‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể bớt phụ thuộc vào 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện

28/09/2023 14:29 PM | Kinh doanh

Quốc gia này tham vọng trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh hàng đầu song mong muốn trên vô cùng khó thực hiện.

Đầu năm nay, Mahendra Patra đã vay ngân hàng 21.600 USD để lắp đặt tấm pin mặt trời cho nhà máy dệt lưới đánh cá của mình tại ngoại ô Bhubaneswar - một thành phố bang Odisha miền đông Ấn Độ. Kể từ đó, hóa đơn tiền điện giảm đi đáng kể. Patra thậm chí còn có thể cung cấp ngược lượng điện dư thừa vào lưới điện chung.

Patra là một trong số ít những trường hợp ngoại lệ tại Odisha - tiểu bang với 40 triệu dân chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Bản thân khu vực này không có vị trí địa lý phù hợp để xây các trang trại năng lượng mặt trời do đặc điểm thời tiết nhiều bão, nắng thất thường.

Dẫu vậy, câu chuyện của Mahendra Patra đã phần nào cho thấy nỗ lực của Ấn Độ trong việc giúp nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Than hiện chiếm khoảng 3/4 sản lượng điện của cả nước.

‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể thoát khỏi 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện - Ảnh 1.

Thủ tướng Narendra Modi trước đó đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là đạt công suất 500 gigawatt nhiên liệu không hóa thạch vào năm 2030. Ấn Độ cũng đã trợ cấp hàng tỷ USD phục vụ ngành năng lượng sạch với mong muốn trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh hàng đầu.

Nhu cầu về năng lượng tái tạo ngày càng tăng và tại Odisha, giới chức địa phương đã đưa ra một loạt sáng kiến nhằm thu hút một phần vốn đầu tư đổ vào quá trình chuyển đổi năng lượng.

“Đây không phải là một sự lựa chọn. Chúng ta phải hướng tới năng lượng xanh”, Nikunja Dhal, thư ký năng lượng của Odisha cho biết.

‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể thoát khỏi 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện - Ảnh 2.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi năng lượng khó khăn, phần vì thiếu đất phục vụ các trang trại sạch, khiến dòng vốn đầu tư bị chậm lại. Hàng triệu người chưa được tiếp cận nguồn điện ổn định dù do nhu cầu luôn ở mức cao.

Theo FT, giới chức coi việc mở rộng các ngành công nghiệp gây ô nhiễm như thép và xi măng là phương tiện giúp tăng trưởng việc làm và kinh tế. Điều này có nghĩa, là ngay cả khi đã đầu tư mạnh tay cho năng lượng tái tạo, Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào than trong nhiều thập kỷ tới. Trước đó, trong hội nghị COP26, Ấn Độ cũng đã phản đối kế hoạch loại bỏ hoàn toàn than đá vì điều này gây nguy hiểm tới an ninh năng lượng quốc gia.

Theo nhóm nghiên cứu Climate Action Tracker, Ấn Độ dù là “nước dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo mới”, song các mục tiêu lại không nhất quán với những chính sách cần thiết để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Jayant Sinha, thành viên quốc hội cho biết Ấn Độ “cần khử cacbon để có khả năng cạnh tranh”.

“Câu chuyện net zero bằng 0 phụ thuộc vào tốc độ xây dựng năng lượng tái tạo. Biết là vậy nhưng việc tìm ra hướng đi là rất khó khăn”, Jayant Sinha nói.

‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể thoát khỏi 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện - Ảnh 3.

Theo FT, triển vọng Ấn Độ trở thành nhà sản xuất năng lượng xanh đã thúc đẩy làn sóng rót vốn. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài hồi năm ngoái đã tăng 40% lên 2 tỷ USD so với một năm trước đó.

McKinsey ước tính Ấn Độ cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD đầu tư vào năng lượng tái tạo mới có hy vọng đạt cam kết trở thành nước không phát thải carbon vào năm 2070.

Chi phí quá lớn đồng nghĩa với việc Ấn Độ có nguy cơ cao thất bại.

“Bước nhảy vọt này rất, rất tham vọng và sẽ mất thời gian”, Praveer Sinha, giám đốc điều hành công ty điện Tata Power, nói và cho biết việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi có thể khiến giới chức Ấn Độ bối rối.

Theo chương trình trợ cấp liên kết sản xuất được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2020, Ấn Độ cam kết chi hàng tỷ USD để chế tạo mô-đun năng lượng mặt trời và pin xe điện. Vineet Mittal, chủ tịch tập đoàn năng lượng xanh Avaada, cho rằng đây có thể là “nhân tố thay đổi cuộc chơi cho ngành công nghiệp Ấn Độ”.

Tuy nhiên, viễn cảnh nước này có thể theo kịp Mỹ và Trung Quốc hay không còn chưa chắc chắn. Mỹ hiện đang mở rộng trợ cấp 3 USD cho mỗi kg hydro xanh so với mức dưới 1 USD ở Ấn Độ.

‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể thoát khỏi 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện - Ảnh 4.

Các nhà đầu tư đặt cược vào các công ty tái tạo Ấn Độ cũng phải đối mặt với những khó khăn không mong muốn. Giá cổ phiếu của Adani Green Energy hiện đã rơi 46% trong năm nay sau loạt cáo buộc gian lận. Cổ phiếu một tập đoàn nổi bật khác là Azure Power cũng lao dốc 79% trong năm nay vì “thao túng” dữ liệu và thực hiện nhiều hành vi sai trái khác.

“Không nhiều công ty đủ năng lực cốt lõi để thực hiện những dự án lớn và mang lại lợi nhuận nhất quán”, đại diện Tata nói.

Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tái tạo cho đến nay chủ yếu tập trung ở các bang miền nam và miền tây Ấn Độ như Gujarat. Đối với các bang sản xuất than như Odisha, viễn cảnh giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch đặt ra nhiều mối đe dọa hiện hữu. Theo Rohit Chandra, trợ lý giáo sư tại Viện Công nghệ Ấn Độ Delhi, hiện có khoảng 25 triệu gia đình đang phụ thuộc vào ngành này.

Chuẩn bị giải pháp thay thế than tại Odisha là trọng tâm của quá trình chuyển đổi “công bằng”, từ đó giúp nền kinh tế không bị tổn thương. Sajjan Jindal, chủ tịch tập đoàn công nghiệp cho biết: “Khi sản xuất than giảm, ngành công nghệ tái tạo phải đi lên còn chúng ta xây dựng lại toàn bộ ngành điện: nhà máy điện mới, tubin gió, năng lượng mặt trời…”.

Để giúp thu hút đầu tư, vào năm 2021, Odisha bán công ty điện đang thua lỗ cho Tata Power sau khi được cam kết đầu tư 50 tỷ Rs để chuyển đổi cơ sở hạ tầng phân phối điện. Sanjay Banga, người đứng đầu bộ phận kinh doanh phân phối của Tata Power, cho biết đây sẽ là nền tảng cho quá trình chuyển đổi năng lượng của bang.

‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể thoát khỏi 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện - Ảnh 5.

Cách thủ phủ Bhubaneswar bang Odisha vài giờ lái xe, bạn đã có thể tận mắt chứng kiến một bức tranh hoàn toàn khác về tham vọng năng lượng của Ấn Độ. Tại Angul, trung tâm khai thác của bang, các mỏ lộ thiên xuất hiện la liệt. Bụi than bao phủ cây cối, trong khi đường xá thường xuyên bị tắc nghẽn do số lượng xe tải vận chuyển nhiên liệu tới quá nhiều.

Hoạt động này không có dấu hiệu chậm lại. iForest, một tổ chức tư vấn từng đề xuất kế hoạch chuyển đổi năng lượng cho Angul, ước tính sản lượng than có thể tăng gấp 3 trước khi đạt đỉnh vào năm 2033. Một số mỏ mới sẽ được khai thác.

Theo các chuyên gia, để thế giới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết loạt nhà máy điện than cần phải được loại bỏ tại các quốc gia đang phát triển vào năm 2030 và tại phần còn lại của thế giới vào năm 2040.

Trong khi đó, tại 2 quốc gia tiêu thụ 70% lượng than trên toàn cầu, nhiều nhà máy điện than đang được tái khởi động. Dự đoán số lượng nhà máy than mới được phê duyệt đến năm 2025 tại Trung Quốc sẽ nhiều hơn bất kỳ các quốc gia nào khác, trong khi Ấn Độ đang lên kế hoạch mở rộng 25% số lượng các nhà máy đến cuối thập kỷ này trong trường hợp lưu trữ điện không cải thiện.

Chính vì vậy, dù hoạt động đầu tư cho năng lượng gió và mặt trời đang tăng kỷ lục, rất có thể khí thải từ ngành điện than sẽ tăng mạnh trong năm nay, theo Ember. Trước đó, các nhà khoa học về khí hậu của Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo rằng sản lượng than phải được cắt giảm một nửa vào năm 2030 mới có thể ngăn nhiệt độ tăng thêm khoảng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

“Chúng tôi không thể tìm ra giải pháp thay thế. Không có than, chúng tôi sẽ không có việc để làm”, Prakash Ravidas, giám sát mỏ nói.

‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể thoát khỏi 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện - Ảnh 6.

Thực tế là ngay cả khi Ấn Độ đáp ứng được mục tiêu xanh hóa của Thủ tướng Modi, năng lượng tái tạo dự kiến chỉ chiếm khoảng một nửa sản lượng điện vào năm 2030. Với nhu cầu năng lượng của Ấn Độ vốn tăng tới 6% mỗi năm, Ấn Độ có lẽ cần phải tiêu thụ nhiều than hơn vào cuối thập kỷ này.

“Liệu chúng ta còn phụ thuộc vào than nữa không? Chắc chắn là có rồi”, Sumant Sinha, chủ tịch của ReNew cho biết. “Ấn Độ là một đất nước rộng lớn và đang phát triển nhanh chóng. . . Chính phủ không thể kìm hãm sự tăng trưởng nhưng lại cần đạt các mục tiêu về môi trường. Đó là điều khiến họ phải đau đầu”.

Theo các chuyên gia, việc giá năng lượng tái tạo giảm mạnh trong thập kỷ qua sẽ thúc đẩy hơn nữa giới chức loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là thiếu nguồn lưu trữ năng lượng. Các nhà máy than có thể hoạt động 24 giờ một ngày, trong khi mặt trời và gió thì không.

“Thế giới không thể loại bỏ hoàn toàn nguồn điện chạy bằng than”, Robert Bishop, giám đốc điều hành New Hope, công ty đang hướng tới mục tiêu nâng sản lượng và nghiên cứu các thương vụ mua lại tiềm năng trong lĩnh vực than, cho biết. “Quá trình này sẽ mất thời gian và chúng ta sẽ không có đủ nguồn cung đáp ứng”.

‘Canh bạc xanh’ khiến quốc gia tỷ dân đau đầu: Không thể thoát khỏi 'vàng đen', cần tối thiểu 2,5 nghìn tỷ USD mới hy vọng làm nên chuyện - Ảnh 7.

Theo: Financial Times

Bài viết: Huệ Anh/ Thiết kế: Hà Mĩ

Từ khóa:  ấn độ , than
Cùng chuyên mục
XEM