt động đa cấp biến tướng. Chỉ có ngân hàng nhà nước mới có quyền phát hành ra đồng tiền. Đồng tiền ảo CXC không phù hợp với các quy định của pháp luật. Nếu như kết hợp với các hành vi pháp như chuyển tiền của nhà đầu tư sang CXC thì còn có dấu hiệu huy động vốn trái phép”.
Bộ Công an cảnh báo hiện Việt Nam chưa công nhận đồng tiền điện tử hay tiền mã hóa nào. Việc nhà đầu tư tham gia giao dịch chỉ là ảo trên môi trường internet. Khi số tiền của người tham gia sau không đủ để trả cho người tham gia trước, mô hình sẽ sụp đổ, đồng nghĩa với việc đòi lại tiền gần như là không thể.
Dự án “King of invest” cũng nằm trong tầm ngắm của Bộ Công an từ lâu. Trong khi website của 'King of invest" đã đóng thì những người tự xưng là đứng đầu dự án cũng từng liên quan đến những dự án đa cấp lừa đảo trước đó, nay đã biệt tăm.