Cảnh báo “đảo nợ” trái phiếu bất động sản
Năm 2020 khép lại với hàng loạt thương vụ phát hành trái phiếu riêng lẻ khủng của các doanh nghiệp BĐS, điều này cũng dự báo một năm 2021 tiếp tục "nóng" của trái phiếu doanh nghiệp BĐS.
Việc phát hành của các doanh nghiệp BĐS thực ra là một cách thức để "đảo nợ"
Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), "chốt hạ" cho các thương vụ phát hành riêng lẻ trái phiếu của các doanh nghiệp BĐS năm 2020 là lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư Văn Phú số 2 phát hành thành công ngày 29/12/2020.
"Bùng nổ" vào tháng cuối năm 2020
Chỉ tính riêng trong 1 tuần từ 15 - 22/12, theo HNX đã có loạt doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu riêng lẻ với số vốn huy động lên đến nhiều ngàn tỷ đồng. Có thể kể đến một số cái tên như Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn Quảng lý Biển Đông (1.320 tỷ đồng), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (1.000 tỷ đồng), Công ty CP Kinh doanh và phát triển Bình Dương (700 tỷ đồng), Công ty CP SUNSHINE AM và Công ty CP đầu tư xây dựng Xuân Đỉnh (mỗi doanh nghiệp phát hành thành công 500 tỷ đồng),…
Với nhiều ngàn tỷ đồng phát hành thành công trong thời gian ngắn đã chứng tỏ trái phiếu riêng lẻ do các doanh nghiệp BĐS phát hành vẫn là kênh hút tiền đầu tư hiệu quả.
Nhận định về diễn biến trên của thị trường, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhìn chung, trái phiếu riêng lẻ là một kênh huy động vốn trung dài hạn từ xã hội khá tốt. Tuy nhiên, việc phát hành ồ ạt, đưa ra lãi suất cao để thu hút người dân tham gia mà không cung cấp thông tin đầy đủ, không có sự giám sát, quản lý của cơ quan chức năng sẽ dễ dẫn đến tình trạng đảo nợ và tiềm ẩn nguy cơ "bong bóng" trên thị trường.
"Phả sức nóng" sang năm 2021
Việc hàng chục ngàn tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ là các "giấy nợ" được bơm ra thị trường với cuộc đua lãi suất cam kết chi trả có khi lên đến 18%/năm (lô trái phiếu Happy18 Bond" của Apec Group) trong khi không bắt buộc về các tài sản đảm bảo cũng như thường không được bảo lãnh thanh toán (chỉ bảo lãnh phát hành) - theo TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Vấn đề đầu tiên là việc phát hành của các doanh nghiệp thực ra là một cách thức để "đảo nợ". Ông Hiếu cho rằng việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đợt sau với lãi suất cao để trả nợ ngân hàng hay đảo nợ cho số lượng trái phiếu đã phát hành trước đó. Trong trường hợp lượt phát hành sau không thành công lúc này nguy cơ vỡ nợ là rất cao.
Đồng quan điểm về vấn đề này, trước đó, trả lời truyền thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng đã cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay có những lúc việc phát hành trái phiếu không phải thực sự là phát hành, mà đảo nợ.
Hiện tại Việt Nam có không ít nhà đầu tư chưa có khả năng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành. Điều này vô hình chung đang tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế khi nhiều trái phiếu doanh nghiệp có thể trở thành nợ xấu.