Căng thẳng Trung Quốc-Thụy Điển leo thang, báo TQ đe dọa: "Lăng mạ Bắc Kinh phải trả giá"

26/09/2018 09:30 AM | Xã hội

Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển yêu cầu đài SVT phải xin lỗi vì đã "lăng mạ Trung Quốc", và khuyến nghị công dân về tình trạng trộm cướp "gần như hàng ngày" ở Thụy Điển.

Trung Quốc và Thụy Điển đang mắc kẹt trong một vụ căng thẳng ngoại giao sau khi một mâu thuẫn nhỏ xảy ra với các khách du lịch Trung Quốc tại một nhà nghỉ ở Thụy Điển diễn biến theo chiều hướng xấu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng

Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, chính quyền Trung Quốc và truyền thông đã chỉ trích một chương trình hài của đài truyền hình SVT Thụy Điển là "phân biệt chủng tộc và bài ngoại" vì chế nhạo sự cố mới đây bằng các hình mẫu tiêu cực về người Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng rất tức giận trước chương trình nói trên.

Gọi chương trình là "hành động lăng mạ trắng trợn và tấn công nhằm vào Trung Quốc và người Trung Quốc", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố, Trung Quốc lên án mạnh mẽ và yêu cầu đài truyền hình "ngay lập tức có những biện pháp để loại bỏ ảnh hưởng tiêu cực".

Căng thẳng Trung Quốc-Thụy Điển leo thang, báo TQ đe dọa: Lăng mạ Bắc Kinh phải trả giá - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Ảnh: Reuters

"Chương trình của đài SVT lan truyền và ủng hộ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại, đồng thời công khai xúi giục, khuyến khích sự căm ghét và đối đầu nhằm vào Trung Quốc", đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển nêu rõ trong một thông cáo, "Chuyện như vậy lại có thể xảy ra ở Thụy Điển, một nước chủ trương ủng hộ sự bình đẳng".

Cơ quan này cũng yêu cầu đài truyền hình Thụy Điển phải xin lỗi vì đã "lăng mạ Trung Quốc" trong chương trình hài nói trên.

Cuối tuần trước, đại sứ quán Trung Quốc đã ban bố khuyến nghị di chuyển cho công dân của mình, cảnh báo họ trước thông tin về một loạt "sự cố an ninh" mà khách du lịch Trung Quốc tại Thụy Điển trình báo, gồm cả trộm, cướp "gần như hàng ngày".

Nguyên nhân bùng phát căng thẳng

Làn sóng phản đối của Bắc Kinh, cũng như các phương tiện truyền thông Trung Quốc, bùng phát sau một vụ việc tưởng như không quan trọng, liên quan tới khách du lịch Trung Quốc tại Stockholm hồi đầu tháng này.

Theo truyền thông địa phương, một gia đình Trung Quốc đã tới một nhà nghỉ ở Stockholm vào khoảng 2 giờ sáng ngày 2/9 dù họ đặt phòng cho đêm sau (3/9).

Khi biết chưa thể nhận phòng, nhóm khách Trung Quốc nói họ sẽ đợi ở sảnh và không chịu rời khỏi đó. Nhân viên nhà nghỉ đã gọi cho cảnh sát và cảnh sát đã tới đưa họ ra ngoài.

Mặc dù nguyên nhân chính xác vì sao cảnh sát được gọi tới vẫn chưa rõ nhưng trên mạng xuất hiện một đoạn phim cho thấy một người đàn ông Trung Quốc và cha mẹ ông ta la hét, gào khóc khi đang ngồi trên vỉa hè, dưới sự chứng kiến của một số sĩ quan cảnh sát Thụy Điển.

Dư luận Trung Quốc có nhiều quan điểm trái chiều về vụ việc. Nhưng giới chức Trung Quốc, gồm cả đại sứ nước này tại Thụy Điển và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng cảnh sát Thụy Điển "đối xử tàn bạo" với công dân của họ và gọi đó là vi phạm nhân quyền của các khách du lịch.

Khước từ yêu cầu điều tra sự việc của phía Trung Quốc, Văn phòng Công tố Thụy Điển đã ra thông cáo khẳng định rằng "cảnh sát không hề phạm tội hình sự" và vì thế sẽ không có cuộc điều tra nào cả.

"Lăng mạ Trung Quốc phải trả giá"

Truyền thông Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công dữ dội nhằm vào đài truyền hình Thụy Điển, cũng như truyền thông phương Tây, trong khi một số cư dân mạng Trung Quốc khẳng định họ sẽ bắt đầu tẩy chay các doanh nghiệp Thụy Điển, ví dụ như hãng nội thất IKEA.

"Các vấn đề nguyên tắc không thể được thỏa hiệp và những gì liên quan tới lợi ích quốc gia không thể bị phớt lờ", tờ Nhân dân Nhật báo đăng trên Twitter, "Những bên lăng mạ Trung Quốc phải trả giá".

"Xét trên những thách thức về xã hội và tị nạn mà chính quyền Thụy Điển đối mặt, nếu nước này tiếp tục bật đèn xanh cho những chương trình 'giải trí' như vậy trong khi nhận mình là bên ủng hộ sự bình đẳng và nhân quyền thì cuối cùng họ sẽ phải trả giá cho những gì mình đã làm", China Daily nói trong một bài xã luận.

Theo Thi Anh

Cùng chuyên mục
XEM