Canada và ngành sản xuất nhân sâm trăm triệu USD

22/04/2016 15:33 PM | Kinh tế vĩ mô

Tại sao Canada, quốc gia cách nửa vòng trái đất với Trung Quốc lại trở thành trung tâm xuất khẩu nhân sâm, một thị trường giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm cho Châu Á?

Vào một buổi sáng mùa xuân tại thị trấn nhỉ Delhi-Oronto thuộc Canada, hơn 100 người nông dân trồng nhân sâm đã tụ họp tại Diễn đàn những người trồng nhân sâm được tổ chức hàng năm.

Không như mọi năm, hội nghị năm nay khá trầm lắng khi tập đoàn Hang Fat- nhà thu mua nhân sâm lớn nhất tại Hồng Kông, vốn là thị trường chính của Canada gặp rắc rối và chưa thể thanh toán tiền cho những nhà cung cấp.

Dẫu vậy, các chuyên gia cho rằng ngành nhân sâm Canada vẫn sẽ tồn tại và phát triển. Vụ rắc rối Hang Fat chỉ khiến một số nông trại chưa nhận được thanh toán phải lo lắng.

Vậy tại sao Canada, quốc gia cách nửa vòng trái đất với Trung Quốc lại trở thành trung tâm xuất khẩu nhân sâm, một thị trường giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm cho Châu Á?


Nhân sâm được trồng ở Canada

Nhân sâm được trồng ở Canada

Bắt đầu từ thế kỷ 18

Tất cả bắt đầu từ cách đây hơn 300 năm khi một mục sư ở Canada tại thế kỷ 18 bắt đầu giao thương loại sản phẩm này với Trung Quốc.

Những người thổ dân Iroquois ở miền đông Canada là những người đầu tiên phát hiện và sử dụng nhân sâm ở Bắc Mỹ. Họ hái những gốc nhân sâm dại để sử dụng trong các nghi lễ và dùng làm thuốc giảm sốt, chữa bệnh xoang hay trị các vết sưng.

Đến năm 1715, nhà truyền giáo cơ đốc Joseph-Francois Lafitau nhận ra được giá trị của những nhân sâm này với người Trung Quốc khi họ dùng làm thực phẩm bổ dưỡng và là một loại thuốc bổ trong đông y. Ngay sau đó, một số lượng lớn nhân sâm từ Canada đã được xuất khẩu sang Châu Á nhưng con đường thương mại này không tồn tại được lâu.

Vào thập niên 1750, do tình trạng hái nhân sâm quá mức khiến nguồn cung cạn kiệt. Trong khi đó, các thương nhân không biết cách sao khô cũng như bảo quản đúng cách khi vận chuyển khiến chất lượng và giá bán nhân sâm bị giảm, khiến các thương lái thất thu. Kể từ đây, ngành xuất khẩu nhân sâm từ Bắc Mỹ sang Châu Á hoàn toàn dừng hẳn.

Cho đến cuối thập niên 1800, nhân sâm bắt đầu được trồng nhân tạo ở Ontario với số lượng nhỏ. Tuy nhiên, thời kỳ đó nông dân Canada có hứng thú trồng cây thuốc lá hơn khi chúng cho nhiều lợi nhuận nên nhân sâm vẫn chưa được phát triển đại trà.


Sâm Bắc Mỹ được bán tại Phố Tàu

Sâm Bắc Mỹ được bán tại Phố Tàu


Sâm Bắc Mỹ được bán tại Phố Tàu

Sâm Bắc Mỹ được bán tại Phố Tàu

Ngành sản xuất trăm triệu USD

Phải đến thập niên 1980, khi chính phủ Canada có những động thái kiềm chế ngành thuốc lá và người dân cũng bắt đầu chú ý đến thực phẩm có lợi cho sức khỏe khiến cung nguyên liệu thuốc lá suy giảm, qua đó buộc các nông dân phải tìm một loại cây trồng thay thế nhưng vẫn đem lại giá trị cao.

Trong số các loại cây, nhân sâm là ứng cử viên sáng giá nhất khi chúng được coi là một loại mặt hàng khan hiếm với nhu cầu cao, đặc biệt tại Châu Á.

Kể từ đó, ngành trồng và sản xuất nhân sâm tại Canada bắt đầu bùng nổ. Trong năm 2016, số diện tích đất trồng nhân sâm tại Ontario dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục 3.350 ha, cao gấp đôi so với diện tích năm 2001.


Sâm Bắc Mỹ sẵn sàng để vận chuyển xuất khẩu

Sâm Bắc Mỹ sẵn sàng để vận chuyển xuất khẩu

Hàng năm, ngành sản xuất nhân sâm tại Ontario đóng góp khoảng 472 triệu USD cho nền kinh tế Canada và nước này hiện xuất khẩu hàng nghìn tấn nhân sâm tới Châu Á mỗi năm.

Hiện khoảng 75% nhân sâm Bắc Mỹ nhập khẩu vào Hồng Kông là đến từ Canada.

Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đã khiến giá nhân sâm tăng mạnh trong những năm vừa qua.

Trong 15 năm qua, giá nhân sâm nhập khẩu từ Bắc Mỹ liên tục tăng từ 30USD/kg lên mức 75USD/kg vào năm 2013. Tuy nhiên, đây là loại sâm trồng. Đối với sâm dại Bắc Mỹ, giá giao động từ 350 USD- 2.000 USD/kg.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM