Cảng vũ trụ Trung Quốc xây gần Việt Nam: Xem tên lửa phóng "đắt cắt cổ" vẫn cháy vé

26/12/2021 15:32 PM | Xã hội

Việc xây dựng cảng vũ trụ đã khiến thành phố ở Trung Quốc lột xác nhờ vào ngành du lịch hiếm có trên thế giới.

Cảng vũ trụ của Trung Quốc

Cảng vũ trụ Văn Xương - có tên chính thức là Bãi phóng Tàu vũ trụ Văn Xương - nằm ở thành phố Văn Xương, đảo Hải Nam, Trung Quốc. Đây là một bãi phóng tên lửa và cũng là một trong hai cảng vũ trụ của Trung tâm Phóng vệ tinh Tây Xương, địa điểm còn lại là ở Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Cảng vũ trụ Văn Xương là cảng vũ trụ thứ 4 và là cảng nằm xa nhất về phía nam của Trung Quốc. Cảng vũ trụ này đã được lựa chọn đặc biệt vì vĩ độ thấp. Việc phóng tàu vũ trụ từ vùng gần xích đạo sẽ tận dụng được lực quay của Trái đất, tiết kiệm nhiên liệu và đồng nghĩa với việc tăng được lượng thiết bị cần thiết để mang lên trạm vũ trụ tương lai của Trung Quốc. Cảng vũ trụ Văn Xương có thể phóng tên lửa Long March 5, hiện tại là tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc.

Việc xây dựng cảng này được hoàn thành vào tháng 10/2014. Lần phóng tên lửa đầu tiên diễn ra thành công vào ngày 25/6/2016.

 Cảng vũ trụ Trung Quốc xây gần Việt Nam: Xem tên lửa phóng đắt cắt cổ vẫn cháy vé  - Ảnh 1.

Tên lửa Long March-5 được phóng từ cảng vũ trụ Văn Xương. Ảnh: China Daily

Yi Ziqian, cựu phó chỉ huy cuộc phóng tên lửa Long March-5 lần đầu tiên, cho biết cảng vũ trụ Văn Xương là trung tâm phóng lớn nhất và tiên tiến nhất, với năng lực phóng tốt nhất ở Trung Quốc.

Trung tâm có cơ sở lắp ráp và thử nghiệm cao 99 mét, nơi các tên lửa có thể được lắp ráp và thử nghiệm theo phương thẳng đứng, cũng như một cánh cửa thép cao 81 mét, lớn nhất châu Á.

Theo nhiều nguồn tin, việc xây một trung tâm vũ trụ lớn ở đảo Hải Nam đã nhiều lần vấp phải phản đối vì giới chức Bắc Kinh do đây là địa điểm "hở", dễ bị tấn công trong trường hợp có chiến tranh.

Theo báo cáo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), việc xây dựng cảng vũ trụ Văn Xương được chính thức phê duyệt vào ngày 22/9/2007.

Du lịch bùng nổ nhờ cảng vũ trụ

Thành phố Văn Xương, miền nam Trung Quốc được chọn làm nơi phóng vệ tinh do khu vực này có vĩ độ thấp, cách đường xích đạo khoảng 19 độ về phía bắc. Vị trí của nó cho phép tăng trọng tải cho các vụ phóng tên lửa.

Cho đến nay, 9 tên lửa đã được phóng từ khu vực này, với 2 lần thất bại vào năm 2017 và 2020.

Một trong số những thay đổi rõ nét nhất mà cảng vũ trụ này mang lại cho thành phố Văn Xương là sự thúc đẩy trong ngành du lịch của vùng. Sau khi cảng được mở, người hâm mộ thiên văn học và lĩnh vực vũ trụ đã tràn đến đây để tham quan. Các khách sạn ở "thành phố vũ trụ" Văn Xương đã kín chỗ.

Pan Detian, đại diện thuộc công ty đầu tư du lịch Văn Xương, cho biết kể từ khi mở cửa vào tháng 3/2016 tới năm 2018, trung tâm vũ trụ đón được 300.000 lượt khách.

 Cảng vũ trụ Trung Quốc xây gần Việt Nam: Xem tên lửa phóng đắt cắt cổ vẫn cháy vé  - Ảnh 2.

Một cư dân có tên Lin Chunxue, 47 tuổi, cho biết gia đình mới mua một chiếc ô tô. Kể từ khi cô và gia đình mở nhà trọ vào năm 2011, thu nhập của họ đã tăng gấp 10 lần lên 100.000 nhân dân tệ/năm (khoảng 350 triệu VNĐ). Nhà trọ nhận tới 20 bàn khách mỗi ngày.

Lin cho biết xung quanh ngôi làng cũng đã thay đổi rất nhiều.

"Rác, phân lợn từng xuất hiện khắp mọi nơi, giờ cảnh quan làng quê sạch đẹp còn hơn thành phố", chị nói. "Tôi thà ở nông thôn còn hơn chuyển đến thành phố."

Xe chạy pin chở khách du lịch quanh trung tâm phóng vũ trụ Văn Xương trên đảo Hải Nam, tỉnh Hải Nam của Trung Quốc. Một vé 130 nhân dân tệ (20,7 USD) cho phép họ xem trung tâm điều khiển phóng và vận hành, tòa nhà lắp ráp và khu thử nghiệm theo chiều thẳng đứng, cũng như tháp phóng tên lửa.

Tổng giám đốc khu điều hành cho biết du khách có thể hiểu thêm nhiều điều về các vụ phóng tên lửa và giá tham quan có thể tăng gấp đôi trong thời gian phóng.

"Chúng tôi có các chuyên gia ở đây. Chúng tôi có rất nhiều tên lửa và người hâm mộ vũ trụ. Trong khoảng thời gian phóng tên lửa, chúng tôi cũng tổ chức một số hoạt động, chẳng hạn như cắm trại mùa hè, diễn đàn chuyên gia," ông nói.

Một số dân làng, những người đã được chuyển đến các ngôi nhà do chính phủ Trung Quốc xây dựng khi cảng vũ trụ Văn Xương được xây dựng hơn 10 năm trước, đã chuyển đổi một số phòng của họ thành khách sạn lưu trú tại gia cho những người hâm mộ vũ trụ.

"Một số dân làng đã chuyển nhà của họ thành khách sạn lưu trú tại nhà và mỗi phòng có giá khoảng 700 nhân dân tệ (khoảng 100 USD) 1 đêm trong thời gian ra mắt", một người dân địa phương họ Chen cho biết.

Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm siêu máy tính mới ở Hải Nam để hỗ trợ cảng vũ trụ Văn Xương - dự kiến ​​trị giá hơn 3 tỷ USD, theo Hainan Daily. Và trung tâm mới có mục tiêu cung cấp dữ liệu lớn và dịch vụ đám mây cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm hàng không vũ trụ và hàng hải từ năm 2022.

Xét về mặt địa lý, Việt Nam cũng có lợi thế lớn vì chắc chắn cảng vũ trụ xây tại Việt Nam sẽ gần đường xích đạo hơn đáng kể so với cảng vũ trụ của Trung Quốc. Ngoài ra, cảng Việt Nam sẽ nằm trên bờ phía Đông của vùng biển lớn, gần các tuyến đường giao thương và vận tải, xa khu dân cư. Trong tình huống xấu, các hoạt động tên lửa và tàu vũ trụ cũng sẽ chỉ gây ảnh hưởng tối thiểu tới đời sống của người dân.

Tiềm năng cảng vũ trụ ở Việt Nam

Mới đây, một nhóm các nhà khoa học Nga, bao gồm những tên tuổi nổi tiếng như M. Grigoriev, M. Okhochinsky, S. Chirikov và A. Khramov, đã từng đưa ra lập luận về lợi ích của việc xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển sáng tạo vượt bậc trong lĩnh vực không gian của Nga và các đối tác.

Trong đó, Việt Nam được tất cả công nhận là địa điểm chính và khả thi nhất để xây dựng công trình này.

Nói cách khác, Việt Nam không phải là đối tượng lựa chọn ngẫu nhiên để xây dựng sân bay vũ trụ trên lãnh thổ của mình. Các tác giả dự án của Nga đã tính toán cẩn thận tới từng chi tiết. Theo họ, mũi Cà Mau rất có khả năng trở thành địa điểm để xây cảng vũ trụ phù hợp nhất.

 Cảng vũ trụ Trung Quốc xây gần Việt Nam: Xem tên lửa phóng đắt cắt cổ vẫn cháy vé  - Ảnh 3.

Các cảng vũ trụ hiện đang được sử dụng trên thế giới. Việt Nam ở gần xích đạo hơn Trung Quốc và đây là lợi thế đặc biệt của Việt Nam.

Nếu có thể sở hữu cảng vũ trụ, Việt Nam nắm giữ cơ hội rất lớn để trở thành một trong những nước dẫn đầu trong ngành. Các chuyên gia Nga cho biết, mặc dù Nga là một trong 3 cường quốc vũ trụ, nhưng tất cả các cảng vũ trụ của nước này đều nằm ở phía Bắc, cách quá xa đường xích đạo.

Trong tất cả các nước Đông Dương, Việt Nam là nước gần gũi và hiểu Nga nhất, thuận lợi nhất cho hợp tác giữa hai bên. Với những lợi thế về địa lí của Việt Nam và kinh nghiệm về vũ trụ của Nga, việc xây dựng một cảng vũ trụ ở Việt Nam là điều hoàn toàn khả thi.

Hồi tháng 4, Trung Quốc đã phóng mô-đun lõi trạm vũ trụ đầu tiên của nước này bằng tên lửa Long March-5B tại Bãi phóng Tàu vũ trụ Văn Xương ở đảo Hải Nam, miền nam Trung Quốc.

Lần phóng tên lửa này là một bước đột phá trong các chương trình khám phá không gian của Trung Quốc, vì mô-đun này dự kiến sẽ cung cấp hỗ trợ duy trì sự sống cho 3 phi hành gia trong tối đa 6 tháng.

Kể từ khoảng 50 năm trước khi Liên Xô cũ đưa trạm vũ trụ đầu tiên - Salyut 1 - ra ngoài vũ trụ, đã có 11 cơ sở cho phép các phi hành gia sống trên vũ trụ như vậy.

Việc Trung Quốc xây dựng một trạm vũ trụ của riêng nước này lần đầu tiên được chính quyền Bắc Kinh lên kế hoạch vào năm 1992. Đến cuối năm 2022, nước này có kế hoạch hoàn thành việc lắp ráp trạm, và cần thêm hơn 10 lần phóng các mô-đun chính khác.

Trạm vũ trụ do Trung Quốc xây dựng dự kiến sẽ hợp tác với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), trạm vũ trụ lớn nhất cho đến nay trong lịch sử loài người. ISS, đóng vai trò như một phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường không gian và trọng lực vi mô, có sự tham gia của 5 cơ quan vũ trụ, bao gồm NASA của Hoa Kỳ, Roscosmos của Nga, JAXA của Nhật Bản, ESA của Châu Âu và CSA của Canada. Nghiên cứu khoa học trong ISS bao gồm từ sinh vật học, thiên văn học đến vật lý học.

Theo Tất Đạt

Cùng chuyên mục
XEM